TienPhong Bank và lộ trình “thoát xác”

(baodautu.vn) Chính thức được phê duyệt phương án tái cơ cấu, đón nhận Tổng giám đốc mới, TienPhong Bank từng bước thực hiện lộ trình “thoát xác” với 4 lĩnh vực kinh doanh trọng điểm, gắn với các cổ đông lớn.

Bốn trụ cột tái cơ cấu

Ra đời trong bối cảnh nền kinh tế liên tục rơi vào khủng hoảng, dù được các cổ đông “đại gia” “chống lưng”, song sau 4 năm hoạt động, TienPhong Bank chưa thể tìm được chỗ đứng vững trên thị trường. Trong khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết liệt thực hiện lộ trình tái cơ cấu, việc bắt tay với Tập đoàn Vàng bạc Doji được coi là may mắn của ngân hàng này.

Ngay từ khi rót vốn vào TienPhong Bank và đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Doji cùng em trai là ông Đỗ Anh Tú, Phó chủ tịch HĐQT Doji đã đưa ra phương án tái cơ cấu toàn diện hoạt động của ngân hàng, với sự yểm trợ tài chính hùng hậu của Doji.

Theo phương án tái cơ cấu đã được NHNN phê duyệt, lĩnh vực trọng điểm đầu tiên mà TienPhong Bank nhắm tới chính là kinh doanh vàng bạc. “Bằng lợi thế và kinh nghiệm của mình, Doji sẽ giúp TienPhong Bank phát triển thêm mảng kinh doanh vàng và phát triển khách hàng trong lĩnh vực này”, ông Đỗ Anh Tú khẳng định.

Ngoài ra, ông chủ mới của TienPhong Bank cũng vạch ra 3 trọng điểm khác trong phương án tái cơ cấu, dựa trên lợi thế của các cổ đông chính. Thứ nhất, phục vụ lĩnh vực công nghệ cao và công nghệ thông tin, với tiềm lực của các cổ đông lớn như FPT, VMS, SBI (Softbank). Thứ hai, phục vụ lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, trước mắt là Dự án Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội do Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển N&G (cổ đông của Doji) làm chủ đầu tư. Thứ ba, cung cấp dịch vụ ngân hàng điện tử và ngân hàng ưu tiên, lấy đột phá công nghệ làm yếu tố cạnh tranh.

Và điểm dễ thấy nhất trong 4 trụ cột tái cơ cấu “không đụng hàng” trên là, TienPhong Bank đang nhắm tới hình thành một ngân hàng hàng đầu về dịch vụ, thoát khỏi sự phụ thuộc vào tín dụng. Mục tiêu mà ngân hàng này đặt ra là đến năm 2014, bốn lĩnh vực trọng điểm trên sẽ chiếm ít nhất 20 - 25% tỷ trọng dư nợ tín dụng của TienPhong Bank.

Bước đầu của quá trình “thoát xác”

Mục tiêu tái cơ cấu của TienPhong Bank được gói gọn trong 3 chữ: ổn định, hiệu quả và bứt phá. Nếu năm 2012, yếu tố ổn định được đặt lên hàng đầu thì sự bứt phá được ngân hàng này kỳ vọng ở những năm sau. Một lãnh đạo của TienPhong Bank cho hay, ngân hàng này kỳ vọng năm 2012 sẽ tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng chung của toàn hệ thống. Trong tương lai, mức tăng trưởng đạt được sẽ là 40%. Đây là con số trong mơ của nhiều ngân hàng trong bối cảnh hiện nay, song lại quá bình thường so với Doji (tăng trưởng năm 2011 là 50%).

Tất nhiên, viễn cảnh “thoát xác” của TienPhong Bank vẫn nằm trên giấy, hiệu quả ra sao vẫn phải chờ thực tế trả lời. Nhưng không phủ nhận được rằng, từ khi có cổ đông mới, ngân hàng này đã cải thiện đáng kể thanh khoản và nợ xấu. Thêm nữa, thành tích bất bại của hai anh em Đỗ Minh Phú, Đỗ Anh Tú trên thương trường khiến cổ đông có quyền hy vọng, hậu tái cơ cấu, TienPhong Bank sẽ là một ngân hàng có tên tuổi trên thị trường.

Một nguồn tin cho hay, sau khi hoàn chỉnh bộ máy lãnh đạo, TienPhong Bank sẽ đẩy mạnh mở rộng mạng lưới, tái cấu trúc thương hiệu và tăng vốn. Cổ đông của ngân hàng này đã sẵn sàng tăng vốn điều lệ thêm 1.500 tỷ đồng. Cuối năm nay, vốn điều lệ của TienPhong Bank dự kiến đạt 4.500 tỷ đồng.

Nguồn Đầu Tư: http://www.baodautu.vn/portal/public/vir/baiviettaichinhnganhang/repository/collaboration/sites%20content/live/vir/web%20contents/chude/taichinhnganhang/nganhanglaisuat/5a2e7e377f00000100b76f7e92514552