'Tiết lộ' nhức nhối trạm thu phí BOT: Làm sai đừng nói là nhầm!

Theo Kiểm toán Nhà nước, quy định cho phép thỏa thuận khiến mật độ trạm thu phí càng thêm dày đặc, quốc lộ bị chia cắt thành nhiều khúc, gây bức xúc cho người dân.

Sáng nay 21/2, Kiểm toán nhà nước đã báo cáo Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về 27 dự án đầu tư, khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT giai đoạn 2011- 2016.

Trạm thu phí dày đặc, địa phương vẫn chấp thuận

Phó tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Quang Thành nêu rõ, theo hướng dẫn của Bộ Tài chính thì trạm thu phí phải phù hợp với quy hoạch đường gắn với dự án do cơ quan có thẩm quyền quyết định và khoảng cách giữa các trạm đảm bảo tối thiểu 70 km.

Nhưng trên thực tế lại diễn ra hai tình huống: Một là trạm thu phí cho dự án nhưng lại đặt trên tuyến đường khác và không gắn với dự án (điều này khiến người dân không đi trên đường được đầu tư bằng hình thức hợp đồng BOT nhưng vẫn phải trả phí cho nhà đầu tư). Hai là khoảng cách giữa các trạm thu phí không đảm bảo tối thiểu 70km, nhưng các trạm này đều được sự chấp thuận của địa phương.

Với quy định nếu không đảm bảo khoảng cách chỉ cần sự thỏa thuận giữa Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính và địa phương đã tạo điều kiện cho mật độ trạm thu phí càng dày đặc thêm, quốc lộ bị chia cắt thành nhiều khúc, xen kẽ đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước và đầu tư theo hình thức BOT để đặt trạm thu phí có khoảng cách không đảm bảo 70km, gây bức xúc cho người dân.

Kiểm toán Nhà nước cho rằng cần phải xem lại hướng dẫn nói trên để tránh gây bức xúc dư luận.

Ông Thành cũng nêu lên tình trạng cứ qua trạm là thu phí không kể chiều dài đi được bao nhiêu đều có mức thu như nhau. Việc này đã gây khó khăn cho người dân và DN tại địa phương nơi đặt trạm thu phí hàng ngày phải di chuyển qua lại trạm thu phí dù đi quãng đường rất ngắn nhưng lại trả phí rất cao.

Đừng nói là nhầm

Về lợi nhuận của nhà đầu tư, ông Thành cho biết được xác định qua 2 trường hợp đấu thầu và chỉ định thầu Tuy nhiên đều rất khó khăn cho quản lý, kiểm tra kiểm soát. Thực tế hầu hết các dự án BOT đều theo hình thức chỉ định thầu.

Trong đó, tại kết quả kiểm toán 27 dự án BOT, thì việc tính toán xác định tổng mức đầu tư của 11/27 dự án còn chưa chính xác, làm tăng tổng mức đầu tư bất hợp lý giá trị 465,5 tỷ đồng do nguyên nhân tính toán dự phòng trượt giá chưa phù hợp, áp dụng lương công nhân không đúng quy định, áp sai giá vật liệu, tính sai khối lượng.

Bên cạnh đó, chất lượng công tác thiết kế cơ sở chưa tốt, trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh bổ sung dự án, dẫn đến phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư. Điển hình như dự án QL1 Khánh Hòa, tăng 179 tỷ đồng, dự án quốc lộ Quảng Nam, tăng 126 tỷ đồng, quốc lộ Cần Thơ – Phụng Hiệp tăng 26 tỷ đồng…

Một số dự án lớn BOT, tăng tổng vốn lên 100%, như dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 18 Uông Bí – Hạ Long, điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư từ 1.318 tỷ lên 2.838 tỷ đồng; dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, tăng từ 24.567 tỷ đồng lên 45.522 tỷ đồng. Các dự án đều tồn tại, sai sót về khối lượng, định mức, đơn giá. Kiểm toán nhà nước kiến nghị xử lý tài chính hơn 1.358 tỷ đồng.

Sau khi rà soát các chỉ tiêu đầu vào, tính toán lại phương án tài chính sát thực tế, phù hợp quy định, Kiểm toán nhà nước đã giảm thời gian thu phí hoàn vốn của các dự án từ 10 tháng đến 13 năm so với phương án tài chính ban đầu. Điển hình như dự án mở rộng QL1 đoạn qua tỉnh Khánh Hòa, giảm 13 năm 1 tháng 12 ngày; dự án nâng cấp mở rộng đường HCM QL 14 đoạn qua tỉnh Đắc Nông giảm 12 năm, 3 tháng, 22 ngày….

Ông Dương Quốc Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đặt vấn đề tại sao các dự án BOT chủ yếu chỉ định thầu trong khi chỉ định thầu mua sắm công rất khó khăn khắt khe. “Tổ chức hội nghị nhiều khi cũng phải đấu thầu, mà tại sao dự án lớn như thế lại chỉ định thầu”, Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế thắc mắc và đề nghị phải qua đấu thầu công khai minh bạch việc này.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch hiệp hội Vận tải ô tô VN đặt vấn đề có xử lý tổ chức, cá nhân để sai sót như báo cáo kiểm toán nêu. Ông cho rằng những sai sót trong việc đề ra thời gian thu phí quá dài, kiểm toán xong phải rút ngắn thời gian thu phí (10 tháng – 13 năm) không thể nói là nhầm. Bởi theo ông Thanh thì một chủ trương lớn như thế không thể để nhóm lợi ích ăn cướp tiền của dân.

N. Huyền

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/tiet-lo-nhuc-nhoi-tram-thu-phi-bot-lam-sai-dung-noi-la-nham-post221502.info