Tiêu cực nhức nhối tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh): Kỳ 2: Hốt “tiền chùa” bằng đấu thầu “chân gỗ”

Dựa vào nguồn vốn kích cầu từ ngân sách Nhà nước, việc đầu tư tài sản lớn đã được thực hiện vội vàng chóng vánh tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh), bất chấp những quy định của Luật đấu thầu. Một “kịch bản” tổ chức đấu thầu kiểu “chân gỗ” đã được thực hiện trót lọt gắn liền với khoản tiền tỷ chênh lệch so với giá cả thị trường. Ai là người hưởng lợi hàng tỷ đồng chênh lệch mà ngân sách Nhà nước phải gánh trả cho việc đầu tư tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức?

Năm 2007, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức tiến hành xây dựng đề án vay vốn kích cầu của thành phố để mua máy CT scan và xây dựng một phòng chụp CT đầy đủ trang thiết bị đúng tiêu chuẩn. Bệnh viện chỉ trả vốn vay, lãi suất được thành phố hỗ trợ 100%. Ngày 14/5/2008, UBND TP.Hồ Chí Minh có quyết định (số 2096/QĐ-UBND) bổ sung danh mục dự án đầu tư của bệnh viện vào chương trình kích cầu thông qua đầu tư của thành phố (đợt 12). Sau khi ký kết hợp đồng vay vốn, bệnh viện phải xây dựng kế hoạch, nội dung đấu thầu mua sắm máy CTscan. Đây là nội dung bắt buộc theo Luật đấu thầu và quy chế hoạt động của bệnh viện. Vậy nhưng, với tư cách Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, ông Trần Vĩnh Hưng đã tổ chức họp hội đồng khoa học công nghệ và hội đồng đấu thầu chỉ để “thông qua quy trình đấu thầu”. Riêng phần quan trọng nhất là xây dựng tính năng kỹ thuật của máy CTscan để đưa vào hồ sơ mời thầu thì “ông đầu tư” âm thầm quyết định dựa trên cơ sở nào chẳng ai rõ. Rốt cục, động thái này dường như chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty Tramat Co tham gia đấu thầu, trong khi các doanh nghiệp kinh doanh thiết bị y tế của hãng khác không có khả năng tham gia đấu thầu vì sự khác biệt về kỹ thuật (không phải là yếu tố quyết định chức năng thiết bị). Do đó khi Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức bán hồ sơ thầu chỉ có Công ty Tramat Co mua hồ sơ thầu. Một thời gian sau, cán bộ công nhân viên tại bệnh viện mới nghe nói có thêm một doanh nghiệp khác là Công ty Đỗ Thân mua hồ sơ thầu nhưng bản thân công ty này chưa bao giờ kinh doanh mặt hàng máy CTscan nên đã phải liên doanh với Công ty TNHH Việt Nhật để dự thầu mặc dù không đủ tiêu chuẩn như hồ sơ mời thầu. Theo Luật đấu thầu, phải có tối thiểu 3 hồ sơ dự thầu thì mới được phép tổ chức mở thầu. Và đến ngày 08/2/2009, chỉ cách ngày Bệnh viện mở thầu 2 ngày mới có thêm Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ S.M.I nộp hồ sơ dự thầu để đủ số lượng nhà thầu theo quy định. Đáng lưu ý là hiện tại TP Hồ chí Minh có 4 nhà cung cấp máy CTscan có uy tín và có thị phần lớn tại Việt Nam gồm: hãng Toshiba, GE, Semens, Shimazu.. nhưng các hãng này không thể tham gia dự thầu được vì trong hồ sơ mời thầu (mục 2: tiêu chuẩn đánh giá mặt kỹ thuật ) ông Hưng đã lấy nguyên tính năng kỹ thuật của hãng Philipp để đưa vào hồ sơ mời thầu. Cần nói thêm, tuy cùng một chức nãng nhưng mỗi hãng sản xuất có thông số kỹ thuật riêng, khi Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức “cố tình” đưa ra yêu cầu hồ sơ mời thầu phải chính xác theo cấu hình