Tiết lộ về chuyến thăm VN của huyền thoại quyền anh Muhammad Ali

Muhammad Ali qua đời khiến quyền anh thế giới mất đi một võ sĩ huyền thoại. Còn với những người yêu quyền anh Việt Nam, sự ra đi của ông để lại rất nhiều sự hụt hẫng khó lấp đầy.

Tiết lộ về chuyến thăm VN của huyền thoại quyền anh Muhammad Ali

LTS: Muhammad Ali - võ sĩ huyền thoại của quyền anh thế giới vừa qua đời ở tuổi 75 khiến làng thể thao xôn xao.

Ông được tôn vinh là võ sĩ vĩ đại nhất mọi thời đại bởi vì ở thời điểm đỉnh cao ông từng thắng võ sĩ bất khả chiến bại của thế giới.

Ali có mối lương duyên đặc biệt với Việt Nam khi ông là người phản đối cuộc chiến tranh xâm lược ở Việt Nam.

Hơn hai mươi năm trước, võ sĩ huyền thoại này đã tới Việt Nam trong một chuyến thăm không chính thức. Cuộc viếng thăm của ông đã để lại nhiều ấn tượng đẹp với giới quyền anh Việt Nam.

Để tưởng nhớ về một võ sĩ vĩ đại vừa mới qua đời, Báo điện tử Trí Thức Trẻ khởi đăng loạt bài về khoảng thời gian Muhammad Ali ở Việt Nam.

Kỳ 1:

"Khoảng trống không khỏa lấp khi nghe tin Muhammad Ali qua đời..."

Vừa ngoảnh mặt đã thành ra mộng...

Muhammad Ali được biết đến không chỉ bởi ông có một sự nghiệp lẫy lừng trên võ đài mà còn được mến mộ bởi cá tính và các hoạt động của ông bên ngoài sàn đấu.

Đối với người dân Việt Nam, Muhammad Ali là một người bạn đặc biệt, chính ông đã chấp nhận bị tù để phản đối gia nhập quân viễn chinh xâm lược Việt Nam. Hai mươi năm sau cuộc chiến tàn khốc đó, ông đã đến thăm Việt Nam trong một chuỗi chương trình nhân đạo, giải quyết hậu quả chiến tranh.

Võ sĩ huyền thoại từng bất khả chiến bại trên tất cả các võ đài trở nên gần gũi, giản dị và bồi hồi xúc động khi đến thăm đất nước mà chính ông đã từ chối gia nhập quân đội.

Trong cuộc viếng thăm ngắn ngủi đó, ông đã xúc động và thốt lên: "Tôi đã quyết định đúng khi phản đối cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam".

Hơn hai mươi năm đã qua đi, những người may mắn được đón tiếp ông đến nay kẻ mất người còn, nhưng cảm xúc của họ về lần gặp gỡ võ sĩ huyền thoại vẫn còn dạt dào lắm...

Những ký ức lại ùa về với những nhân chứng có mặt trong chuyến thăm đó khi nghe tin tay đấm huyền thoại này qua đời.

Người đầu tiên chia sẻ với chúng tôi về điều này là võ sĩ Bảo Sinh.

Nhắc đến Muhammad Ali, ông Bảo Sinh như hồi lại những thước phim về quyền anh Việt Nam khiến ông phải lần dở lại những bức ảnh kỷ niệm về một thời rực lửa.

Những người sống lâu năm ở Hà Nội ít ai không biết đến cái tên Bảo Sinh. Những người chơi chọi gà thường gọi ông là "Sinh Chó", còn với những người nuôi chó thì hay gọi ông là "Sinh Gà".

Đơn giản bởi ở Hà Thành ít ai thạo hai cái trò ấy bằng ông. Tôi chơi với ông cũng đã khá lâu, tôi quý ông bởi cái "phiêu diêu" pha chút lãng tử. Vài năm về trước, ông từng kể cho tôi về chuyến viếng thăm của Muhammad Ali.

