Tiếp kì II: Doanh nghiệp "đánh đu" với chính quyền?

(BVPL) - Tận dụng và phát huy thế mạnh sẵn có luôn là những phương án tối ưu của các doanh nghiệp trong thời buổi kinh tế thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay. Song, những thế mạnh ấy cho dù phát huy hay tận dụng cũng đều cần phải tuân thủ theo những quy định của luật pháp. Thế nhưng, hiện nay đã có không ít các doanh nghiệp lợi dụng danh nghĩa, tận dụng lợi thế doanh nghiệp để rồi cố ý làm trái và “đánh đu” với chính quyền địa phương theo kiểu nếu có phát hiện thì “mọi chuyện đã rồi”, Mỏ đá Núi Voi là một trong những trường hợp như thế.

(BVPL) - Tận dụng và phát huy thế mạnh sẵn có luôn là những phương án tối ưu của các doanh nghiệp trong thời buổi kinh tế thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay. Song, những thế mạnh ấy cho dù phát huy hay tận dụng cũng đều cần phải tuân thủ theo những quy định của luật pháp. Thế nhưng, hiện nay đã có không ít các doanh nghiệp lợi dụng danh nghĩa, tận dụng lợi thế doanh nghiệp để rồi cố ý làm trái và “đánh đu” với chính quyền địa phương theo kiểu nếu có phát hiện thì “mọi chuyện đã rồi”, Mỏ đá Núi Voi là một trong những trường hợp như thế.

Như báo Bảo vệ pháp luật điện tử ngày 25/07/2016 có đưa bài viết: “Thái Nguyên: Doanh nghiệp lách luật, các cơ quan chức năng lúng túng?”. Trong bài viết đó, nhóm phóng viên điều tra của báo Bảo vệ pháp luật đã có những nhận định và đánh giá về số hoạt động, sản xuất kinh doanh của Mỏ đá Núi Voi, đơn vị trực thuộc Công ty cổ phần cơ điện luyện kim Thái Nguyên có địa chỉ ở tổ 25, thị trấn Chùa Hang, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên đã "cố tình nhúng tay vào sai phạm" trong thời gian vừa qua.

Trụ sở của Mỏ đá Núi Voi

Cụ thể: Xí nghiệp Mỏ đá Núi Voi được nhà nước cấp cho thuê đất với tổng diện tích là gần 70 nghìn m2 đất, trong đó có gần 18 nghìn m2 cấp để khai thác mỏ đá, số còn lại là cấp để phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Về phần diện tích mỏ, do quá trình khai thác lâu năm, nên phần diện tích này ngày càng bị thu hẹp lại và để lộ khoảng mặt bằng trống ngày càng lớn. Vì đây là đất cho thuê theo hình thức đóng thuế sử dụng đất theo từng năm, do đó việc cho thuê lại quyền sử dụng đất là trái với quy định của pháp luật. Với phần diện tích mỏ được giao đã khai thác hết, thay vì trả lại đất cho nhà nước thì đơn vị này lại cho các đơn vị khác thuê lại bằng cách "biến tướng" từ việc cho thuê đất thành góp vốn liên doanh bằng quyền sử dụng đất, với thời hạn cho thuê từ 3 năm đến 5 năm tùy từng đơn vị. Thông qua sự biến tướng này, Mỏ đá Núi Voi đã thu được số tiền bất chính là trên 1,3 tỷ đồng.

