Tiêu điểm: Derby nước Anh và tiếng hát trên những xác người

Một tuyên bố mới nhất vừa được đưa ra trước trận derby nước Anh: Với sự hợp tác chặt chẽ cùng lực lượng cảnh sát vùng Thượng Manchester, cảnh sát Merseyside sẽ kiểm soát nghiêm ngặt những CĐV của hai đội. Và đặc biệt, bất kỳ khán giả nào cất tiếng hát phỉ báng đội bạn, họ sẽ bị bắt ngay lập tức.

1. Câu chuyện các CĐV Liverpool hát nhạo Man United và ngược lại, với nội dung dựa trên thảm họa mà hai CLB ấy đã gặp trong lịch sử, đã trở nên quá quen thuộc trong bóng đá Anh. CĐV Man United vẫn thường hát về thảm họa Hillsborough năm 1989 khiến 96 CĐV Liverpool thiệt mạng trong khi phía Liverpool cũng chẳng vừa, những cầu thủ tử thương trong chuyến bay Munich năm nào vẫn là đối tượng giễu nhại trong những câu hát của họ.

Những tiếng hát nhẫn tâm ấy, chỉ để thỏa cái thù ghét của hai lực lượng đối lập nhau trên sân bóng, vẫn là nỗi hổ thẹn của Premier League. UEFA đã từng xử phạt Liverpool một lần nhưng điều đó không khiến thói quen kia chấm dứt. Và dường như nó còn là một trào lưu lớn mạnh hơn, theo kiểu là một CĐV đích thực thì phải hát được những câu hát đó.

2. Chuyện của CĐV nước Anh tự nhiên khiến tôi liên tưởng đến câu chuyện mà một đồng nghiệp kể lại. Có một chương trình giải trí ngoài trời rất hoành tráng ở Việt Nam đã gặp phải tai nạn khi thi công sân khấu. Tai nạn ấy khiến một công nhân tử vong và nhà tổ chức đã rất khéo léo để câu chuyện về tai nạn kia không bị rò rỉ ra truyền thông. Người đồng nghiệp của tôi đã lắc đầu khi xem chương trình vẫn diễn ra đẹp đẽ trên truyền hình trực tiếp, và nói mỗi một câu “Đúng là hát trên xác người”.

“Hát trên những xác người”, câu nói ấy tự nhiên trở lại trong suy nghĩ của tôi trong chuyện kể về những tiếng hát mà CĐV Liverpool và Man United dành cho nhau. Là CĐV Liverpool thì dứt khoát phải ghét Man United rồi, và ngược lại. Nhưng ghét bỏ nhau tới mức lấy cái chết của người khác ra để làm khúc hoan ca của mình thì dã man quá, mọi rợ quá.

Và chính chúng ta cũng có khi không tránh khỏi trở thành những kẻ mọi rợ và dã man như thế, trong đời sống này. Có những lần, chúng ta hân hoan nói về một tai nạn của ai đó mà mình căm ghét, trên mạng xã hội, trong những bình luận, giữa những tiếng nói tương đồng… một cách hồn nhiên. Cái cách hành xử ấy của chúng ta, dù đối tượng bị nạn kia không hẳn đã gặp phải thương vong, cũng chẳng khác gì việc hát trên những xác người.

3. Con người luôn đề cao, yêu mến tính nhân văn, và cũng luôn phấn đấu để sống một cách nhân văn. Đó chính là một khát vọng chung mà bất kỳ ai cũng có. Song, chúng ta thường không thoát khỏi cái tập quán đám đông đã ăn sâu vào tiềm thức của mình, tập quán thích phán xét, ưa mổ xẻ, dễ hoan hỉ với nguy khốn của một người cá biệt nào đó, nhất là khi người ấy thuộc diện người của công chúng (public figure) hoặc là một dạng “kẻ thù chung” (Public enemy). Chúng ta quên béng cái nhân văn khát vọng kia và cũng quên sạch sành sanh rằng đối tượng của mình, dù sao cũng chỉ là một con người.

Nếu Phật giáo có triết lý về ân-oán và nghiệp-quả thì Ky tô cũng có một khái niệm ngắn gọn nhưng đáng nghiền ngẫm trong Kinh lạy Cha. Đó là khái niệm về sự tha nợ. Hãy tha nợ, nếu muốn được tha nợ. Nhưng biết tha nợ, có lẽ không dễ chút nào. Yêu thương là thứ nhiều khi cần phải học.

Bob Dylan được Nobel văn chương, có người lập tức nói ngay “không xứng đáng” hoặc “quái dị thật”. Nhưng khi một nhạc sỹ viết được một câu đơn giản như thế này “Một cá nhân phải rải bước qua bao nhiêu chặng đường để được gọi là một con người đích thực đây?” đồng thời đưa ra đáp án rằng “câu trả lời ư, thoảng qua đi trong gió” thì chắc chắn triết lý của ông ta đã không chỉ còn gói gọn trong bảy nốt nhạc nữa. Và đó cũng là người đã hát vì những xác người, chứ không phải như chúng ta, chỉ biết hát trên những xác người.

Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/anh/tieu-diem-derby-nuoc-anh-va-tieng-hat-tren-nhung-xac-nguoi-n20161015002713808.htm