Tiếp tục đôn đốc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công

Tổ giải ngân vốn đầu tư công của Chính phủ vừa họp chiều 23/12 do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Tổ trưởng, chủ trì nhằm đánh giá việc thực hiện công tác này trong thời gian qua.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp. Ảnh: VGP/Thành Chung

Số liệu giải ngân do Bộ Tài chính cung cấp cho thấy, sau khi Chính phủ có Nghị quyết số 60/2016/NQ-CP hồi tháng 7/2016 và Công điện số 2144/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của Thủ tướng hồi tháng 10, tiến độ giải ngân của 5 tháng cuối năm đã mạnh hơn nhiều so với trước đó.

Cụ thể, tính tới hết tháng 11 của năm 2016, các bộ, ngành và địa phương giải ngân được 173.208 tỷ đồng, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 70% kế hoạch. Vốn trong nước đạt hơn 139.454 tỷ đồng, đạt 68,1% kế hoạch, vốn nước ngoài giải ngân nhanh hơn với gần 33.754 tỷ đồng, đạt 78,8% kế hoạch. Như vậy việc giải ngân vốn từ ngân sách nhà nước đã gấp 2 lần so với hồi đầu tháng 7/2016.

Ước 12 tháng giải ngân vốn đầu tư công từ ngân sách nhà nước được 109.094 tỷ đồng, đạt gần 83% kế hoạch, trong đó vốn trong nước đạt 77,8% kế hoạch, vốn ngoài nước đạt 90% kế hoạch.

Về vốn trái phiếu Chính phủ, giải ngân 11 tháng được 22.129 tỷ đồng, đạt 53,3% kế hoạch, gấp hơn 2 lần so với thời gian hồi đầu tháng 7. Ước 12 tháng cả nước giải ngân được 31.800 tỷ đồng, đạt 67% kế hoạch của năm 2016.

Bộ KH&ĐT cho biết nhiều bộ, ngành, địa phương đã tích cực thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, cơ bản đạt mục tiêu đề ra cho năm 2016. Trong đó, 15 bộ, ngành, địa phương cơ bản giải ngân xong vốn từ nguồn ngân sách nhà nước (tới nay đạt 90% kế hoạch trở lên) là Bộ Giao thông vận tải, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Giang, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Cần Thơ…

Với vốn trái phiếu Chính phủ, qua 11 tháng có 2 địa phương giải ngân từ 85% kế hoạch trở lên là Sơn La và Thái Bình.

Bộ KH&ĐT cũng cho biết tình trạng nợ đọng cơ bản và ứng trước vốn kế hoạch năm 2016 được kiểm soát chặt chẽ hơn, các dự án đầu tư thực hiện theo đúng mức vốn kế hoạch đã giao.

Tuy nhiên, Bộ này cũng cho biết một số bộ, ngành địa phương giải ngân còn chậm, đặc biệt là vốn trái phiếu Chính phủ các dự án đã được giao nhiều năm nhưng chỉ đạt 53,3% kế hoạch, trong đó có một Bộ và 6 địa phương mới giải ngân dưới 30% kế hoạch, 12 địa phương giải ngân 30-50% kế hoạch.

Đánh giá về tình hình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng các bộ, ngành và địa phương đã có cố gắng nhiều, nhất là khi Chính phủ có Nghị quyết số 60 và Công điện của Thủ tướng. Tuy nhiên, tốc độ giải ngân của những tháng cuối năm không đủ bù đắp lại sự chậm trễ của những giai đoạn đầu năm.

Mặc dù Luật Đầu tư công quy định tới ngày 30/1/2017 mới hoàn thành thanh toán, giải ngân vốn kế hoạch năm 2016 nhưng với tình hình như hiện nay thì sẽ không đạt giải ngân 100% kế hoạch theo Nghị quyết của Chính phủ và yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng bày tỏ sốt ruột khi số vốn dư 16.000 tỷ đồng từ 2 dự án mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên chưa được Bộ Giao thông vận tải giải ngân mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã giao vốn thực hiện từ tháng 10 vừa qua. Bên cạnh đó, nhiều địa phương có tỉ lệ giải ngân cao nhưng số giải ngân tuyệt đối lại thấp.

Nguyên nhân của sự chậm trễ được Phó Thủ tướng chỉ ra là do vướng mắc trong hệ thống pháp luật, văn bản hướng dẫn, trong áp dụng và thực thi pháp luật, sự trì trệ của bộ máy, sự thiếu chuyên nghiệp, sự phối hợp chưa chặt chẽ của các bộ, ngành với nhau.

“Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công tác động rất lớn tới hiệu quả đầu tư công, phát triển kinh tế, giải quyết việc làm và nhiều lĩnh vực khác, tạo ra lãng phí xã hội”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ sốt ruột nói.

Để tiếp tục thực hiện kế hoạch năm 2016 và thúc đẩy giải ngân trong năm 2017, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục chủ trì và phối hợp với các bộ rà soát các vấn đề liên quan tới quy định của pháp luật, phân định rõ từng vướng mắc là do luật, nghị định, thông tư, hay không vướng mắc pháp luật mà vướng vì nhận thức của cán bộ và áp dụng pháp luật để tăng cường tháo gỡ, đôn đốc các bộ, ngành và địa phương.

Các bộ, ngành, địa phương rà soát lại việc thực thi pháp luật, nhất là hoạt động của các ban quản lý khu vực, ban quản lý chuyên ngành, báo cáo cơ quan liên quan để xử lý.

Trong việc sửa đổi Nghị định 59/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng, Bộ Xây dựng tiếp tục tăng cường phân cấp trong phê duyệt thẩm định dự án; tiếp tục khắc phục những vướng mắc giải phóng mặt bằng, phối hợp các bộ, ngành trong triển khai các dự án đầu tư công.

Với các bộ, ngành, địa phương giải ngân được 50% vốn kế hoạch thì phải kiểm điểm nghiêm khắc trước Thủ tướng Chính phủ, chậm nhất ngày 31/12/2016 gửi báo cáo tình hình nêu rõ số giải ngân tuyệt đối, danh mục dự án chậm giải ngân và đề xuất việc điều chuyển vốn sang các dự án khác, thậm chí là cắt giảm vốn đầu tư.

Về việc chưa giải ngân được số vốn dư 16.000 tỷ đồng từ các dự án mở rộng Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên thì Bộ Giao thông vận tải và các bộ liên quan phải báo cáo cụ thể cho từng dự án, gửi trước ngày 31/12/2016. Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ xử lý trách nhiệm cá nhân các cán bộ làm chậm việc giải ngân số vốn này.

Phó Thủ tướng cũng giao Văn phòng Chính phủ, Bộ KH&ĐT, Tài chính kiểm soát chặt chẽ các loại dự án kéo dài từ năm nay sang năm 2017, chỉ cho phép dự án kéo dài vì nguyên nhân khách quan; Bộ KH&ĐT tiếp tục cập nhật tình hình giải ngân vốn đầu tư công để phục vụ cho phiên họp Chính phủ với các địa phương vào cuối tháng này.

Thành Chung

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/tiep-tuc-don-doc-thuc-hien-giai-ngan-von-dau-tu-cong/295064.vgp