Tiếp bài Huế: Nước thải màu đen từ hồ tôm chân trắng xả ra biển?

THCL - Làm việc với PV chiều 16/8, Đại tá Nguyễn Hồng Sơn, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, khu đất mà báo phản ánh - được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh giao lại cho Huyện đội Phú Lộc quản lý và đối với 2 hồ tôm của 2 hộ dân thuê, hiện nằm trên vành đai phần đất này.

THCL - Làm việc với PV chiều 16/8, Đại tá Nguyễn Hồng Sơn, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, khu đất mà báo phản ánh - được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh giao lại cho Huyện đội Phú Lộc quản lý và đối với 2 hồ tôm của 2 hộ dân thuê, hiện nằm trên vành đai phần đất này.

Nước thải từ hồ nuôi tôm có màu đen

Trả lời câu hỏi "vì sao phần đất thuộc Huyện đội Phú Lộc quản lý lại đem cho thuê?", Đại tá Sơn giải thích rằng, để cải thiện đời sống cho anh em tại huyện đội Phú Lộc nên phần đất gần 3,7 ha đã được cho tư nhân thuê.

Khi được hỏi quy trình cho 2 hộ dân như thế nào, người đứng đầu Tỉnh đội Thừa Thiên Huế cho biết, phía Huyện đội Phú Lộc đã có tờ trình xin chủ trương cho tư nhân thuê đất.

Khi chúng tôi đặt vấn đề chủ trương đã có văn bản đồng ý hay chưa, Đại tá Sơn cho biết đã có văn bản đồng ý cho tư nhân thuê đất.

Nhưng khi được đề nghị tiếp xúc với văn bản nói trên thì ông Sơn cho biết hiện Huyện đội Phú Lộc đang giữ.

“Giao đất cho cá nhân quản lý, sẽ hiệu quả hơn. Với việc nuôi tôm gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến nguồn nước, chúng tôi sẽ yêu cầu đơn vị thuê đất bắt buộc phải khắc phục, nếu không sẽ thu hồi lại’, Đại tá Sơn nói.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Xuân Bảo, Phó chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh cho biết đã nắm được thông tin phản ánh mà báo chí nêu đối với 2 hộ dân nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn xã.

Theo ông Bảo, diện tích đất thả nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức công nghiệp trên địa bàn xã này, do Ban Chỉ huy Quân sự huyện Phú Lộc quản lý, việc bàn giao và cho thuê đất đối với 2 hộ nuôi tôm, xã không hay biết.

"Cách đây hơn 3 tháng, khi phát hiện việc đào hồ để thả nuôi tôm, xã đã xuống kiểm tra, nhưng không thể xử lý được vì phần đất đó không do xã quản lý. Khi họ (người thuê) đào hồ thả tôm, chúng tôi có xuống, nhưng không lập biên bản được vì họ bảo phần đất đó không do xã quản lý. Trước đó, chúng tôi cũng không nhận được thông báo nào từ Huyện đội và chủ đất...”, Phó chủ tịch UBND xã cho biết.

Hiện đang có 18 hồ tôm được nuôi thuộc Huyện đội Phú Lộc quản lý

Theo ông Bảo, trên địa bàn xã, chưa có quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản. Để nuôi được tôm chân trắng trên cát, cần phải tuân thủ các quy định về cơ sở hạ tầng, hồ chứa nước thải, thẩm định của Chi cục Nuôi trồng thủy sản. Hiện 2 hồ nuôi tôm vẫn chưa đảm bảo đầy đủ các quy định, xây dựng ao hồ ngoài diện tích nuôi trồng thủy sản...

Làm việc với PV, ông Nguyễn Văn Thông, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Lộc cho biết, việc xuất hiện 2 hồ nuôi tôm thẻ chân trắng tại xã Lộc Vĩnh, phía Phòng NN&PTNT không hề hay biết, vì Ban Chỉ huy Quân sự không hề thông tin việc này. Hai hồ nuôi tôm, xả thải ra môi trường là sai quy trình; tại xã Lộc Vĩnh, cũng không hề quy hoạch để nuôi loại thủy sản này.

Theo ông Thông, để nuôi tôm thẻ chân trắng, phải đảm bảo nhiều yếu tố như có ao lắng, ao xử lý nước thải ra môi trường, khu tập kết bùn thải... Trong thời gian tới, cơ quan này sẽ kết hợp với các ban, ngành tại huyện Phú Lộc, tiến hành kiểm tra tại 2 hồ nuôi tôm nói trên.

Đình Duy - Bình Minh

Nguồn TH&CL: http://thuonghieucongluan.com.vn/tiep-bai-hue-nuo-c-tha-i-ma-u-den-tu-ho-tom-chan-tra-ng-xa-ra-bie-n-a40963.html