Dự án Ethanol nghìn tỷ 'đắp chiếu' nhiều năm: Phát lộ thêm nhiều sai phạm tại các dự án NLSH

Cùng với dự án Ethanol ở Phú Thọ, Thanh tra Chính phủ đã chỉ thêm nhiều sai phạm tại các dự án NLSH Dung Quất và Bình Phước do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư…

>> Làm rõ nguyên nhân khiến dự án “trùm mền”!

>> Dự án Ethanol nghìn tỷ “đắp chiếu” nhiều năm!

Thực hiện mục tiêu phát triển nhiên liệu sinh học để thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch truyền thống, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường theo Đề án của Thủ tướng Chính phủ, từ tháng 10/2007 đến tháng 3/2009, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã quyết định chủ trương đầu tư 3 dự án NLSH với công suất mỗi nhà máy 100.000m3 Ethanol/năm, thể hiện sự quyết tâm trong việc đưa NLSH vào sử dụng.

Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, các chủ đầu tư, nhà thầu và các đơn vị liên quan đã để xảy ra nhiều khuyết điểm, vi phạm.

Ngoài dự án Ethanol Phú Thọ như báo Điện tử Congluan.vn đã thông tin, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ những sai phạm tại các dự án NLSH Dung Quất, Bình Phước.

Cụ thể, Dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất Bio – Ethanol Dung Quất có tổng mức đầu tư ban đầu là 1.493,019 tỷ đồng, do Công ty CP Nhiên liệu sinh học dầu khí miền Trung (PCB) làm chủ đầu tư. Cổ đông góp vốn đến thời điểm tháng 10/2014 gồm có: Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) 599,02 tỷ đồng chiếm 61%; Tổng công ty Dầu VN (PVOil) 380,525 tỷ đồng chiếm 38,75%; Tổng Cty CP Dịch vụ tổng hợp Dầu khí (Petrosetco) 2,455 tỷ đồng chiếm 0,25%.

Các dự án NLSH của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang thua lỗ hàng trăm tỷ đồng

Trong khi chưa thành lập PCB, Tập đoàn PVN đã giao Petrosetco chủ trì xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi, tìm địa điểm xây dựng nhà máy. Song, khi lựa chọn địa điểm xây dựng, Petrosetco không khảo sát công tác đền bù GPMB, do đó khi triển khai thực hiện đầu tư đã vướng mắc và phải chuyển địa điểm khác, gây lãng phí 1,125 tỷ đồng.

Đối với việc chỉ định thầu thực hiện gói thầu EPC, tháng 3/2009, PVN đã có biên bản kết luận đồng ý chỉ định nhà thầu Tổng công ty CP Dịch vụ kỹ thuật và Xây lắp Dầu khí (PTSC) liên danh cùng đối tác nước ngoài có năng lực, kinh nghiệm để thực hiện gói thầu. Tuy nhiên, theo kết luận của TTCP, PTSC là nhà thầu chưa có kinh nghiệm với vai trò đứng đầu liên danh thực hiện dự án, trong đó PTSC chịu trách nhiệm thực hiện các công việc quan trọng của dự án như thiết kế xây dựng, thiết kế chi tiết, mua sắm phân xưởng phụ trợ và các hệ thống của nhà máy…Việc chỉ định thầu như trên là không thực hiện đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và vi phạm quy định của Luật Đấu thầu.

Từ đó đã dẫn đến thi công hạng mục xử lý nước thải không đáp ứng công suất của nhà máy; dự án chậm tiến độ 24 tháng, làm tăng chi phí cho Chủ đầu tư 345 tỷ đồng, PTSC cũng bị thua lỗ.

Chính vì vậy, khi đàm phán và ký hợp đồng EPC (hợp đồng trọn gói), liên danh và nhà thầu trước đó đã chào giá 62,994 triệu USD, PVN có văn bản thông báo kết luận của PVN về giá hợp đồng không quá 60 triệu USD và cuối cùng thống nhất giá hợp đồng trọn gói là 59,177 triệu USD.

Nhiều sai phạm trong quá trình đầu tư dự án Ethanol được Thanh tra Chính phủ chỉ rõ

Quá trình thanh, kiểm tra phát hiện, khi nhận thầu và ký hợp đồng EPC về thiết kế, mua sắm, xây dựng nhà máy theo hình thức hợp đồng trọn gói, Tổng thầu PTSC chưa lập được thiết kế kỹ thuật tổng thể các hạng mục công trình của dự án. Do đó, trong quá trình thực hiện dự án, nhà thầu PTSC đã đề nghị điều chỉnh hợp đồng EPC thành 71,943 triệu USD sau đó đề nghị là 69,152 triệu USD và cuối cùng chốt giá 67 triệu USD, tức 1.886,988 tỷ đồng. Nhưng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, tổng số tiền có đến thời điểm 10/11/2014 là 2.225,87 tỷ đồng; số tiền đã sử dụng là 2.124,025 tỷ đồng, vượt tổng mức đầu tư được duyệt 237,037 tỷ đồng, vi phạm quy định của Chính phủ về Quản lí chi phí trong hoạt động xây dựng.

Điều đặc biệt, là khi nhà máy hoàn thành và đi vào hoạt động, các chỉ tiêu kinh tế đều không đạt theo báo cáo đầu tư dự án. Cụ thể, vốn đầu tư đã sử dụng tăng 631 tỷ so với phê duyệt, làm tăng chi phí khấu hao tài sản cố định và chi phí vốn vay, dẫn đến tăng giá thành sản phẩm… Theo báo cáo của Công ty CP Nhiên liệu sinh học Dầu khí miền Trung, năm 2014 Nhà máy NLSH Dung Quất lỗ khoảng 164 tỷ đồng.

Tương tự, đối với dự án NLSH Bình Phước, sau khi PVN đã ban hành Nghị quyết thống nhất chủ trương hợp tác giữa PV Oil và Tập đoàn của Nhật Bản để đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất Bio – Ethanol nhiên liệu sinh học Bình Phước, 2 đơn vị này đã thành lập Công ty TNHH Nhiên liệu sinh học Phương Đông với vốn điều lệ 560 tỷ đồng để thực hiện dự án tổng mức đầu tư 1.492,653 tỷ đồng (tương đương 80,684 triệu USD), sau đó điều chỉnh lên 84,533 triệu USD.

Theo báo cáo của Công ty TNHH Phương Đông, tính đến tháng 3/2013, nhà máy chỉ hoạt động 05 đợt, sản xuất được 16,286 triệu lít Ethanol. Do giá thành sản phẩm cao, sức tiêu thụ hạn chế, do đó từ tháng 4/2013 đến thời điểm thanh tra, nhà máy hầu như không vận hành thương mại. Dự tính mỗi năm lỗ khoảng 200 tỷ đồng; năm 2013 – 2014 lỗ khoảng 400 tỷ đồng.

Những “điểm chết” dẫn đến việc đầu tư thua lỗ tại các dự án NLSH của PVN là gì, báo Điện tử Congluan.vn sẽ tiếp tục thông tin ở kì sau./.

Thành Vinh

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/phat-lo-them-nhieu-sai-pham-tai-cac-du-an-nlsh/