Tiêu chảy do Rotavirus và điều trị

Rotavirus là một trong nhiều loại virut gây viêm dạ dày ruột. Nhiễm Rotavirus là bệnh nhiễm trùng tự giới hạn. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời thì bệnh cũng gây ra các biến chứng nguy hiểm như mất nước, mất chất điện giải nặng qua tiêu chảy và tử vong.

Nhiễm Rotavirus thường xảy ra vào mùa đông - xuân (từ tháng 12 đến tháng 5), tuy vẫn có thể xảy ra quanh năm ở những nước đang phát triển. Đa số trẻ dưới 5 tuổi đều đã nhiễm virut vào một thời điểm nào đó.

Rotavirus, tương tự các loại virut gây viêm ruột khác, thường gây tổn thương ở các tế bào nhung mao ruột non. Do các tế bào này có vai trò đặc biệt trong tiêu hóa các chất carbohydrate, hấp thu nước, điện giải ở ruột non, vì vậy nhiễm Rotavirus gây rối loạn hấp thu carbohydrate và mất nước trầm trọng. Tiêu chảy và tăng nhu động ruột khiến tình hình càng thêm xấu đi. Tăng nhu động ruột có thể là thứ phát sau những biến đổi do virut gây ra ở nhung mao của niêm mạc ruột non. Virut bắt đầu hiện diện nhiều trong phân từ trước khi các triệu chứng xuất hiện và tồn tại có thể đến 10 ngày sau khởi phát bệnh. Rotavirus gây bệnh ở cả người lớn lẫn trẻ em. Tuy nhiên bệnh thường ít trầm trọng hơn ở người lớn.

Trên thế giới, mỗi năm có khoảng 500 - 527 nghìn ca tử vong do Rotavirus ở trẻ em dưới 5 tuổi. Hầu như tất cả các ca tử vong đều do giảm thể tích tuần hoàn.

Hình ảnh Rotavirus.

Nguyên nhân

Nguy cơ nhiễm Rotavirus tăng cao ở những nhà trẻ bán trú, virut có thể lây lan theo đường phân - miệng giữa các trẻ với nhau hoặc qua các nhân viên chăm sóc khi thay tã lót. Các vật dụng sinh hoạt thường ngày cũng là một nguồn lây truyền virut đáng kể.

Điều trị

Chăm sóc trước nhập viện: Khi trẻ ở nhà, phải bù nước cho trẻ bằng đường uống. Cha mẹ cần chú ý tới đường thở, hô hấp của trẻ. Theo dõi và cần nhận biết ngay các rối loạn tim mạch, rối loạn hoạt động của hệ tuần hoàn. Khi trẻ có biểu hiện thiếu nước nặng phải cho trẻ nhập viện ngay và được bổ sung nước với dung dịch sodium chloride đẳng trương hoặc dung dịch ringer lactate qua đường tiêm tĩnh mạch.

Chăm sóc tại khoa cấp cứu: chủ yếu là đảm bảo đường thở, hô hấp, tuần hoàn, nhận biết tình trạng mất nước và điều trị ngay. Nhiều trường hợp có thể chỉ cần bù nước qua đường uống. Nếu trẻ lơ mơ, bán mê cần sớm được thử đường huyết.

- Ở những trẻ mất nước nặng cần đặt ngay đường truyền tĩnh mạch.

- Tốt nhất là dùng các loại dịch có 2-3% glucose, đồng thời điều chỉnh cân bằng sodium và potassium.

- Bù bằng đường uống có thể gặp khó khăn trong 2 ngày đầu do trẻ thường bị nôn ói.

- Nếu trẻ nôn ói cần cho ăn uống từng ít một.

- Khi trẻ bớt nôn ói có thể cho ăn cháo hoặc bột ngũ cốc với lượng vừa phải để bảo đảm đủ năng lượng.

- Nếu mất nước nhiều, cần cho trẻ uống bổ sung dung dịch oresol.

- Uống quá nhiều nước có thể khiến trẻ bị hạ natri máu.

- Có thể dùng thuốc chống nôn cho trẻ trên 6 tháng nếu cần.

Không cần dùng đến thuốc men gì trong đa số trường hợp. Cần chú ý lượng nước nhập vào phù hợp. Tránh dùng các thuốc chống nôn và cầm tiêu chảy ở trẻ trong lứa tuổi dễ bị nhiễm Rotavirus (dưới 5 tuổi). Thuốc cầm tiêu chảy chỉ nên dùng cho những trường hợp tiêu chảy nặng và kéo dài khi không xác định được nguyên nhân nào khác. Thuốc chống nôn đã được dùng và cho kết quả tốt ở một số trường hợp. Không dùng kháng sinh nếu nghi ngờ tiêu chảy do Rotavirus. Thầy thuốc cần cân nhắc kỹ việc sử dụng các loại thuốc này.

Phòng ngừa

Rotavirus lây lan rất mạnh, do đó cần chú ý rửa tay khi chăm sóc cho nhiều trẻ cùng một lúc. Không nên cho các cháu chưa có triệu chứng tiếp xúc với trẻ đang trong giai đoạn tiêu chảy cấp.

Tốt nhất là nên cách ly cả người chăm sóc trẻ bị bệnh, tránh để người chăm sóc trẻ bệnh tiếp xúc với trẻ bình thường. Vật dụng sinh hoạt thường ngày cần được sát trùng kỹ vì đã chứng minh là virut có thể lây truyền qua trung gian các vật này.

Nhân viên y tế có thể là trung gian truyền bệnh, do đó cần chú ý rửa tay kỹ và thường xuyên, sát khuẩn các ống nghe, vệ sinh bệnh phòng thật tốt trong những đợt bùng phát bệnh.

Biến chứng

Biến chứng nghiêm trọng nhất của nhiễm Rotavirus là mất nước.

Mất nước nặng có thể dẫn đến sốc, suy đa phủ tạng và tử vong.

Tuy nhiên, nhiễm Rotavirus có tiên lượng rất khả quan nếu kiểm soát tốt bồi hoàn nước điện giải. Trẻ thường hết tiêu chảy sau 5-7 ngày và đa số trẻ hồi phục sau 1 tuần kể từ lúc phát bệnh. Viêm ruột do Rotavirus không gây di chứng lâu dài, nhưng bệnh thường hay tái nhiễm.

Dự phòng tiêu chảy do Rotavirus bằng vaccin

- Cơ quan Quản lý thuốc và Thực phẩm Hoa kỳ (FDA) đã phê chuẩn vaccin RotaTeq vào tháng 2/2006. RotaTeq được khuyên dùng cho trẻ với 3 liều uống riêng biệt vào lúc trẻ được 2, 4 và 6 tháng.

- Tới tháng 4/2008, FDA tiếp tục phê chuẩn một vaccin khác là Rotarix, để phòng ngừa tiêu chảy do Rotavirus. Khuyến cáo dùng 2 liều Rotarix riêng biệt cho trẻ lúc 2 và 4 tháng tuổi.

BS. Đồng Ngọc Khanh

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/20120331084438257p14c108/tieu-chay-do-rotavirus-va-dieu-tri.htm