Khi đó, hai cha con Bảo Sinh đều may mắn gặp gỡ, đặc biệt con trai ông còn may mắn được Ali chỉ dạy võ học.

Mấy ngày sau khi nghe tin võ sĩ Muhammad Ali qua đời vì căn bệnh Parkinson, tôi mới đến nhà Bảo Sinh.

Gặp tôi, ông không giấu được sự tự hào "khoe" vừa xuất bản mấy cuốn sách. Nhưng sự hồ hởi đó cũng nhanh chóng trôi qua nhanh chóng khi chúng tôi nhắc đến huyền thoại Muhammad Ali.

"Khi nghe tin Muhammad Ali qua đời, tôi thấy như một khoảng trống vắng bỗng dưng ập đến. Nên có cái gì đó rất hụt hẫng, trống vắng, khoảng trống ấy không biết lấy cái gì để khỏa lấp được.

Cái cảm giác đó không gọi được thành tên, không miêu tả bằng ngôn từ được. Một người mà tôi luôn ngưỡng mộ, thần tượng trong con người mình, một người mà tôi treo cả bức ảnh to trong nhà như là ảnh thờ…", Nguyễn Bảo Sinh mở đầu bằng giọng buồn rầu.

Khác với mọi lần, hôm ấy Bảo Sinh không nói nhiều, ông trầm tư với những bức ảnh, những kỷ niệm và dường như ông đang hồi tưởng lại những gì diễn ra trong cuộc gặp với huyền thoại hơn 20 năm về trước.

Đột ngột, ông buột miệng đọc hai câu thơ mà theo như sau đó ông kể, hai câu thơ được ông sáng tác sau khi nghe tin Muhammad Ali qua đời: Vừa ngoảnh mặt đã thành ra mộng/Chưa quay nhìn đã hóa cố nhân.

"Tôi thấy cuộc đời thật ngắn ngủi, như một giấc mộng vậy. Vừa mới ngày nào đó tôi còn gặp ông ấy, gặp thần tượng của mình, cùng luận bàn về quyền anh với ông, nhưng bây giờ ông ấy đã ra đi. Đúng là như một giấc mộng", ông nhìn lên bức ảnh Muhammad Ali được treo trang trọng trên tường rồi bùi ngùi nói.

Bức ảnh kỷ vật

Với võ sĩ, nhà thơ dân gian Bảo Sinh, hơn hai mươi năm qua cũng chỉ như một giấc mộng, thấy cuộc đời như vèo qua. Ngay cả những con người lừng lẫy, bách chiến bách thắng trên võ đài như Ali rồi cũng qua đi. Nên sự nuối tiếc của Bảo Sinh cũng là điều dễ hiểu.

Ở khách sạn chó mèo của Bảo Sinh, ngoài những chồng sách, tập thơ thì thứ quý giá nhất đối với ông có lẽ là bức ảnh khổ lớn chụp Muhammad Ali khi ông đến thăm các võ sĩ trẻ quyền anh Hà Nội.

Bức ảnh này còn lớn hơn cả bức ảnh của cụ thân sinh ra Bảo Sinh. Dễ nhận ra cả hai bức ảnh đều được treo ở vị trí trang trọng nhất trong căn nhà của Bảo Sinh.

"Tôi treo ảnh Ali không phải để chơi mà để tôn thờ. Nó như là niềm thiêng liêng của mình. Treo ngay ở chỗ mình nằm hàng ngày. Trong nhà tôi chỉ treo ảnh Ali và ảnh bố tôi. Cả hai con người đã khiến tôi ngưỡng mộ...", nhà thơ Bảo Sinh lý giải.

Bức ảnh Muhammad Ali được treo trang trọng (trái) cùng với bức vẽ truyền thần cụ thân sinh ra ông Bảo Sinh (phải). Cả hai con người khiến Bảo Sinh tôn thờ.

