Tiếp tục xử lý, không 'đánh trống bỏ dùi'

Trước tình trạng lòng đường, vỉa hè ở TP Hồ Chí Minh đang bị tái chiếm dụng tràn lan sau khi lực lượng chức năng có dấu hiệu "hạ nhiệt" trong kiểm tra, xử lý khiến dư luận bức xúc, lo ngại tình hình sẽ "đâu lại vào đấy", lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh khẳng định sẽ tiếp tục làm quyết liệt, làm đến cùng, kiên quyết không "đánh trống bỏ dùi"...

Sau cuộc ra quân, xử lý vi phạm trật tự vỉa hè, lòng, lề đường quyết liệt của các cơ quan chức năng mấy tháng qua, công tác bảo đảm trật tự lòng đường, vỉa hè trên địa bàn thành phố đạt được nhiều kết quả tích cực, được người dân và khách du lịch đánh giá cao. Nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố trở nên thông thoáng, sạch đẹp; trách nhiệm của người đứng đầu ở các địa phương được nâng lên đáng kể. Nhiều địa phương thực hiện nhiệm vụ quyết liệt, không ngại đụng chạm. Công tác kiểm tra, xử lý của nhiều quận, huyện được thực hiện thường xuyên; nhiều mô hình và cách làm hay, hiệu quả đã phát huy tác dụng. Các quận, huyện tạo được chuyển biến tốt như: Quận 1, 2, 3, 4, 6, 7, quận Tân Phú và Thủ Đức... Vừa qua, đoàn kiểm tra liên ngành thành phố tổ chức kiểm tra đợt 1 tại 186 tuyến đường trọng điểm thuộc 24 quận, huyện thì 85 tuyến có chuyển biến tốt, vỉa hè thông thoáng, 86 tuyến có chuyển biến với đường kinh doanh theo giới hạn vạch sơn trên vỉa hè hoặc còn lối đi cho người đi bộ, chỉ có 15 tuyến ít chuyển biến.

Tuy nhiên, sau khi lực lượng chức năng "hạ nhiệt" trong công tác kiểm tra, xử lý, những ngày qua, tình trạng tái lấn chiếm lòng đường, vỉa hè xảy ra tràn lan tại nhiều nơi trên địa bàn thành phố. Theo Ban An toàn giao thông TP Hồ Chí Minh, hành vi phổ biến là tụ tập mua bán, lấn chiếm lòng, lề đường, tái diễn các chợ tự phát; nhiều tuyến đường xảy ra tình trạng đậu xe dưới lòng, lề đường, chạy xe gắn máy trên vỉa hè, chiếm dụng không gian của người đi bộ...

Một đoạn vỉa hè đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) bị tái chiếm làm nơi buôn bán, tiệm sửa xe.

Theo quan sát của chúng tôi trong những ngày gần đây thì những tuyến đường có vỉa hè bị tái lấn chiếm nhiều nhất vào ban đêm để bày hàng quán, bán đồ nhậu là: Đường Hoàng Sa (thuộc quận 1, 3 và quận Tân Bình), đường Phạm Văn Đồng (đoạn thuộc hai quận Bình Thạnh và Gò Vấp); đường Song hành Quốc lộ 22 (huyện Hóc Môn)... Đặc biệt, ngay tại trung tâm TP Hồ Chí Minh, một loạt tuyến đường ở quận 1 đã bị tái lấn chiếm lòng, lề đường tràn lan, như: Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Thái Bình, Phó Đức Chính, Hồ Hảo Hớn, Điện Biên Phủ, Lý Tự Trọng, Nguyễn Đình Chiểu… Vỉa hè của các tuyến đường này thường xuyên bị chiếm dụng để mở hàng quán buôn bán và làm bãi đỗ xe, gây mất mỹ quan và an toàn giao thông.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông thành phố, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do sự phối hợp giữa các đơn vị chức năng trong cùng địa phương và giữa các địa phương chưa cao, đặc biệt là tại các khu vực giáp ranh. Lãnh đạo nhiều quận, huyện chưa chỉ đạo quyết liệt, chưa có giải pháp giao nhiệm vụ cụ thể và việc kiểm điểm cấp phường không thực hiện tốt. Mặt khác, cách làm ở nhiều nơi chưa phù hợp; công tác tuyên truyền chưa thuyết phục, chưa chuyển biến được nhận thức của người dân; công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm chưa thường xuyên, liên tục, còn có biểu hiện làm theo mùa vụ, xử lý thiếu kiên quyết, nhất là ở cấp phường, xã… Bên cạnh đó, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế. Khi không có lực lượng chức năng kiểm tra là tình hình trật tự lòng, lề đường lại... như cũ. Tại các khu vực có khu công nghiệp, do nhu cầu và thói quen mua bán thuận tiện của người dân nên các tiểu thương thường lợi dụng lòng đường, vỉa hè để họp chợ…

Trong cuộc họp mới đây về sơ kết công tác bảo đảm trật tự lòng đường, vỉa hè trên địa bàn thành phố, trước những băn khoăn, bức xúc của dư luận, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đã khẳng định sẽ không “đánh trống bỏ dùi” và thể hiện quyết tâm làm quyết liệt, làm tới cùng. Đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo các quận, huyện phải xử lý nghiêm tình trạng tái chiếm vỉa hè cũng như sai phạm trong quá trình lập lại trật tự. Cách xử lý phải phù hợp với đặc thù của từng địa phương, không vận dụng rập khuôn, máy móc, chẳng hạn khu vực trung tâm như quận 1 thì cách làm phải khác với huyện Củ Chi. Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu, trong thời gian tới, các quận, huyện phải làm quyết liệt, có giải pháp căn cơ. "Chúng ta quyết tâm làm nhưng phải kiên trì và có giải pháp hết sức đồng bộ, khoa học. Phải chuyển biến nhận thức trước rồi mới điều chỉnh hành vi của người dân. Có như vậy mới đạt kết quả như mong muốn"-đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Một số đại biểu kiến nghị, các cơ quan, ban, ngành thành phố cần ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý lòng đường, vỉa hè bằng những mô hình như: Ca-mê-ra giám sát, số hóa vỉa hè, nhà giữ xe thông minh... Sở Nội vụ và Sở Tài chính thành phố bổ sung nguồn kinh phí hỗ trợ cho lực lượng trật tự đô thị ở các địa phương... Theo các chuyên gia, để giải quyết triệt để tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phải thực hiện chính sách an sinh xã hội với các đối tượng có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, người nhập cư hiện đang mưu sinh bằng việc chiếm dụng lòng, lề đường để bán hàng rong, hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề. Việc kiểm tra, giám sát, nắm vững tình hình và xử lý nghiêm đối với trường hợp vi phạm phải là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài chứ không thể làm theo phong trào.

Bài và ảnh: LÊ NGUYỄN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/tiep-tuc-xu-ly-khong-danh-trong-bo-dui-508314