Tiếp tục dự án tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến"

ICTnews - Sau 4 năm triển khai, Dự án Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” đã hoàn thành gần 100 ấn phẩm nhưng nhiều học giả, tác giả vẫn cho là “còn chưa đủ”.

Sau 4 năm triển khai, dự án Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” đã có gần 100 ấn phẩm hoàn thành. Khởi động từ ý tưởng ban đầu của NXB Hà Nội vào năm 2002, sau 4 năm nỗ lực, dự án được phê duyệt và nằm trong số những công trình trọng điểm hưởng kinh phí từ ngân sách. Theo PGS.TS. Phạm Xuân Hằng, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn của dự án, đây là một dự án văn hóa rộng lớn về quy mô, phong phú về thể loại, lớn lao về giá trị, thuận lợi về nhân lực nhưng eo hẹp về thời gian và có hạn về kinh phí, vì vậy đòi hỏi sự nỗ lực cao độ của những thành viên tham gia. Với trên 100 nhà nghiên cứu trên các lĩnh vực, nhà thơ, họa sĩ… có thể nói, dự án đã huy động được số lượng đông nhất các nhà khoa học từ trước tới nay để cống hiến những công trình nghiên cứu cũng như dành thời gian, tâm huyết tìm tòi, sáng tạo. Đây được coi là một bài học lớn về việc huy động và tập hợp sức mạnh tập thể. “Hà Nội vẫn được cho là đang ngồi trên đống vàng về tri thức, hầu hết những người giỏi của các địa phương đều tập trung về đây để có cơ hội học tập, làm việc. Tuy nhiên, việc sử dụng lực lượng này lại chưa bao giờ được đặt vấn đề một cách đúng đắn”, GS. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhận định. Về việc dự án Tủ sách “Thăng Long ngàn năm” có sự tham gia của hàng trăm người được PGS. Trần Nghĩa, chủ biên cuốn “Di văn thời Tây Sơn trên đất Thăng Long - Hà Nội”, đánh giá là một cách làm khôn khéo của NXB Hà Nội, đã biết sử dụng một khoản kinh phí không nhiều để tập hợp một đội ngũ trí thức phần lớn là chuyên gia đầu ngành, tạo nên một phong trào để họ tự lao vào khoa học là cái mà họ vốn say mê mà không tính toán. Còn theo đánh giá của PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ, chủ biên cuốn “Thủ đô Hà Nội”, sự thành công của dự án đã đưa lại một bài học về một trong các phương thức thu hút, sử dụng, phát huy tính năng của đội ngũ trí thức ở Hà Nội một cách có hiệu quả, vấn đề lâu nay được các thế hệ lãnh đạo thủ đô rất quan tâm. Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” hoàn thành đúng dịp đại lễ không phải là kết thúc mà là khởi đầu cho công cuộc tìm kiếm và làm phong phú thêm những giá trị còn tiềm ẩn của Hà Nội cũng như truyền bá những giá trị đó cho thế hệ sau. Để làm được điều này, theo PGS.TS Phạm Xuân Hằng, ngoài việc xây dựng một số sách điện tử theo kế hoạch đã được phê duyệt thực hiện trong thời gian tới, cũng cần phải xây dựng một “Kho tư liệu ảo” để quần chúng hóa nội dung những tư liệu ngàn năm văn hiến mà dự án sưu tầm được thời gian qua. “Trong thời đại thế giới phẳng, những người quan tâm có thể ngồi nhà khai thác kho tư liệu này và có thể tham gia làm giàu thêm giá trị của bộ sách hôm nay”, PGS. TS Phạm Xuân Hằng nói. Việc nhân rộng giá trị của Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” sau đại lễ cũng là mối quan tâm của TS. Nguyễn Viết Chức, chủ biên cuốn “Từ điển đường phố Hà Nội”. Theo TS. Chức, dù là một sản phẩm đồ sộ và được các tác giả tên tuổi lớn dốc sức làm nhưng cũng không thể bao quát hết mảng đề tài về Thăng Long - Hà Nội, nhất là với Hà Nội sau năm 2008 đã được mở rộng thì cả một vùng văn hóa giàu truyền thống như văn hóa Hà Tây, vùng ven đô Mê Linh độc đáo, 4 xã vùng bán sơn địa thuộc tỉnh Hòa Bình - văn hóa Mường giàu bản sắc… chưa được đề cập nhiều. Ngay với vùng Thăng Long xưa cũng không phải đã được đề cập hết các đề tài. “Nói một cách khái quát lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội hàng ngàn năm ấy không chỉ thông qua một dự án vài năm với vài trăm người làm là đã đầy đủ cả. Kho tư liệu mới được sưu tập cần khai thác như thế nào, mảng sách dành cho các độc giả phổ thông, hấp dẫn các bạn trẻ… đều là những việc cần làm để xây dựng tủ sách ngày càng đầy đủ, hấp dẫn hơn, đáp ứng nhiều hơn nhu cầu bạn đọc”, TS. Chức đề nghị. Theo thống kê của PGS. Trần Nghĩa, trong số gần 100 cuốn sách đã được hoàn thành trong tủ sách này, có tới 45 cuốn thuộc lĩnh vực sử, trong khi các lĩnh vực khác như địa, văn hóa, văn nghệ, giáo dục… còn hạn chế. Đặc biệt, chúng ta còn có kho sách Hán nôm với số lượng lớn, chủng loại rất đa dạng nhưng hiện tủ sách chưa khai thác được nhiều, rất cần được bổ sung nhất là về mặt địa và văn trong thời gian tới. Đồng thời, cần xây dựng một kho thông tin tư liệu đầy đủ có hệ thống về Thủ đô để nghiên cứu, quảng bá, thậm chí đưa mạng Internet để phục vụ rộng rãi cho các nhà nghiên cứu trong nước cũng như ở nước ngoài.

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/Home/bao-chi-xuat-ban/Tiep-tuc-du%C2%A0an-tu-sach-Thang-Long-ngan-nam-van-hien/2010/09/2SVCM7531962/View.htm