Tiếp tục đổi mới kỳ họp Quốc hội

Thông thường, Quốc hội (QH) họp mỗi năm hai kỳ, mỗi kỳ từ cuối tháng 5 tới cuối tháng 6 và cuối tháng 10 tới cuối tháng 11, đều kéo dài hơn một tháng, chỉ nghỉ chủ nhật, thứ bảy vẫn làm việc.

Kỳ họp thứ ba, QH khóa XIV hiện nay, tổng thời gian rút xuống còn đúng một tháng và nghỉ thứ bảy, chủ nhật. Tuy nhiên các ủy ban của QH vẫn làm việc vào thứ bảy và tổ chức hội nghị chuyên đề để các đại biểu quan tâm tham dự và phát biểu ý kiến không bị giới hạn bảy phút như khi tham luận tại phiên họp chung trong hội trường Diên Hồng.

Từ đầu khóa XIII đến nay, QH đã có 14 kỳ họp, đều thể hiện rõ sự đổi mới: điều hành khoa học, hướng đúng trọng tâm, nâng cao chất lượng và hiệu suất thời gian, giảm hẳn những phân tích, dẫn giải lòng vòng, không nói lại những điều đã rõ, chất vấn và trả lời chất vấn đi thẳng vào vấn đề... Đặc biệt là thành công trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà nước pháp quyền. Tuy nhiên, thành tựu này cũng là một nguyên nhân khiến không còn nhiều thời gian, sức lực và tâm trí cho cải tiến tổ chức các kỳ họp và phiên họp, hệ quả là thời gian họp vẫn dài, mệt mỏi, chưa thật sự phù hợp... Nhiều đại biểu vẫn miễn cưỡng phải nghe những vấn đề, những nội dung mà mình đã hiểu rất rõ hoặc không cần thiết; nhiều báo cáo vẫn theo nếp cũ, người trình bày lên diễn đàn đọc nguyên văn dài dòng, có khi tới hàng giờ, không làm bật lên những trọng tâm, trọng điểm...

Tình trạng không ít ghế trống trong các phiên họp tại hội trường khá phổ biến, bởi lý do chủ yếu, đáng thông cảm: các đại biểu là lãnh đạo chủ chốt của các địa phương (nhất là những tỉnh, thành phố xa Hà Nội) và lãnh đạo các bộ, ngành phải xin phép nghỉ để về chủ trì họp tại cơ quan. Kỳ họp kéo dài cả tháng thì tình trạng đó càng nhiều, càng bất khả kháng.

Nhớ lại kỳ họp thứ 11, QH khóa XIII, chỉ trong gần ba tuần mà đã hoàn thành tốt đẹp nhiều công việc lớn, quan trọng: đánh giá, nhìn lại công tác của QH, Chính phủ cả nhiệm kỳ 5 năm; thảo luận, thông qua gần 10 dự án luật cùng với Nghị quyết về phát triển kinh tế, xã hội...; đặc biệt là đã bầu và tổ chức lễ tuyên thệ lần đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ.

Hơn nữa, nếu học tập phương thức tổ chức các Hội nghị BCH T.Ư Đảng, cũng mỗi năm hai kỳ vào đầu tháng 5 và đầu tháng 10, mỗi kỳ họp chỉ trong khoảng 5 đến 7 ngày, ít khi tới 10 ngày, nhưng đều hoàn thành tốt khối lượng công việc lớn và đặc biệt quan trọng, thì thấy khả năng đổi mới kỳ họp QH còn rất lớn.

Nhìn lại xa hơn về lịch sử là Kỳ họp thứ hai, QH khóa I, chỉ hơn 10 ngày làm việc với sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 290 đại biểu đã hoàn thành khối lượng công việc to lớn, đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa lịch sử lâu dài: thông qua Hiến pháp đầu tiên của đất nước; chất vấn các thành viên Chính phủ với 88 câu hỏi; thảo luận, thông qua Luật Lao động... trước sự chứng kiến của nhiều quan khách, phóng viên nước ngoài, trong nước và nhân dân tham gia dự thính.

Từ những thực tể đổi mới và tiền lệ nêu trên cũng như yêu cầu khách quan hiện nay, cho thấy kỳ họp QH còn có thể đổi mới nhanh, mạnh hơn. QH có thể xem xét rút ngắn thời gian mỗi kỳ họp xuống khoảng 20 ngày, công tác chuẩn bị phải có bước chuyển biến rất lớn, sao cho ngay từ đầu tháng 5 và tháng 10 hằng năm, tài liệu cơ bản đã đến tay các đoàn và từng đại biểu QH để nghiên cứu, thảo luận sâu sắc ngay từ cơ sở... Nếu rút ngắn thời gian một cách khoa học, hợp lý thì nhất định vừa nâng cao chất lượng công tác, vừa tiết kiệm được rất lớn trên nhiều mặt, từ kinh phí đến phương tiện không chỉ của QH, mà còn ở nhiều cơ quan, địa phương, đơn vị liên quan và cả thời gian theo dõi của báo chí, truyền thông và cử tri…

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/33225102-tiep-tuc-doi-moi-ky-hop-quoc-hoi.html