Thế nhưng, sự việc chưa dừng ở đó, để ngụy trang cho những việc làm sai trái của mình, ngay sau khi ký hợp đồng liên doanh với các đơn vị và thu được hết số tiền 1,3 tỷ đồng như đã nói ở trên, nhằm trốn tránh sự truy xét và với ý đồ “bịp mắt, dắt mũi” đối với các cơ quan chức năng. Ngày 23/06/2016, đơn vị này đã làm công văn gửi sở Tài nguyên và môi trường, phòng quản lý tài nguyên đất tỉnh Thái Nguyên với nội dung : “Do hiện nay, mỏ khai thác được nhiều thời gian, vì vậy phần diện tích mỏ thu hẹp, diện tích bên cạnh rộng ra. Để tận thu phần diện tích đất đó sản xuất ra vật chất cho doanh nghiệp, mỏ tiến hành liên doanh với một số doanh nghiệp để sản xuất kinh doanh”, có danh sách cụ thể kèm theo…Đề nghị sở Tài nguyên và Môi trường hưỡng dẫn các quy định quản lý để mỏ thực hiện theo đúng quy định của nhà nước và pháp luật”. Với những chiêu trò “tiền trảm, hậu tấu”, phải chăng mỏ đá Núi Voi đang cố tình thách thức các cơ quan chức năng, đặc biệt là Sở Xây dựng, Sở Công thương, Sở Tài nguyên và Môi trường của tỉnh Thái Nguyên trong vấn đề xử lý sai phạm đối với doanh nghiệp này?.

Ngay sau khi bài viết được đăng tải, báo Bảo vệ pháp luật rất hoan nghênh sự vào cuộc nhanh chóng của lãnh đạo Sở Tài nguyên, đã chỉ đạo các phòng, ban thiết lập hồ sơ liên quan và sớm đưa ra kết quả. Ngày 26/07/2016, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên đã có công văn số 246/ STNMT – TTr (về nội dung liên doanh hợp tác sản xuất của Mỏ đá Núi Voi) gửi phúc đáp tới báo Bảo vệ pháp luật trong đó có nêu: “Toàn bộ diện tích Mỏ đá Núi Voi hợp tác liên doanh với 4 đơn vị là đất nằm ngoài diện tích khai thác mỏ và Mỏ được UBND tỉnh cho thuê đất theo hình thức thuê đất trả tiền hàng năm. Diện tích 16.000 m2 nêu trên do Mỏ đang quản lý không có tài sản trên đất, do đó Mỏ không đủ điều kiện góp vốn theo Điểm d Khoản 1 Điều 175 Luật đất đai năm 2003. Mặt khác, do đất trả tiền hàng năm, nên không đủ điều kiện cho thuê lại quyền sử dụng đất theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 174 Luật đất đai năm 2003… Đối chiếu với quy định trên, việc Mỏ đá Núi Voi ký hợp đồng hợp tác liên doanh với 4 đơn vị nêu trên là chưa phù hợp với quy định của pháp luật, vì Mỏ đá Núi Voi được nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm, tài sản trên đất do các đơn vị hợp tác đầu tư. Do đó, Mỏ đá Núi Voi không có tài sản trên đất nên không đủ điều kiện để hợp tác góp vốn với 4 đơn vị nêu trên...”.

Cùng với việc gửi công văn phúc đáp gửi về báo Bảo vệ pháp luật, ngày 27/07/2016 Sở Tài nguyên và Môi trường đã có công văn số 1394/ STNMT – TTr gửi UBND tỉnh Thái Nguyên báo cáo về kết quả kiểm tra việc Mỏ đá Núi Voi liên danh hợp tác sản xuất. Công văn 1394/ STNMT – TTr nêu: “ ...Việc Mỏ đá Núi Voi hợp tác liên doanh với 4 đơn vị trên là góp vốn bằng mặt bằng, tài sản góp vốn là đường giao thông nội bộ và cung cấp nguồn điện sau trạm biến áp. Tuy nhiên, giá trị đầu tư xây dựng đường giao thông nội bộ chưa được tính vào giá trị cổ phần hóa của mỏ. Do đó, tài sản trên đất của mỏ đá Núi Voi không đủ điều kiện để cho thuê hoặc góp vốn liên doanh. Như vậy, việc Mỏ đá Núi Voi ký hợp tác liên danh với 4 đơn vị là trái với quy định của pháp luật...”.

