Tiếp tục đổi mới công tác hồ sơ nghiệp vụ an ninh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới

Lực lượng Hồ sơ nghiệp vụ An ninh được hình thành và phát triển cùng với sự phát triển của lực lượng CAND. Cách đây tròn 60 năm, ngày 27-3-1957, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký ban hành Nghị định số 530-VP/NĐ thành lập Phòng Hồ sơ (bí số Phòng 33) trực thuộc Văn phòng Bộ, đánh dấu sự ra đời của một đơn vị chuyên trách đầu tiên của lực lượng Hồ sơ CAND.

Những năm qua, công tác hồ sơ Công an đã ghi lại những hoạt động nghiệp vụ, chiến đấu của các lớp thế hệ cha anh đã làm, từ những ngày đầu bảo vệ chính quyền cách mạng, trong suốt quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên mặt trận bảo vệ an ninh quốc gia. Nhiều vụ án lớn như vụ án ở phố Ôn Như Hầu, C30, CM12… còn được thể hiện đậm nét trên mỗi trang hồ sơ lưu trữ, để lại cho chúng ta hôm nay những bài học kinh nghiệm quý giá.

Ngay trong những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lực lượng Công an đã nhanh chóng thu hồi được một khối lượng lớn hồ sơ, tài liệu của chế độ Pháp - ngụy để lại. Lực lượng Hồ sơ Công an đã quản lý, khai thác, cung cấp thông tin kịp thời phục vụ các yêu cầu nghiệp vụ; vận chuyển, bảo vệ an toàn hàng trăm tấn hồ sơ, tài liệu về nơi sơ tán.

Một ngày làm việc của cán bộ Cục Hồ sơ nghiệp vụ An ninh.

Sau khi hoàn toàn giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (năm 1975), lực lượng Hồ sơ đã làm tốt công tác thu hồi, bảo quản, khai thác hồ sơ thu được của địch. Đây là tài liệu vô cùng quý giá, phục vụ rất hiệu quả công tác đấu tranh làm thất bại kế hoạch hậu chiến của Mỹ - ngụy, đặc biệt là công tác đấu tranh phòng, chống nội gián, bảo vệ an ninh chính trị nội bộ.

Lực lượng Hồ sơ nghiệp vụ An ninh đã cùng các lực lượng nghiệp vụ khác góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong hơn nửa thế kỷ qua; chủ động nghiên cứu đổi mới công tác tổ chức, quản lý, khai thác, sử dụng thông tin, tài liệu nghiệp vụ để thống nhất thực hiện trong toàn lực lượng; hằng năm, tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm trao đổi về công tác thông tin nghiệp vụ đối với Công an các đơn vị, địa phương để xác định phương pháp và hình thức thông tin tốt hơn; tổ chức kiểm tra, hướng dẫn công tác hồ sơ ở các đơn vị, địa phương, kịp thời chấn chỉnh và thúc đẩy công tác hồ sơ đi vào nền nếp, phục vụ kịp thời các yêu cầu nghiệp vụ. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu ứng dụng tin học vào các lĩnh vực của công tác hồ sơ nghiệp vụ an ninh được đặc biệt chú trọng, góp phần nâng cao hiệu quả cung cấp thông tin phục vụ yêu cầu đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới.

Kết quả ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin trong công tác hồ sơ những năm qua cho thấy, việc xây dựng, hình thành các hệ thống cơ sở dữ liệu, liên kết với nhau đã từng bước hình thành được trung tâm thông tin nghiệp vụ tại Cục Hồ sơ nghiệp vụ An ninh; việc phối hợp trao đổi thông tin giữa lực lượng hồ sơ với các đơn vị nghiệp vụ ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn; thông tin do cơ quan Hồ sơ An ninh cung cấp phục vụ ngày càng kịp thời, hiệu quả công tác điều tra, xử lý. Công tác hồ sơ ngày càng gắn bó chặt chẽ với các mặt công tác nghiệp vụ của lực lượng An ninh.

Chỉ tính riêng 5 năm gần đây, lực lượng Hồ sơ nghiệp vụ An ninh đã tra cứu, trả lời gần 4 triệu yêu cầu cung cấp thông tin nghiệp vụ; tiếp nhận, xử lý thông tin trên 109 triệu lượt người xuất, nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế, đã phát hiện trên 20 nghìn trường hợp có thông tin, tài liệu liên quan đến an ninh quốc gia tại cơ quan Hồ sơ An ninh để kịp thời thông báo cho các đơn vị tổ chức công tác nghiệp vụ, quản lý đối tượng. Trong công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ nội bộ, lực lượng Hồ sơ nghiệp vụ An ninh đã đáp ứng trên 800 nghìn yêu cầu xác minh nhân sự, thân nhân nhân sự tham gia bầu cử Đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, góp phần tích cực vào công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ.

Thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TW của Thường vụ Bộ Chính trị (khóa VIII) về quản lý, khai thác hồ sơ thu được của địch, lực lượng Hồ sơ nghiệp vụ An ninh đã hoàn thành khai thác số hồ sơ thu được của địch, biên tập trên 1,5 triệu hồ sơ có liên quan an ninh quốc gia.

Qua khai thác hồ sơ lưu trữ đã cung cấp hàng ngàn trang hồ sơ tài liệu của địch để lại phục vụ công tác điều tra các vụ án, chuyên án; cung cấp tài liệu góp phần minh oan cho hàng trăm đảng viên trung kiên và nhân dân bị dịch làm giả hồ sơ để bôi lem; phục vụ công tác tuyển sinh, tuyển dụng đúng tiêu chuẩn; khai thác, cung cấp hàng nghìn hồ sơ, tài liệu phục vụ công tác nghiên cứu tổng kết lịch sử Đảng, nghiên cứu khoa học, xây dựng bảo tàng truyền thống…

Thực hiện Pháp lệnh Lưu trữ quốc gia và bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân theo quy định tại Hiến pháp 2013, lực lượng Hồ sơ nghiệp vụ An ninh đã cung cấp hồ sơ, tài liệu về hàng trăm đồng chí cách mạng lão thành, cung cấp hàng trăm di ảnh của các chiến sỹ cách mạng bị địch bắt, tù đày trong các nhà tù của chế độ cũ, hàng nghìn xác nhận thời gian hoạt động cách mạng cho các cán bộ, thân nhân gia đình cán bộ hoạt động cách mạng để thực hiện chính sách ưu đãi người có công với đất nước;

Xác nhận cung cấp hàng nghìn bản sao quyết định tập trung cải tạo, cải tạo tại chỗ cho người đã từng cộng tác với chế độ cũ để làm thủ tục xuất cảnh diện HO theo quy định chế độ, chính sách của Nhà nước; cung cấp hàng nghìn hồ sơ, tài liệu quý hiếm cho Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng và bảo tàng các tỉnh, thành phố trong toàn quốc như Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Xôviết - Nghệ Tĩnh, Bảo tàng Cách mạng…

Cục Hồ sơ nghiệp vụ An ninh đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công hạng nhất (1992, 2002); 1 Huân chương Quân công hạng nhì (1997); 1 Huân chương Quân công hạng nhất (2012); 1 Huân chương Lao động hạng nhì (1994); 3 Huân chương Chiến công hạng ba (1990, 1996, 1997); 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhất (2007); 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba (2011); nhiều năm được Bộ Công an tặng Cờ đơn vị thi đua xuất sắc; hàng trăm lượt tập thể, cá nhân được Bộ Công an, Tổng cục An ninh tặng Bằng khen, danh hiệu thi đua các loại;

Đảng bộ Cục Hồ sơ nghiệp vụ An ninh nhiều năm liền giữ vững danh hiệu trong sạch, vững mạnh, được Đảng ủy Công an Trung ương tặng Bằng khen. Đơn vị Hồ sơ An ninh ở các địa phương cũng đã được Đảng, Nhà nước, Bộ Công an và các cấp chính quyền địa phương quan tâm, ghi nhận và tặng nhiều phần thưởng cao quý vì đã có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

Để phát huy truyền thống 60 năm qua, trong thời gian tới lực lượng Hồ sơ nghiệp vụ An ninh tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của công tác hồ sơ, về vai trò của thông tin trong hồ sơ nghiệp vụ phục vụ cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia và thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước;

Đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào công tác hồ sơ, xây dựng cơ quan hồ sơ trở thành trung tâm thông tin nghiệp vụ của toàn lực lượng An ninh nhân dân; làm tốt công tác tổ chức quản lý, khai thác, xử lý cung cấp thông tin đảm bảo nhanh chóng, chính xác;

Gắn kết chặt chẽ chất lượng công tác hồ sơ với chất lượng công tác nghiệp vụ; tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa đơn vị hồ sơ An ninh với các lực lượng nghiệp vụ, bảo vệ chính trị nội bộ; nghiên cứu, đề xuất kiện toàn tổ chức lực lượng Hồ sơ nghiệp vụ An ninh các cấp cho phù hợp, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, pháp luật, khoa học kỹ thuật cho cán bộ hồ sơ an ninh chuyên trách và cán bộ hồ sơ bán chuyên trách tại các đơn vị nghiệp vụ nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Thiếu tướng Trương Công Long - Cục trưởng Cục Hồ sơ nghiệp vụ An ninh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/tiep-tuc-doi-moi-cong-tac-ho-so-nghiep-vu-an-ninh-dap-ung-yeu-cau-nhiem-vu-trong-tinh-hinh-moi-433649/