Tiếp bài 'vỉa hè thành nơi... họp chợ' tại huyện Mê Linh: Lộ thêm nhiều sai phạm

Kinh tế & Đô thị ngày 2/6 có bài: 'Vỉa hè thành nơi… họp chợ', phản ánh việc hàng trăm tiểu thương chợ Yên, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh chiếm dụng vỉa hè, lòng đường ven QL23B làm lều lán, căng bạt, kéo dây điện buôn bán gây bức xúc cho người dân địa phương…

Vỉa hè thành nơi... họp chợ

Tự ý thu phí

Những ngày đầu tháng 8, phóng viên trở lại Mê Linh để tìm hiểu vì sao trong nhiều năm qua, chính quyền địa phương bất lực, không xử lý được việc hàng trăm tiểu thương biến vỉa hè, lòng đường khu vực ven QL23B và gần chợ Yên thành nơi họp chợ. Sau khi làm việc với lãnh đạo UBND xã và các phòng chuyên môn của huyện được biết, tháng 1/1998, UBND xã Tiền Phong ký hợp đồng có thời hạn 5 năm, giao cho cá nhân ông Đỗ Đình Chiến (nay là Giám đốc Công ty CP Thương mại Chiến Tiến) quản lý, nâng cấp, xây dựng chợ Yên. Tại thời điểm này, UBND xã góp 6.306m2 đất, còn ông Chiến bỏ vốn đầu tư xây dựng ki ốt cho tiểu thương thuê.

Hàng trăm tiểu thương chiếm dụng vỉa hè, lòng đường ven chợ Yên.

Hàng trăm tiểu thương chiếm dụng vỉa hè, lòng đường ven chợ Yên.

Hợp đồng kinh tế cũng nêu rõ, hàng tháng, ông Chiến có trách nhiệm nộp vào ngân sách xã 6 triệu đồng. Tuy nhiên, sau đó, ông Chiến chỉ nộp tiền vào ngân sách xã từ năm 1998 - 2004, còn từ năm 2005 đến nay không thực hiện. Mặc dù, UBND xã đã nhiều lần yêu cầu ông Chiến có trách nhiệm nộp tiền vào ngân sách xã như đã thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng ông Chiến vẫn không hợp tác. Do vậy, năm 2005, UBND xã đã khởi kiện ông Chiến ra Tòa án. Quá trình thụ lý và giải quyết, TAND tỉnh Vĩnh Phúc đã hòa giải thành công vụ việc với sự thỏa thuận ông Chiến phải nộp vào ngân sách xã Tiền Phong 6 triệu đồng/tháng, tính từ tháng 2/2005, còn UBND xã phải tiếp tục ra hạn hợp đồng cho ông Chiến. Tuy nhiên, từ đó đến nay, ông Chiến vẫn không nộp tiền theo thỏa thuận. Ngược lại còn tự ý thu tiền, rồi bố trí cho hàng trăm tiểu thương dựng lều lán bằng khung sắt, mái tôn, kéo dây điện, căng bạt chiếm dụng vỉa hè, lòng đường ven chợ và đường QL23B để buôn bán, gây ảnh hưởng cho người đi đường, ô nhiễm môi trường, nguy cơ cháy nổ và mất mỹ quan đô thị.

Kiên quyết xử lý dứt điểm

Liên quan đến nội dung này, Chủ tịch UBND xã Tiền Phong Trần Văn Trung cho biết, đầu năm 2017, UBND xã đã nhiều lần ra quân xử lý, thu giữ biển hiệu, bàn ghế của các trường hợp vi phạm, thậm chí cắt điện của các tiểu thương. Cùng thời gian này, UBND xã phát hiện Ban quản lý chợ Yên đã thu tiền của hàng trăm tiểu thương bán hàng ở vỉa hè, lòng đường bên ngoài chợ, gây khó khăn cho việc xử lý.

Ông Trung khẳng định, ngày 25/3/2017, UBND xã đã có Văn bản số 38/BC-UBND báo cáo sự việc và đề nghị UBND huyện giải quyết những vướng mắc trong việc đầu tư quản lý, nâng cấp, xây dựng chợ Yên. Những bất cập này không chỉ cán bộ địa phương bức xúc mà người dân cũng rất bất bình. Hiện nay, UBND xã đang chờ kết luận thanh tra, kiểm tra của UBND huyện. Khi nào có kết luận, UBND xã sẽ thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo, dù phải áp dụng biện pháp cưỡng chế.

Trao đổi với phóng viên về vụ việc, Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Nguyễn Thị Ngọc Hà cho biết, ngày 9/5/2017, UBND huyện đã ban hành Quyết định số 1408/QĐ-UBND thành lập đoàn kiểm tra hoạt động, kinh doanh, khai thác chợ Yên, thành phần gồm: Phòng Kinh tế, Phòng Quản lý đô thị, Phòng Cảnh sát PC&CC số 6, UBND xã Tiền Phong… Do quá trình thanh tra, kiểm tra có nhiều nội dung, nên đến nay đoàn kiểm tra vẫn đang hoàn tất hồ sơ để ban hành kết luận, nên chưa thể cung cấp thông tin gì về hoạt động của chợ Yên cho phóng viên được. Quan điểm của UBND huyện là nếu phát hiện sai phạm đến đâu sẽ xử lý dứt điểm đến đó, không thể để hoạt động của chợ Yên phức tạp thêm nữa.

Bài, ảnh: Nguyễn Trường

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tiep-bai-via-he-thanh-noi-hop-cho-tai-huyen-me-linh-lo-them-nhieu-sai-pham-294809.html