Tiếng Trung thành ngoại ngữ thứ nhất: Đừng quá tham vọng...

"Đào tạo giáo dục hiện nay không xuất phát từ nội bộ ngành giáo dục mà phải xuất phát từ nhu cầu xã hội".

Hãy lắng nghe tất cả những ý kiến của cộng đồng, của các nhà khoa học, các chuyên gia để cân nhắc việc đưa kiến thức vào môi trường giảng dạy. Đó là ý kiến của PGS.TS Nguyễn Huy Quý - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc với Bộ GD-ĐT.

Khi nghe đến kế hoạch xây dựng chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Trung 10 năm từ lớp 3 đến lớp 12, thí điểm năm học 2017, được coi như ngoại ngữ thứ nhất cùng với tiếng Anh, ông Quý vô cùng bất ngờ.

Phải dựa theo nhu cầu xã hội

Trao đổi cụ thể hơn với Đất Việt, ngày 24/9, PGS.TS Nguyễn Huy Quý cho biết: "Việc triển khai tiếng Trung thành ngoại ngữ thứ nhất là chưa nên, Việt Nam cần tiếng Trung thì rất cần vì tương lai Trung Quốc cũng có ảnh hưởng phát triển, nhưng không nhất thiết phải triển khai từ bậc Tiểu học.

Mặt khác, về khoa học xã hội, tiếng Trung liên quan đến văn hóa phương Đông, nên chúng ta nên có một đội ngũ nghiên cứu về Trung Quốc, nhưng đó chỉ là một bộ phận.

Đồng thời, trong thời gian ngắn hạn, vài chục năm, điểm yếu nhất của chúng ta là tiếng Anh chưa phổ biến, đó là yếu tố cản trở rất nghiêm trọng trong vấn đề hội nhập quốc tế.

Cho nên, tiếng Trung có thể nên đưa vào chế độ giáo dục cần thiết nào đó, khi lên cấp 3 hoặc Đại học, cần liên quan đến nghiên cứu kinh tế, văn hóa. Còn bậc giáo dục phổ thông thì trước mắt khoảng vài chục năm chúng ta cần trở thành một nước có thể nói tiếng Anh được như các nước Đông Nam Á.

Đưa tiếng Trung vào chương trình phổ thông

Tóm lại, về lâu dài tiếng Trung vẫn có một vai trò quan trọng ở Việt Nam, nhưng xuất phát từ bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang có sự hẫng hụt về mặt ngôn ngữ, trong giao lưu quốc tế, cho nên, trong thế hệ của học sinh phổ thông bây giờ, vài 3 thế hệ nên học tiếng Anh.

Bởi vì, giáo dục phổ thông mà bắt học 2 -3 loại ngoại ngữ khi đó học sinh sẽ không xác định được định hướng, loạn kiến thức, vô cùng nguy hại. Chỉ cần đặt câu hỏi học tiếng Trung hết lớp 12 có sử dụng hay không, trong khi tiếng Anh, ngành nào, công việc nào cũng cần, được sử dụng phổ thông trên thế giới.

Cho nên, tiếng Nga, tiếng Trung, tiếng Pháp là một yêu cầu, nhưng nên đào tạo ở cấp chuyên ngành, ở bậc Đại học, không nên cho học từ lớp 3. Loại tiếng này học rất nhanh và cũng không cần quá nhiều người".

Bên cạnh đó, theo ông Quý, đào tạo giáo dục hiện nay không xuất phát từ nội bộ ngành giáo dục mà phải xuất phát từ nhu cầu xã hội, cho nên giáo dục phải nhìn lại xã hội để phục vụ, chứ không phải do đội ngũ giáo dục có như thế nào thì làm thế ấy, không phải như vậy.

Như việc dạy Tiếng Anh là cần phải đưa vào cấp 1 ngay, cho trẻ làm quen dần, kịp với hội nhập quốc tế là xuất phát từ nhu cầu thực tế của xã hội.

Ở góc độ khác, ông Quý nhận định: "Trong chương trình giáo dục phổ thông mà bắt học hai ngoại ngữ là rất dở, phương Tây khác với Việt Nam, tiếng Đức, tiếng Pháp chỉ khác với tiếng Anh một chút, tiếp cận dễ dàng, nên họ có thể cho học sinh học cả 2 loại tiếng.

Còn Việt Nam thì khác, tiếng Trung, tiếng Anh hoàn toàn khác nhau, cho học 2 ngoại ngữ thì cuối cùng không được gì.

Ngay như Trung Quốc họ cũng coi trọng tiếng Anh, những người làm việc ở Trung Quốc trong các DN, xí nghiệp, kể cả công nhân cũng có thể nói tiếng Anh.

Hiện nay, tiếng Trung cũng chỉ dùng trong các trường hợp văn học nghệ thuật, văn học xã hội, giao lưu dân gian, nghiên cứu văn hóa cổ đại của Việt Nam, còn vấn đề hiện đại, chính trị, kinh tế, ngoại giao, không biết tiếng Trung vẫn giao lưu, giao thương với Trung Quốc bình thường.

VN đang lạc lõng trong hội nhập quốc tế

Đưa ra giả thiết, nếu Bộ GD-ĐT vẫn cứ triển khai thì chắc chắn sẽ làm giảm chất lượng học tiếng Anh đi rất nhiều, nếu áp dụng đại trà thì các trường trong cả nước đều phải học, như vậy thì cả đội ngũ hàng vạn giáo viên dạy tiếng Trung, hàng triệu học sinh làm quen.

Trong khi, lấy đâu ra giáo viên để dạy tiếng Trung, ở các vùng sâu vùng xa, trong khi tiếng Anh chưa làm tốt, thì lấy đâu ra tiếng Trung sẽ tốt? Việt Nam hiện nay đang lạc lõng trong hội nhập quốc tế, nếu làm thế này thì sẽ càng lạc lõng.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/tieng-trung-thanh-ngoai-ngu-thu-nhat-dung-qua-tham-vong-3319537/