Tiếp chuyện thưởng Tết và nỗ lực 'thắt lưng buộc bụng'

Dịp tết nguyên đán Kỷ Dậu 2017 đang đến rất gần, người lao động sau một năm làm việc vất vả thì lại thấp thỏm mong ngóng khoản thưởng cuối năm.

Theo các chuyên gia nhận định, tiền thưởng Tết Nguyên đán 2017 có thể tăng hơn so với năm trước, tuy nhiên sẽ khó có đột phá.

Người lao động “ngóng” thưởng Tết

Bộ LĐ-TB&XH vừa có công văn đôn đốc các tỉnh, thành phố về việc báo cáo tình hình tiền lương năm 2016 và kế hoạch thưởng Tết cho người lao động tại các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn và gửi báo cáo về Bộ trước ngày 31-12. Mặc dù, thời điểm hiện tại, các thông tin cụ thể về mức tiền thưởng vẫn chưa được công bố nhưng câu chuyện liên quan tới thưởng Tết vẫn thu hút sự quan tâm của người lao động và DN mỗi dịp giáp Tết.

Trên thực tế, tiền thưởng Tết có ý nghĩa rất quan trọng đối với công nhân và người lao động. Cả năm làm việc, họ mong ngóng đồng lương thưởng vào dịp cuối năm để thêm chút tiền trang trải cuộc sống. Tại nhiều khu công nghiệp trên địa bàn thành phố, khi được hỏi, nhiều công nhân cho biết vẫn đang… “trông ngóng” vào thưởng Tết.

Đối với người lao động xa quê, Tết là dịp để thăm hỏi người thân, mua sắm cho gia đình. Nhu cầu chi tiêu ngày Tết cũng cao hơn ngày thường khá nhiều nên đa số người lao động đều mong ngóng mức thưởng Tết cao để bù đắp các chi phí tăng thêm đó. Mặc dù, kết quả sản xuất kinh doanh của năm 2016 có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên khó có thể dự đoán được mức thưởng cụ thể. Các DN trên địa bàn TP cũng đang lên kế hoạch chi trả tiền thưởng Tết cho người lao động.

Chưa tới 30 tuổi, chị Chị Phạm Thị Dung (quê Bắc Giang), đã có 3 con, chồng là lao động tự do thu nhập bấp bênh, chưa kể tiền thuê nhà của hai vợ chồng là 900.000 đồng mỗi tháng và nhiều loại chi phí sinh hoạt khác nên đời sống rất khó khăn. Lương tháng tằn tiện chỉ đủ sinh hoạt và gần như không tiết kiệm được đồng nào. Mức thưởng Tết 3-4 triệu đồng/tháng tuy không nhỏ, song với những trường hợp như chị Dung, nhẩm tính sơ sơ tiền tàu xe, về quê, mua sắm quần áo mới cho gia đình, quà cáp gia đình 2 bên nội ngoại… cũng đã gần hết.

Cùng công ty với chị Dung, Phạm Minh Tú (25 tuổi, quê Hà Giang) tuy chưa bận chuyện vợ con song chàng thanh niên này lại là trụ cột cho cả gia đình 4 người. Bố mất sớm, mẹ ở quê làm ruộng, em trai đang học đại học còn em gái út học cấp 3, với mức lương khoảng 4,2 triệu đồng/tháng, Tú phải chi tiêu rất tiết kiệm để gửi tiền về nhà hỗ trợ gia đình.

“Tháng nào em cũng phải cố gắng làm thêm thật nhiều tiền, để ngoài chi tiêu cho bản thân còn gửi về được cho mẹ khoảng 3 triệu đồng, chi cho em trai và em gái học hành. Tết này, nếu được công ty thưởng 1 tháng lương, cố gắng tiết kiệm từ bây giờ thì cơ bản cũng đủ để chăm lo cho gia đình em được một cái Tết đầy đủ hơn” - Tú ngậm ngùi chia sẻ.

Luận bàn về vấn đề này, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân nhận định, tình hình kinh tế trong năm 2016 không có nhiều biến động, do đó các DN căn cứ vào hiệu quả sản xuất kinh doanh để đưa ra mức thưởng cho người lao động. Các DN có tốc độ sản xuất kinh doanh ổn định, mức thưởng có thể tăng so với năm trước. Mức thưởng trung bình của DN dành cho người lao động phổ biến vẫn là trên dưới 1 tháng lương. Mặc dù vậy, chắc chắc vẫn có một số DN nhỏ gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, không cân đối được nên chưa chắc đã có thưởng Tết cho người lao động.

Người lao động không mong chờ được thưởng Tết cao.

Tiền thưởng có thể chênh lệch như mọi năm

Theo các chuyên gia đánh giá, thưởng Tết thực chất là thưởng cuối năm theo hiệu quả sản xuất kinh doanh, do đó khoản tiền thưởng này là không bắt buộc. Việc thưởng Tết của mỗi DN phụ thuộc vào quy chế tài chính và hợp đồng lao động của DN ký kết với người lao động. Chủ sử dụng lao động có thể lựa chọn hình thức chi trả thưởng bằng tiền mặt, hoặc bằng hiện vật.

