Tiếp bài;Dự án Ethanol nghìn tỷ 'đắp chiếu' nhiều năm: Làm rõ nguyên nhân khiến dự án 'trùm mền'!

Việc dừng thi công dự án Ethanol đã gây hậu quả nghiêm trọng khi toàn bộ máy móc, thiết bị lắp đặt bị han gỉ, vốn đầu tư chưa được phát huy… Đến nay, dự án đang trong tình trạng bế tắc, tiềm ẩn nguy cơ khó tiếp tục thực hiện.

>> Dự án Ethanol nghìn tỷ “đắp chiếu” nhiều năm!

Như báo Điện tử Congluan.vn đã thông tin, ngày 20/11/2007, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025”.

Để đón đầu và tham gia vào đề án này, nhiều nhà máy Ethanol đã được khởi công xây dựng trên các miền của đất nước, trong đó có dự án Ethanol nguyên liệu sinh học Tam Nông.

Dự án được UBND tỉnh Phú Thọ cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 12-8-2008 với tổng mức đầu tư gần 1.400 tỷ đồng và do Công ty Cổ phần hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí đầu tư trên diện tích gần 50 ha đất nông nghiệp của các xã Cổ Tiết, Tam Cường, Văn Lương, huyện Tam Nông.

Tuy nhiên, sau khi lấy hàng chục héc ta đất nông nghiệp của người dân, dự án Cụm nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Ethanol tại cụm công nghiệp Cổ Tiết đã không đi vào hoạt động như kỳ vọng mà “án binh bất động” nhiều năm qua…

Dự án nghìn tỷ đắp chiếu, cỏ mọc um tùm

Một trong những nguyên nhân chính khiến dự án “trùm mền” từ năm 2011, gây thiệt hại lớn cho chủ đầu tư, theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ bởi việc chỉ định thầu cho Liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T thực hiện gói thầu EPC, trong đó PVC thực hiện các công việc chính của dự án, khi hạn chế năng lực và chưa có kinh nghiệm là vi phạm quy định tại Khoản 2, Điều 20 Luật Đấu thầu năm 2005 “Khi thực hiện chỉ định thầu, phải lựa chọn một nhà thầu được xác định là có đủ năng lực và kinh nghiệm đáp ứng các yêu cầu của gói thầu…”

Cụ thể, ngày 1/4/2009, Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) gửi Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) văn bản về việc triển khai dự án xây dựng nhà máy NLSH Phú Thọ, trong đó nêu lại việc PVN đã có chỉ đạo chỉ định cho Tổng công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm dầu khí (PVC) thực hiện gói thầu EPC và đề nghị PV Oil chỉ đạo Người đại diện phần vốn của mình tại Công ty cổ phần bọc ống dầu khí Việt Nam (PVB) khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để phê duyệt dự toán gói thầu và tiến hành các thủ tục chỉ định thầu theo quy định.

Ngày 24/3/2009, TGĐ, Phó TGĐ PV Oil đã có văn bản yêu cầu Người đại diện phần vốn của mình tại PVB thực hiện chỉ định thầu theo chỉ đạo của PVN. Qua đó, HĐQT PVB đã ban hành quyết định phê duyệt kết quả chỉ định thầu, Liên danh PVC/ Alfa Laval/Delta-T được chỉ định gói thầu Thiết kế, mua sắm, cung ứng vật tư thiết bị, thi công xây dựng công trình nhà máy sản xuất Ethanol NLSH Phú Thọ.

Điều tréo ngoe là đến thời điểm được chỉ định thầu và ký hợp đồng EPC dự án NLSH Phú Thọ, nhà thầu PVC chưa thực hiện hợp đồng EPC dự án NLSH hoặc các dự án có tính chất tương tự(!)

Cũng từ đây, đã bộc lộ nhiều sai phạm trong quá trình thi công dự án, cho thấy PVC thiếu năng lực cả về kỹ thuật, tài chính và kinh nghiệm dẫn đến dự án phải dừng thi công, vi phạm quy định hợp đồng EPC, khiến toàn bộ máy móc, thiết bị lắp đặt han gỉ; vốn đã đầu tư 1.534 tỷ đồng chưa được phát huy, tăng chi phí lãi vay; việc thi công các gói thầu, dự án thành phần thuộc nhà máy bị ngừng trệ…

Theo báo cáo của Chủ đầu tư, sau khi PVC dừng thi công dự án, chi phí phát sinh tính từ ngày 1/12/2011 đến 31/12/2014 là 392 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm tháng 9/2016 Chủ đầu tư PVB, nhà thầu PVC và PVN vẫn chưa có giải pháp, khiến dự án ngày càng lâm sâu vào tình trạng bế tắc, khó khăn trong việc khắc phục.

Theo nhận định của Thanh tra Chính phủ, để PVC “chìm” cùng dự án là trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư PVB, Người đại diện vốn của PV Oil. Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công thương chủ trì, chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan, xử lí theo quy định pháp luật đối với những vi phạm, khuyết điểm nêu trên; chuyển hồ sơ sang Bộ Công an để điều tra, xử lí.

Cơ quan này cũng yêu cầu chủ đầu tư PVB chịu trách nhiệm xử lí, thu hồi khoản chi phí lập báo cáo đầu tư Phân xưởng thu hồi CO2 đã thanh toán cho nhà thầu tư vấn CECO 391, 789 triệu đồng. Đối với phần thực hiện dự án, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công thương chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Chủ đầu tư khẩn trương xây dựng giải pháp cụ thể.

Thành Vinh

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/lam-ro-nguyen-nhan-khien-du-an-trum-men/