Trong cuộc trò chuyện với PV, Bảo Sinh như hồi tưởng lại những kỷ niệm của cuộc gặp Ali hơn 20 năm về trước: "Tôi thấy mình hạnh phúc hơn người khác khi được tiếp cận, được gặp gỡ, được trò chuyện với một huyền thoại quyền anh nổi tiếng như vậy".

Ông Bảo Sinh chia sẻ: "Nhắc đến Ali, tôi thấy như một bộ phim về cuộc đời của tôi chạy qua trước mắt. Tôi nhớ đến Hoàng Kiềm, nhớ đến Cảnh Dương, Phạm Xuân Nhạn, võ sĩ Quỳnh, Phạm Xuân Thông… Nhớ về những buổi đấu võ rực lửa của quyền anh Hà Nội một thời.

Đặc biệt là nhớ về chuyến thăm của cựu võ sĩ huyền thoại với câu nói nổi tiếng "Tôi đã quyết định đúng khi phản đối cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam"".

Theo chia sẻ của Bảo Sinh, cuộc gặp vào tháng 5/1994 với võ sĩ Muhammad Ali nhân dịp ông sang thăm Việt Nam ngoài Bảo Sinh còn có vài võ sĩ, người yêu quyền anh ở Hà Nội lúc đó.

Qua lời kể của Bảo Sinh, những cái tên nổi tiếng về quyền anh như Hoàng Kiềm, Cảnh Thịnh, Cảnh Dương, Hoàng Vĩnh Giang… đều xuất hiện trong cuộc đón tiếp ngắn ngủi võ sĩ huyền thoại Muhammad Ali.

Những ngày Muhammad Ali ở Việt Nam có gì đặc biệt? Những nhân chứng có mặt trong chuyến thăm của Ali sẽ kể lại câu chuyện này...

Anh hùng lao động Hoàng Vĩnh Giang

Tôi vinh dự, may mắn được gặp gỡ, trò chuyện với võ sĩ huyền thoại này. Bản thân tôi cũng là một người đam mê quyền anh, gắn liền với quyền anh Hà Nội và Muhammad Ali cũng là người mà tôi rất mến mộ. Hơn hai mươi năm rồi nhưng mỗi khi nhắc lại những kỷ niệm của buổi gặp mặt đó tôi vẫn thấy lâng lâng, hạnh phúc và nhiều cảm xúc khó tả. Tôi thấy tự hào vì mình đã từng được bắt tay, được gặp gỡ, trò chuyện và ăn cơm cùng một nhân vật huyền thoại như thế.

Muhamad Ali kịch liệt phản đối sang Việt Nam tham chiến

Đầu năm 1966, Muhamad Ali nhận được giấy gọi nhập ngũ của quân đội Mỹ để sang Việt Nam tham chiến.

Không giống đa số những thanh niên khác, võ sĩ hàng đầu thế giới này khẳng định cuộc chiến đó là phi nghĩa nên ông đã kịch liệt chống đối lệnh tòng quân. Ali tuyên bố hành động này trái với đạo đức của một người Hồi giáo da màu.

Ông nói: "Lương tâm tôi không cho phép bắn anh em của mình hay những người có màu da tối hơn hoặc những người nghèo đói sa lầy trong vũng bùn cho nước Mỹ lớn mạnh. Và bắn họ để làm gì?

Họ chẳng gọi tôi là mọi rợ, không bao giờ hành hình tôi, không thóa mạ cũng chẳng cướp đi quốc tịch của tôi hay cưỡng hiếp và giết mẹ cha tôi... Vậy bắn họ để làm gì? Sao tôi có thể bắn họ, những người khốn khổ? Cứ tống tôi vào tù đi".

(Còn nữa)

theo Trí Thức Trẻ

Nguồn Soha: http://soha.vn/tiet-lo-ve-chuyen-tham-vn-cua-huyen-thoai-quyen-anh-muhammad-ali-20160609141042222.htm