Theo thống kê chưa đầy đủ về kế hoạch thưởng Tết cho người lao động trong các DN trên địa bàn thành phố của Sở LĐTB&XH, bình quân mức thưởng Tết tại các doanh nghiệp do nhà nước sở hữu 100% vốn là 2-3 triệu đồng; doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của nhà nước 3-3,5 triệu đồng; doanh nghiệp tư nhân 1,5 triệu đồng và doanh nghiệp FDI xấp xỉ 3 triệu đồng.

Đại diện Sở LĐTB&XH phân tích: Trong năm 2016, chỉ số GDP tăng, giá trị sản xuất công nghiệp, tiền lương và thu nhập cơ bản ổn định, dự đoán xu hướng DN sẽ thưởng Tết với mức nhích hơn so với Tết 2016. Thông thường, các khối ngân hàng, dịch vụ, tài chính thường có mức thưởng cao hơn. Khối sản xuất duy trì mức thưởng như năm ngoái, khoảng 1-2 tháng lương.

Theo đánh giá của ông Đặng Quang Điều, Trưởng ban Kinh tế chính sách và Thi đua khen thưởng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tiền thưởng là khoản tiền mà các DN sản xuất thưởng cho người lao động dựa trên kết quả sản xuất kinh doanh hàng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.

Việc thưởng Tết nhiều hay ít phụ thuộc rất lớn vào quá trình sản xuất, kinh doanh cả năm. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam luôn vận động, khuyến nghị các cơ quan, DN nên thưởng Tết cho người lao động nhưng không khuyến khích việc đòi hỏi, “ép” người sử dụng lao động phải thưởng Tết trong mọi trường hợp. Theo ông Đặng Quang Điều, nếu cơ quan, DN làm ăn tốt, lợi nhuận cao thì thưởng Tết là hết sức cần thiết.

Mặc dù kinh tế phục hồi nhưng nhiều DN vẫn gặp khó khăn, do đó theo nhận định của các chuyên gia năm nay, vẫn có lao động không được thưởng tết, nhất là DN tư nhân khối da giày, đóng tàu, hoặc những khối ngành nghề thủ công đơn lẻ. Cùng với đó, đối với những DN sử dụng nhiều lao động sẽ khó có mức thưởng cao. Ngoài ra, mức tiền thưởng cũng có sự chênh lệch khá lớn giữa mức cao nhất so với mức thấp nhất trong các loại hình doanh nghiệp…

Như chị Nguyễn Thị Hằng, công nhân một công ty may mặc cho biết, năm ngoái, do mới vào làm nên chị được thưởng túi quà Tết chỉ trị giá mấy trăm ngàn đồng. Những người làm việc lâu năm tùy thâm niên, thành tích trong công việc được thưởng mức cao hơn. Theo chị Hằng, mặc dù còn nhiều khó khăn song với sự quan tâm của công ty, quà dù nhỏ, người lao động như tôi cũng cảm thấy ấm áp.

Công bằng mà nói, Tết là dịp để gia đình sum vầy hạnh phúc song với những người nghèo, để có được một cái Tết ấm cúng, đầy đủ không hề đơn giản. Đến thời điểm này, Liên đoàn Lao động TP cùng hệ thống công đoàn, chính quyền các cấp đã huy động được nguồn lực để tặng quà Tết cho khoảng 10.000 công nhân nghèo trên địa bàn với mỗi người 1 suất quà trị giá 500.000 đồng. Cùng với đó, thành phố sẽ tổ chức hàng trăm chuyến xe miễn phí để đưa khoảng 3.500 công nhân nghèo ở các tỉnh xa Hà Nội về quê đón Tết.

Ngoài các chính sách hỗ trợ về vật chất nói trên, công đoàn các cấp của Hà Nội cũng sẽ tổ chức chương trình Tết sum vầy, tổ chức thăm, tặng quà công nhân ở lại đón Tết tại các khu công nghiệp trên địa bàn. Dù còn nhiều khó khăn song chăm lo đời sống cho công nhân nghèo, kể cả về vật chất và tinh thần là nhiệm vụ luôn được thành phố hết sức quan tâm.

Thiết nghĩ, thưởng Tết là sự đánh giá của DN đối với công sức cả năm của người lao động. Do đó, dịp cuối năm DN nên nhìn nhận lại những đóng góp của người lao động trong suốt cả năm thông qua hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Nếu DN hoạt động có hiệu quả, việc san sẻ lợi nhuận với người lao động một cách công khai là điều cần thiết và nên làm.

Thưởng Tết ở Việt Nam có đặc thù và nó gần như là một nét văn hóa và cũng có những yếu tố tích cực nhất định. Việc thưởng Tết để người lao động về quê sum họp cùng gia đình cũng là doanh nghiệp thể hiện sự quan tâm đến đời sống của công nhân lao động. Vì ngoài mục đích khuyến khích, thưởng Tết còn để “giữ chân” người lao động, khiến họ gắn bó với cơ quan, DN.

Nguyễn Khuê

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/doi-song/tiep-chuyen-thuong-tet-va-no-luc-that-lung-buoc-bung-100109/