Tiếp tục đổi mới cơ chế tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập

Chiều 26/10, Bộ Tài chính tổ chức họp báo chuyên đề về ''Đổi mới cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập và tình hình triển khai Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ''.

Nhằm thúc đẩy các đơn vị sự nghiệp vươn lên, tăng cường khả năng tự chủ, thúc đẩy khu vực sự nghiệp công phát triển nhanh, mạnh và bền vững, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính đã xây dựng và trình Chính phủ ký ban hành Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác.

Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp Phạm Văn Trường cho biết, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP tạo ra sự tự chủ về thực hiện nhiệm vụ đối với các đơn vị sự nghiệp công, tự chủ về tài chính, nhân sự...

Đơn vị được quyết định các biện pháp thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch của mình, kế hoạch của cơ quan cấp trên giao, đảm bảo chất lượng, tiến độ; tham dự đấu thầu các hoạt động dịch vụ phù hợp với lĩnh vực chuyên môn; liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân để cung ứng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của xã hội theo quy định của pháp luật ...

Lớp học trẻ 5 tuổi Trường mầm non Hưng Dũng, thành phố Vinh (Ảnh minh họa).

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định cụ thể về giá, phí và lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công, danh mục dịch vụ sự nghiệp công; đồng thời phân định dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước (NSNN) và dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng kinh phí NSNN. Nghị định còn quy định lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công để phù hợp với khả năng của NSNN và thu nhập của người dân.

Để tạo điều kiện cho các đơn vị, Nghị định 16 quy định, căn cứ vào tình hình thực tế, các đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện trước lộ trình giá dịch vụ sự nghiệp công.

Mục tiêu lớn nhất của việc thực hiện tự chủ là cơ cấu lại NSNN. Khi các đơn vị tự chủ theo lộ trình từ nay đến 2020, phần hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách cho các đơn vị sẽ được cơ cấu lại do đó, tổng chi ngân sách cho các lĩnh vực sẽ không giảm. Thay vì chi cho đơn vị sự nghiệp công, sẽ chuyển sang đối tượng thụ hưởng dịch vụ sự nghiệp công như người nghèo, vùng sâu vùng xa.

Bên cạnh đó, việc cơ cấu lại ngân sách sẽ góp phần để thực hiện cải cách tiền lương, trong đó cải cách đối với các đơn vị vẫn còn được Nhà nước hỗ trợ; tăng chi cho các chương trình y tế dự phòng, các lĩnh vực giáo dục đào tạo, là những mục tiêu trọng điểm, cấp bách mà Nhà nước đầu tư.

Cũng theo ông Phạm Văn Trường, theo thống kê cho thấy, từ khi Nghị định 43/2006/NĐ-CP được đưa vào thực hiện, chất lượng dịch vụ tăng lên, thu nhập bình quân của người lao động tại các đơn vị sự nghiệp tăng 0,5-1,5 lần so với trước đây.

Sông Hồng

Nguồn Nghệ An: http://baonghean.vn/kinh-te/201610/tiep-tuc-doi-moi-co-che-tu-chu-don-vi-su-nghiep-cong-lap-2749023/