Tiếp vụ bắt cóc, tống tiền ở Nghệ An: Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm

GiadinhNet - Như vậy, xét về mặt luật pháp, ông Huỳnh có dấu hiệu của tội “sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm”…

>

Nhà khách Biên phòng- nơi được cho là chỗ giam giữ ông Huỳnh.

Ảnh: QT

Quá trình tìm hiểu về vụ án này chúng tôi nhận thấy, khởi nguồn của vụ “bắt cóc, tống tiền” là chuyến đi gom gỗ huê của ông Nguyễn Đình Huỳnh với một số bị can của vụ án. Như vậy, xét về mặt luật pháp, ông Huỳnh có dấu hiệu của tội “sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm”…

Vụ án không tang chứng

Theo bản cáo trạng số 40/VKS-P1A, ngày 25/4/2012 của VKSND tỉnh Nghệ An, do nghi ngờ ông Nguyễn Đình Huỳnh (SN 1966, trú tại huyện Thường Tín, Hà Nội) cho người mua số gỗ huê (hay còn gọi là gỗ sưa) mà mình tìm được nên Trần Thị Ngọc Hoàng (SN 1970, trú tại TX Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) đã nói với Phan Quốc Dũng (SN 1949, trú tại TP Vinh, Nghệ An) đưa anh này sang nhà mình. Sau khi ép ông Huỳnh lên ô tô, Dũng và vợ là Nguyễn Thị Toàn, Trần Thị Ngọc Hoàng và Trần Văn Quế (SN 1970, trú tại TX Hồng Lĩnh) đưa ông Huỳnh đến thuê phòng tại khách sạn Bến Thủy (TP Vinh). Tại đây, Phan Quốc Dũng đã gọi cho Lê Quốc Dũng (SN 1970, chồng Hoàng), Nguyễn Huy Tuyên (SN 1980, trú tại huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) đến nhằm đe dọa, đánh đập ông Huỳnh. Các đối tượng trên bắt ông Huỳnh viết giấy nhận nợ đối với Hoàng, Toàn, Quế mỗi người 100 triệu đồng (Quế là người đi mua giấy, bút và ký tên vào giấy nhận nợ- PV). Sau đó, các đối tượng đã đưa ông Huỳnh đến nhà khách Biên phòng để Nguyễn Khắc Hòa (SN 1988, trú tại huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) và Nguyễn Huy Tuyên canh giữ chờ người nhà ông Huỳnh mang tiền chuộc đến.

Với quy kết trên có thể thấy trong vụ án này Trần Văn Quế là người tham gia tích cực và nhiệt tình nhất. Theo đó, ngay từ cuối tháng 3/2011, Quế đã cùng ông Huỳnh vào Quảng Bình để tìm mua gỗ huê. Sau này, khi vụ án xảy ra, Quế đã tham gia bắt cóc, khống chế ông Huỳnh; Quế cũng là người đi mua giấy, bút ép ông Huỳnh viết giấy nợ và cùng ký tên vào tờ giấy này. Mặc dù là người tham gia tích cực nhất nhưng Quế lại được CQĐT “đặc cách” cho đứng ngoài vòng pháp luật mà không bị khởi tố về tội “bắt cóc, nhằm chiếm đoạt tài sản”. Chính vì sự “ưu ái” này khiến dư luận địa phương, thậm chí là những cán bộ bảo vệ pháp luật của Nghệ An cho rằng Quế chính là “cầu nối” giữa bị hại Huỳnh và một người đàn ông giấu mặt có biệt danh Sơn “Sara” nhằm dàn dựng, ép các bị can trên vào tù để chiếm đoạt khoản tiền hoa hồng trong phi vụ mua bán gỗ huê vào những ngày cuối tháng 3/2011.

Trao đổi với chúng tôi, bị can Lê Quốc Dũng (chồng bị can Hoàng) cho biết giữa ông Huỳnh, Quế và Hoàng đã có thời gian quen biết và làm ăn với nhau. Thậm chí, trong một chuyến lên huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) mua gỗ, nhóm người trên cùng với Sơn “Sara” đã mua một lô gỗ với giá 250 triệu đồng. Bị can Dũng bức xúc: “Thực tế tôi chỉ có mặt tại khách sạn Bến Thủy để đón vợ về nhà nhưng lại bị khởi tố về tội “bắt cóc, tống tiền”. Trong khi đó anh Quế tham gia tích cực nhất và cùng ký tên vào giấy ép ông Huỳnh nợ tiền lại không bị khởi tố. CQĐT cho rằng tôi ký tên vào tờ giấy ép nợ 300 triệu đồng, vậy hãy đưa tang chứng này ra, khi ấy tôi sẵn sàng nhận mức án cao nhất”.

Đã yêu cầu cán bộ giải trình

Sáng ngày 5/7, trao đổi với PV Báo GĐ&XH, ông Tôn Thiện Phương- Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Nghệ An cho biết đã nhận được quyết định trả hồ sơ của TAND tỉnh Nghệ An. Theo đó, ông Phương cũng đã ký quyết định trả hồ sơ, giao cho Cơ quan CSĐT tỉnh Nghệ An điều tra, làm rõ một số nội dung liên quan đến vụ án. Theo ông Phương cho biết, nguyên nhân trả hồ sơ là do có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Có thể thấy trong vụ án này, giả sử những quy kết của CQĐT là chính xác thì Trần Văn Quế đã đóng vai trò tích cực nhất khi tham gia bắt cóc, ép ông Huỳnh viết giấy nhận nợ. Bên cạnh đó, CQĐT kết luận ông Huỳnh và một số bị can khác vào Quảng Bình thu mua gỗ huê, như vậy những người này có dấu hiệu của tội “sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm” theo Điều 155 BLHS. Quan điểm này cũng được kiểm sát viên Nguyễn Thị Mão- VKSND TP Vinh đồng tình. Theo bà Mão, khi vụ án mới xảy ra, cơ quan tố tụng đã xem xét dấu hiệu về hành vi buôn bán hàng cấm của các đối tượng liên quan. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan, hành vi này đã chưa được CQĐT làm rõ. Về vai trò của Trần Văn Quế, bà Mão khẳng định, đối tượng này có hành vi “bắt cóc, tống tiền” với vai trò đồng phạm. Bà Mão nói: “Nó (Quế - PV) chỉ là đồng phạm, ai bảo nó không phạm tội đâu. Nó khai báo thành khẩn và chỉ là xem xét khi lượng hình”.

Liên quan đến một số kiểm sát viên của VKSND TP Vinh có dấu hiệu gặp gỡ, bàn bạc với các bị can, ông Hồ Sỹ Cấp- Viện trưởng VKSND TP cho biết, sau khi Báo GĐ&XH phản ánh, lãnh đạo Viện đã yêu cầu những cán bộ liên quan viết bản giải trình. Ông Cấp cho biết: “Chúng tôi đã yêu cầu chị Nguyễn Thị Mão (kiểm sát viên của vụ án - PV), anh Đặng Quốc Việt (kiểm sát viên - PV) phải làm tường trình. Hiện chúng tôi đã tiến hành họp nhằm xem xét, đánh giá vụ việc, hành vi sai phạm đến đâu sẽ xử lý ở mức đấy. Hiện các tài liệu liên quan đang ở cấp có thẩm quyền bởi vậy chúng tôi đang phải chờ kết luận thì mới có căn cứ xử lý được”.

Quốc Tuấn

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/20120706115940126p0c1005/tiep-vu-bat-coc-tong-tien-o-nghe-an-co-dau-hieu-bo-lot-toi-pham.htm