'Tiêu chuẩn tạo dựng lòng tin'

Ông Vinh khuyến cáo nên chọn những mặt hàng đã được đăng ký tiêu chuẩn chất lượng, đặc biệt với những sản phẩm liên quan tới sức khỏe hay mỹ phẩm, dược phẩm...

Ngày 14/10, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã phối hợp với Bộ Thông tin Truyền thông tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày tiêu chuẩn thế giới với chủ đề “Tiêu chuẩn tạo dựng lòng tin” nhấn mạnh tầm quan trọng của tiêu chuẩn hóa trong đời sống xã hội.

Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ (KH&CN) Trần Việt Thanh cho biết việc chọn ngày 14/10 hằng năm là Ngày Tiêu chuẩn Thế giới được quyết định bởi ba tổ chức tiêu chuẩn hóa hàng đầu là Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO), Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế (IEC) và Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU):

“Là thành viên chính thức của ISO và ITU, thành viên liên kết của IEC,Việt Nam có quyền và có trách nhiệm tham gia tích cực vào quá trình xây dựng tiêu chuẩn quốc tế để sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam có thể vươn ra thị trường thế giới mạnh mẽ hơn. Ngoài ra, chúng ta cũng cần đẩy mạnh việc xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn cơ sở làm nền tảng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và bảo vệ lợi ích chính đáng cho các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng Việt Nam”.

Chọn những sản phẩm đã đăng ký chất lượng để bảo vệ sức khỏe cho gia đình. Ảnh minh họa

“Đối với doanh nghiệp, tiêu chuẩn quốc tế là những công cụ chiến lược và hướng dẫn giúp giải quyết những thách thức đòi hỏi khắt khe nhất của kinh doanh hiện đại và đảm bảo hoạt động hiệu quả, tăng năng suất, tiếp cận thị trường mới. Người tiêu dùng có thể tin tưởng rằng sản phẩm và dịch vụ hoàn toàn an toàn và có chất lượng tốt khi chúng tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế” - Thứ trưởng Trần Việt Thanh khẳng định.

Ông Trần Văn Vinh - Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, cũng cho biết chủ đề “Tiêu chuẩn tạo dựng lòng tin” với mong muốn nâng cao nhận thức của các bên liên quan về tầm quan trọng của tiêu chuẩn đối với hoạt động quản lý của nhà nước; hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh và nâng cao khả năng cạnh tranh, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, doanh nghiệp; thúc đẩy và tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại toàn cầu, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng. Đồng thời, tiêu chuẩn còn đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Ví dụ ở Đức, tỷ lệ đóng góp của tiêu chuẩn là 0,9% trong tỷ lệ tăng trưởng 3,3% của GDP giai đoạn 1960-1996. Ở Pháp, tỷ lệ đóng góp của tiêu chuẩn là 0,8% trong tổng số tỷ lệ tăng trưởng 3,4% của GDP giai đoạn 1950-2007.

Nhận định về việc hàng hóa trôi nổi hiện nay, người tiêu dùng phải dựa vào tiêu chí nào để lựa chọn được hàng hóa chất lượng, ông Vinh khuyến cáo nên chọn những mặt hàng đã được đăng ký tiêu chuẩn chất lượng, đặc biệt với những sản phẩm liên quan tới sức khỏe hay mỹ phẩm, dược phẩm. Khi mua hàng nên lấy hóa đơn và giữ hóa đơn phòng khi hàng hóa bị lỗi, ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe còn có sơ sở để đền bù doanh nghiệp.

"Trong thời gian tới, định hướng phát triển hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam là sẽ tiếp tục quy hoạch phát triển hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam chuyên ngành, tập trung phát triển một số nhóm tiêu chuẩn Việt Nam chiến lược như đô thị thông minh, an toàn sản phẩm nông nghiệp, tiết kiệm nước; chú trọng đồng bộ hóa các tiêu chuẩn, đáp ứng tốt cho xuất khẩu và nhu cầu thị trường", ông Vinh cho biết thêm.

M.T

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/thi-truong/tieu-chuan-tao-dung-long-tin-20161014140140594.htm