của hãng Philipp thì “vô tình” các hãng sản xuất khác bị loại, không thể tham gia. Ngày 10/2/2009, Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức chính thức mở thầu, đến ngày 11/2/2009 bắt đầu xét thầu. Tuy nhiên, theo quy định trong hồ sơ mời thầu và Luật đấu thầu thì cả 3 đơn vị tham gia đấu thầu đều bị loại. Cả 3 công ty tham gia đấu thầu đều thiếu những tiêu chuẩn, năng lực bắt buộc nhưng vẫn nộp hồ sơ dự thầu, thậm chí có đơn vị chưa bao giờ kinh doanh máy CTscan. Do đó tổ chuyên gia xét thầu thống nhất loại cả 3 công ty dự thầu vì đã vi phạm Luật đấu thầu, đồng thời làm văn bản báo cáo Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức (là chủ đầu tư). Thế nhưng, rất lạ lùng, nhận được kết quả trên, Giám đốc Trần Vĩnh Hưng vội vàng làm văn bản yêu cầu Công ty Tramat Co bổ sung hồ sơ cho đủ tiêu chuẩn tham gia đấu thầu theo kiểu “một mình một chợ”, bất chấp quy định của pháp luật. Trong khi theo Luật đấu thầu, khi đã mở thầu công khai thì không được phép bổ sung bất kỳ hồ sơ có liên quan làm thay đổi nội dung, kết quả thầu, và chỉ được phép giải thích làm rõ từ ngữ chuyên môn khi có yêu cầu. Kế đó, ngày 02/3/2009, Giám đốc Trần Vĩnh Hưng vẫn ung dung ký quyết định “phong” cho Công ty Tramat Co trúng thầu với giá 8,5 tỷ đồng, mặc dù tổ chuyên gia xét thầu đã đề xuất loại nhà thầu này do không đáp ứng điều kiện dự thầu. Việc chi tiền tỷ để đưa máy CT scan về Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức nhanh chóng hoàn tất thương vụ cũng được thực hiện một cách chóng mặt! Nhiều cán bộ công nhân viên biết việc tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức thở dài khi nhìn thấy diễn biến cuộc đấu thầu kỳ lạ, chi đến 8,5 tỷ đồng của Nhà nước mà chẳng khác màn kịch sân khấu có sự xuất hiện “quân xanh, quân đỏ”. Ngoài Công ty Tramat Co không đủ tiêu chuẩn vẫn được “chọn mặt” trúng thầu, hai nhà thầu khác tham gia đấu thầu “quên” luôn việc đóng tiền bảo lãnh dự thầu hoặc cố tình nộp hồ sơ dự thầu sơ sài thiếu sót chiếu lệ. Chưa hết, về chất lượng, chế độ bảo hành bảo trì và tính năng kỹ thuật của hãng Philipp mà Công ty Tramat Co đưa ra còn thua kém mặt hàng các nhà sản xuất khác. Nhức nhối hơn, trên thị trường giá của máy CT scanner 6 lát của hãng Philipp chỉ giao động từ 7 đến 7,5 tỷ đồng, nhưng Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thủ Đức Trần Vĩnh Hưng vẫn mạnh tay ký hợp đồng mua của Công ty Tramat Co với giá cao đến 8,5 tỷ đồng. Theo một bản chào giá của Công ty TNHH Đức Tuấn (quận 5, TP. Hồ Chí Minh), giá bán mặt hàng CT scan 6 lát của hãng Philipp chỉ khoảng hơn 7,2 tỷ đồng còn kèm theo khuyến mãi 01 màn hình LCD và 11 phần mềm khác giá trị tương đương vài chục ngàn USD. Như vậy, việc ngang nhiên vi phạm pháp luật đấu thầu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức trong đầu tư trang thiết bị y tế đã làm cho ngân sách Nhà nước phải chi trả cao thêm đến hàng tỷ đồng. Rốt cục, số tiền chênh lệch này lọt vào túi ai? Đó là câu hỏi nhức nhối trong dư luận cán bộ công nhân viên Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức cần được các cơ quan chức năng làm rõ trước pháp luật. Thạch Sơn-Luân Giang

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://baodaidoanket.net/ddk/mdNews.ddk?id=20695