Tiếp cận pháp luật tại xã, phường, thị trấn: Đề cao cơ chế tự đánh giá

Thay vì lập hội đồng để đánh giá thì nay theo Dự thảo Tiêu chí tiếp cận pháp luật tại xã, phường, thị trấn sẽ trao quyền tự đánh giá cho cấp xã. Bên cạnh đó sẽ giao UBND cấp huyện công nhận cấp xã tiếp cận pháp luật thay vì UBND cấp tỉnh như trước đây.

Nhiều điểm mới

Sau 3 năm triển khai làm thử đánh giá, công nhận địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại một số địa phương theo Quyết định 09/2013 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đang hoàn thiện Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng xã, phường, thị trấn tiếp cận pháp luật. Theo Ban soạn thảo, đánh giá việc tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở là một việc làm hết sức công phu đòi hỏi điều kiện cơ sở vật chất, con người và nhất là ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Tính hai chiều của việc tiếp cận pháp luật tại cơ sở thể hiện không chỉ là điều kiện bảo đảm để người dân được quyền tiếp cận pháp luật mà còn ở khía cạnh với điều kiện đó người dân có được tiếp cận pháp luật hay không?

Đây cũng chính là quá trình đánh giá đời sống pháp lý của từng văn bản quy phạm pháp luật. Chính vì thế, nếu tổ chức đánh giá ở 3 cấp (xã, huyện, tỉnh) thì rất khó cho chính cơ quan đánh giá, chính quyền địa phương. Điều này thấy rõ trong 2 năm triển khai làm thử. Vì vậy, Dự thảo này chỉ dừng lại ở việc đánh giá ở cấp xã.

Theo đó, Dự thảo quy định 5 tiêu chí đánh giá, gồm 25 chỉ tiêu với tổng số 100 điểm và quy định số điểm của từng tiêu chí. Bao gồm, Tiêu chí 1: Bảo đảm thi hành Hiến pháp, pháp luật; Tiêu chí 2: Thực hiện thủ tục hành chính đúng quy định; Tiêu chí 3: Phổ biến, giáo dục pháp luật; Tiêu chí 4: Hòa giải ở cơ sở; Tiêu chí 5: Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Để được công nhận xã (phường, thị trấn) – sau đây xin gọi cấp xã - đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, thì xã phải thỏa mãn 3 điều kiện: Không có tiêu chí nào dưới 50% số điểm tối đa và tổng số điểm của các tiêu chí tiếp cận pháp luật phải đạt theo 3 mức tương ứng với từng loại đơn vị cấp xã; đối với tiêu chí đánh giá sự hài lòng của người dân thì phải đạt từ 80% tổng số điểm tối đa trở lên; không có cán bộ, công chức cấp xã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách trở lên do vi phạm trong thực thi công vụ, hoặc phải bồi thường thiệt hại do hành vi công vụ trái pháp luật gây ra.

Đáng chú ý, nhằm khắc phục những hạn chế trong đánh giá, Dự thảo đề cao vai trò tự đánh giá và trách nhiệm của chính quyền cấp xã, cũng như cơ chế kiểm tra của cơ quan cấp trên trực tiếp.

Vẫn còn băn khoăn

Góp ý tại phiên thẩm định Dự thảo Quyết định, đại diện Cục Kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp đã rất băn khoăn cho rằng, Dự thảo chưa làm rõ chủ thể tiếp cận pháp luật là ai, chính quyền địa phương hay là người dân? Đại diện Bộ Tài chính cũng cho rằng, vì lỗi của một cán bộ công chức mà tập thể phải liên đới trách nhiệm thì có thuyết phục được không trong khi hầu như ở cấp xã thì mỗi lĩnh vực chỉ có một cán bộ công chức.

Đặc biệt liên quan tới cơ chế tự đánh giá, đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính băn khoăn, cán bộ công chức tự đánh giá thì có bảo đảm tính công bằng? Bởi có một thực tế tồn tại trong nhiều năm qua, là khi tự đánh giá thì các chỉ số rất cao nhưng khi điều tra xã hội học – tức là có sự đánh giá độc lập, khách quan thì các chỉ số lại thấp.

Trước ý kiến trên, đại diện Ban soạn thảo cũng cho biết, hiện nay cả nước hơn 11.000 đơn vị hành chính cấp xã, nếu tất cả đều sử dụng điều tra xã hội học thì không đủ các nguồn lực. Chính vì thế, Ban soạn thảo cân nhắc chọn cơ chế tự đánh giá của cơ quan đang làm và sự kiểm tra của cơ quan cấp trên, cũng như sự tham gia giám sát của các tổ chức đại diện.

Lê Khanh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giam-sat-phap-luat/tiep-can-phap-luat-tai-xa-phuong-thi-tran-de-cao-co-che-tu-danh-gia/130940