Tiếp bài 'Hưng Yên: Dự án đê nghìn tỉ chưa bàn giao đã nứt': Do nền đất yếu?

Trong số báo 31 (ra ngày 14/3), Báo Gia đình & Xã hội có bài viết 'Hưng Yên: Dự án đê nghìn tỉ chưa bàn giao đã nứt' đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Đoạn đê nứt, lún chạy qua địa phận thị trấn Văn Giang, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: PV

Đoạn đê nứt, lún chạy qua địa phận thị trấn Văn Giang, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: PV

Nguyên nhân dẫn tới sự cố này được Hội đồng Khoa học của Bộ NN&PTNT kết luận là do nền đất yếu; đặc điểm địa chất thân đê và địa hình khu vực xảy ra nứt, lún có nhiều yếu tố bất lợi, mật độ, tải trọng xe lưu thông trên đê lớn. Tuy nhiên dư luận đặt băn khoăn, bên cạnh những nguyên nhân khách quan thì còn có nguyên nhân chủ quan nào khác hay không? Bởi lẽ, theo Quyết định số 2543/QĐ-UBND ngày 14/11/2016 do ông Đặng Ngọc Quỳnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên ký nêu rõ, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng gần 100 tỉ đồng. Câu hỏi được nhiều người đặt ra là tại sao với mức chi phí tư vấn đầu tư xây dựng lớn như vậy, mà trong quá trình lập dự án, các cơ quan liên quan không đề xuất giải pháp đặc biệt để thi công đoạn đê có tiền sử hay vỡ này?

Để làm rõ hơn những băn khoăn của dư luận xung quanh sự cố nứt, lún tại tuyến đê nghìn tỉ, PV Báo Gia đình & Xã hội đã có buổi làm việc với ông Hồ Trọng Khải - Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh Hưng Yên (đơn vị chủ đầu tư). Trước luồng ý kiến cho rằng, việc xảy ra hiện tượng nứt, lún đoạn đê (chạy qua địa phận thị trấn Văn Giang) là do tư vấn xây dựng và thi công dự án có vấn đề, ông Khải cho rằng, việc khảo sát, tư vấn thiết kế và thi công đều đảm bảo theo đúng quy định của nhà nước. Về nền đất yếu, thì toàn tuyến đê tả sông Hồng đoạn qua tỉnh Hưng Yên đều yếu chứ không riêng gì đoạn Văn Giang. Tuyến đê này có lịch sử tồn tại hơn 200 năm, thời điểm mới bắt đầu xây dựng, đê được đắp bằng đất.

Trước câu hỏi: “Cả tuyến đê đều có nền đất yếu, thì tại sao chỉ có đoạn chạy qua địa phận thị trấn Văn Giang bị “nứt toác” và sụt lún nghiêm trọng, còn các đoạn khác không bị gì?”, ông Khải lý giải, có thể do các đoạn khác, kết cấu đất nền có sự gắn kết chắc hơn đoạn xảy ra sự cố. Cũng theo ông Khải, trước đó đã có rất nhiều chuyên gia về đoạn đê này để khảo sát. Lần nào các chuyên gia cũng cho biết đã xử lý dứt điểm, nhưng thực tế vẫn không đâu vào đâu.

Nhằm làm rõ trách nhiệm của các đơn vị và cá nhân liên quan khi để xảy ra sự cố đê, PV Báo Gia đình & Xã hội đã tới trụ sở UBND tỉnh Hưng Yên để liên hệ công tác. Tại đây, mặc dù PV đã xuất trình đầy đủ giấy tờ và mục đích tới đặt lịch làm việc với văn phòng ủy ban, nhưng được bảo vệ yêu cầu phải có lịch hẹn từ trước. Sau đó, PV tiếp tục liên hệ qua điện thoại với ông Nguyễn Ngọc Thuyên - Chánh văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên. Ông Thuyên cho biết, đã nắm được nội dung PV phản ánh và sẽ báo cáo lãnh đạo tỉnh để sắp xếp lịch làm việc. Tuy nhiên, gần nửa tháng trôi qua, PV vẫn không nhận được bất cứ phản hồi nào từ UBND tỉnh Hưng Yên.

Báo Gia đình & Xã hội sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc xung quanh vụ việc này.

PV

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/tiep-bai-hung-yen-du-an-de-nghin-ti-chua-ban-giao-da-nut-do-nen-dat-yeu-20170330094105666.htm