Công văn của Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên gửi UBND

Ngoài ra, theo tìm hiểu của nhóm phóng viên điều tra thì hiện nay, sau khi ký kết hợp đồng liên doanh với một số đơn vị nói trên, các công trình cũng như các kết cấu hạ tầng được các đơn vị liên doanh xây dựng nhà xưởng, lắp đặt máy móc một cách tràn lan và lộn xộn. Song, điều đáng nói ở đây là tuyệt đối không có bất cứ một công trình nào nằm trong diện quy hoạch được các cơ quan chức năng phê duyệt trước đó. Theo ý kiến của sở Xây dựng tỉnh Thái Nguyên: Bất cứ một dự án nào đều phải lập quy hoạch tổng thể mặt bằng, đây là điều kiện bắt buộc, nếu không có thì là sai phạm. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện dự án nếu có xây dựng hoặc lắp đặt các hạng mục công trình không có tên trong bản vẽ tổng thể quy hoạch mặt bằng đã được phê duyệt, thì công trình đó sai phạm.

Tại buổi làm việc ngày 20/07/2016, đại diện Sở Xây dựng Thái Nguyên cũng cho biết thêm: Sau khi nhận được thông tin phản ánh từ báo chí, Sở cũng đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, rà soát lại toàn bộ những hồ sơ liên quan đến Mỏ đá Núi Voi. Tuy nhiên, trong quá trình rà soát mặc dù đã cố gắng, nhưng Sở vẫn chưa tìm thấy bất cứ một văn bản nào có liên quan đến đơn vị này.

Xưởng gạch không nung nằm sát khu nổ mìn của Mỏ đá Núi Voi

Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, ở một khía cạnh khác, trong bộ “hồ sơ thiết kế nổ mìn phá đá” của Công ty cổ phần luyện kim Thái Nguyên – Mỏ đá Núi Voi gửi Sở Công thương Thái Nguyên có đăng ký: "Lượng thuốc nổ tức thời lớn nhất nhỏ hơn hoặc bằng 960kg và lượng thuốc nổ trong mỗi lỗ khoan là 68kg, với lượng thuốc nổ này, khoảng cách an toàn tối thiểu phải đạt là 1414m. Thế nhưng, theo quan sát thực tế của phóng viện, toàn bộ các công trình do các đơn vị liên doanh xây dựng và lắp đặt hiện nay đều nằm rất sát với phạm vi khai trường khai thác bắn, nổ mìn của mỏ, có những công trình nằm cách khai trường khai thác mỏ chưa đầy 200m... Đây là một khoảng cách nguy hiểm cho những ai đang trực tiếp tham gia lao động và sản xuất tại các đơn vị này. Được biết, tỉnh Thái Nguyên là một trong những tỉnh luôn “trải thảm” chào đón và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh nhà. Đồng thời, tỉnh Thái Nguyên cũng là tỉnh đi đầu trong việc xử lý các sai phạm mà các doanh nghiệp trong quá trình tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh đã cố tình mắc phải, điển hình gần đây nhất là việc xử lý buộc tháo dỡ đối với công trình bến thuyền Thiên Nga do Công ty cổ phần du lịch Hồ Núi Cốc làm chủ đầu tư. Mặc dù công trình này được xây dựng với mục đích là để tôn thêm vẻ đẹp mỹ quan của khu du lịch, và quan trọng hơn nữa là để đảm bảo an toàn cho du khách mỗi lần đến với Hồ Núi Cốc. Thế nhưng, do xây dựng không phép nên đã buộc phải tháo dỡ...

Đối với Mỏ đá Núi Voi, trước hàng loạt các sai phạm như vậy, đặc biệt là việc các công trình phục vụ cho vấn đề sản xuất, kinh doanh mà các đơn vị liên doanh đã xây dựng và lắt đặt không nằm trong hồ sơ quy hoạch đã được các cơ quan chức năng phê duyệt trước đó, thì liệu rằng các công trình sai phạm ở Mỏ đá Núi Voi có bị xử lý nghiêm khắc hay không? Câu hỏi này, báo Bảo vệ pháp luật sẽ nhường lại cho các cơ quan chức năng. Vụ việc sẽ được xử lý ra sao, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu thông tin liên quan đến vụ việc và chuyển tới bạn đọc ở kỳ tiếp theo.

Trọng Tài - Hà Thanh

Nguồn BVPL: http://baobaovephapluat.vn/kinh-te-do-thi/doanh-nhan-doanh-nghiep/201607/thai-nguyen-mo-da-nui-voi-tiep-ki-ii-doanh-nghiep-danh-du-voi-chinh-quyen-2502088/