Tiếp tục hoàn thiện chính sách ưu đãi người có công

Ưu đãi người có công (NCC) với cách mạng là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta thể hiện trách nhiệm, sự tri ân, tôn vinh những cống hiến của NCC đối với đất nước.

Chính sách đối với NCC đầu tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành là Sắc lệnh số 20/SL ngày 16-2-1947 quy định về “Hưu bổng thương tật, tiền tuất cho thân nhân tử sĩ”. Và từ đó đến nay, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản, chính sách ưu đãi xã hội đối với NCC, trong đó nổi bật nhất là Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, NCC giúp đỡ cách mạng (ban hành năm 1994; gọi tắt là Pháp lệnh Ưu đãi NCC) và Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” năm 1994. Đây là hai văn bản pháp luật, nhằm thể chế hóa Hiến pháp năm 1992, đánh dấu sự tiến bộ trong hệ thống chính sách ưu đãi xã hội đối với NCC.

Trong hơn 10 năm trở lại đây, việc nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về ưu đãi NCC luôn được quan tâm chú trọng, đã có khoảng hơn 100 văn bản được ban hành… tạo thành một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ưu đãi NCC tương đối đầy đủ, thể chế hóa được các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với NCC trên quan điểm chính sách đối với NCC là cao nhất trong hệ thống chính sách xã hội.

Đến nay, đã có 12 diện đối tượng NCC được quy định tại Pháp lệnh, toàn quốc đã xác nhận hơn chín triệu NCC với cách mạng. Các chế độ ưu đãi đối với từng diện đối tượng được quy định ngày càng đầy đủ, bao phủ hầu hết các mặt trong đời sống. Trong đó, mức trợ cấp ưu đãi được quy định phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội từng thời kỳ, bảo đảm mức sống của NCC và thân nhân, cùng các ưu đãi về đất ở, nhà ở, chăm sóc sức khỏe, giáo dục…

Tuy nhiên, hệ thống chính sách, pháp luật về ưu đãi NCC trong quá trình tổ chức thực hiện cũng bộc lộ những vướng mắc, hạn chế. Qua các năm, Pháp lệnh Ưu đãi NCC tuy đã được sửa đổi, bổ sung kịp thời, nhưng một số văn bản hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh vẫn chưa bảo đảm sự thống nhất. Một số quy định liên quan công tác xác nhận NCC, thực hiện chính sách ưu đãi… còn bất cập, gây khó khăn cho công tác tổ chức, thực hiện. Đối tượng thuộc diện thụ hưởng chính sách ưu đãi ngày càng mở rộng, chế độ ưu đãi ngày càng nâng cao nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, nguyện vọng chính đáng của đối tượng NCC; vẫn còn một số đối tượng NCC chưa được công nhận để thụ hưởng chính sách ưu đãi, đời sống của một bộ phận NCC còn gặp nhiều khó khăn. Hiện cả nước vẫn còn khoảng hơn 30 nghìn trường hợp kê khai nhưng chưa được xác nhận là NCC (trong đó có 5.900 trường hợp là liệt sĩ, thương binh và người hưởng chế độ như thương binh)…

Thực tế này đòi hỏi cần sớm tổng kết toàn diện Pháp lệnh Ưu đãi NCC và các văn bản liên quan, nghiên cứu xác định phạm vi sửa đổi, bổ sung đầy đủ những vấn đề bất cập, vướng mắc liên quan chính sách, bảo đảm tính khả thi về nguồn lực thực hiện, để sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định…

Hiện vẫn còn các ý kiến khác nhau giữa việc hoàn thiện theo hướng sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh hiện hành hay xây dựng, ban hành Luật Người có công. Điều này cũng cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Nhiều chuyên gia cho rằng, nên giữ nguyên hình thức pháp lệnh với mục tiêu kịp thời sửa đổi những bất cập, vướng mắc của Pháp lệnh hiện hành và tạo sự thuận lợi, linh hoạt khi cần điều chỉnh chính sách. Nhưng có thể thấy, về lâu dài cần xây dựng và ban hành Luật Người có công. Bởi, trong điều kiện phát triển của đất nước hiện nay cần phải có sự điều chỉnh phạm vi, đối tượng rộng hơn, đầy đủ hơn, họ không chỉ là những NCC trong kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, mà còn là những NCC trong lĩnh vực xây dựng đất nước…

Cùng với đó, cần xem xét các vấn đề vướng mắc trong xác nhận và giải quyết chế độ ưu đãi cho NCC, tập trung giải quyết vấn đề hồ sơ tồn đọng và xác nhận NCC qua các thời kỳ, để không một NCC nào phải chịu thiệt thòi. Phấn đấu đến năm 2020, giải quyết cơ bản hồ sơ đề nghị xác nhận NCC với cách mạng còn tồn đọng. Đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và công tác xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kịp thời phát hiện và xử lý những sai sót trong xác nhận và thực hiện chính sách ưu đãi NCC…

Có thể thấy, chính sách pháp luật ưu đãi NCC với cách mạng không chỉ mang tính chính trị, kinh tế - xã hội, mà còn thể hiện tính nhân văn sâu sắc, thể hiện đạo lý “Đền ơn đáp nghĩa” tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Vì vậy, cần nghiên cứu kỹ lưỡng và tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản chính sách pháp luật ưu đãi NCC, phù hợp với sự phát triển của đất nước trong thời kỳ mới.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/33581402-tiep-tuc-hoan-thien-chinh-sach-uu-dai-nguoi-co-cong.html