Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng lại dự án Luật Hành chính công

Sáng 18-8, trong ngày làm việc cuối cùng của phiên họp thứ 13, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Hành chính công. Với 7 chương, 54 điều, dự án luật có phạm vi điều chỉnh về hành chính công gồm: Nguyên tắc chung, thủ tục hành chính, quản lý dịch vụ công và cung ứng dịch vụ hành chính công, chính phủ điện tử trong hành chính công, kiểm soát hành chính công, mối quan hệ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện hành chính công.

Các ý kiến thảo luận cùng chung nhận định, đây là dự án luật có phạm vi tác động rộng, liên quan đến toàn bộ nền hành chính nhà nước. Tuy nhiên, các ý kiến cũng nêu ra những hạn chế, như: Tờ trình còn đơn giản; báo cáo đánh giá tác động của chính sách phần nhiều còn định tính; nhiều nội dung trong dự thảo luật quy định còn chung chung; nhiều khái niệm chưa sát, chưa phù hợp; chưa bảo đảm tính cụ thể và tính khả thi…

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, sự cần thiết để ban hành luật cần bám sát vào nền hành chính quốc gia, những vấn đề nào của nền hành chính quốc gia đã được pháp luật quy định và nội dung nào chưa được quy định. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, các lý do về sự cần thiết ban hành luật còn rời rạc, chưa gắn kết với nhau và đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, làm rõ khái niệm hành chính công bởi đây là khái niệm then chốt trong dự thảo Luật, là cơ sở xác định phạm vi, đối tượng điều chỉnh.

Các nội dung khác về quản lý dịch vụ công, cung ứng dịch vụ hành chính công; chính phủ điện tử; kiểm soát hành chính công... được quy định trong dự thảo Luật cũng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân tích, cho ý kiến cụ thể tại phiên họp.

Hiền Thu - TTXVN

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Chinh-tri/875779/tiep-tuc-nghien-cuu-xay-dung-lai-du-an-luat-hanh-chinh-cong