Tiếng nói bạn đọc: Những ngôn từ...

Có người nói rằng Việt Nam có bao nhiêu người hâm mộ bóng đá thì sẽ có bấy nhiêu “huấn luyện viên bóng đá trên bàn phím”! Và có bao nhiêu “huấn luyện viên bàn phím” thì cũng có bấy nhiêu đó “anh hùng bàn phím” và “thánh phán”, bên cạnh những “bình loạn viên” thể thao trên truyền hình đang ra rả nói mà nếu họ chịu khó ngồi nghe lại chính những gì họ nói thì tôi không nghĩ là họ dám lên sóng cầm mic tường thuật thể thao nữa!

Tiqui Taca ư? Chưa đâu!

Từ khi lứa học viên khóa 1 của Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG xuất hiện, khán giả Việt Nam đã bắt đầu cảm nhận được tận mắt thế nào là lối đá Tiqui Taca (Tiki-taka) lừng danh của CLB Barcelona.

HAGL nhanh chóng chiếm được trái tim của người hâm mộ nhờ lối chơi Tiqui Taca ảo diệu. Ảnh: Đình Viên.

Nhược điểm rõ ràng của lứa học viên khóa 1 này là thể hình quá thấp bé, nhất là vị trí trung vệ. Tuy nhiên, nhược điểm đó đã phần nào được khỏa lấp nhờ kỹ năng kiểm soát bóng, tư duy chơi bóng ở tốc độ rất cao của những Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh, Xuân Trường, Hồng Duy, Thanh Tùng, Đông Triều, Văn Sơn, Văn Thanh, Đức Lương, Thanh Hậu… mà ta có thể gọi ngắn gọn là “kỹ - chiến thuật” mang đậm phong cách Tiqui-Taca!

Để làm được và duy trì khả năng đó, lối chơi bóng đó, chiến thuật đó, lứa cầu thủ này đã ăn tập cùng nhau 9 năm nay!

Còn đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV trưởng Nguyễn Hữu Thắng thì chỉ mới triển khai lối đá này khoảng một tháng nay. Cầu thủ chưa ăn ý với nhau, trình độ kỹ - chiến thuật chưa tương đồng, tư duy chơi bóng còn khác biệt do ảnh hưởng từ phong cách đào tạo của các trung tâm bóng đá trẻ khác nhau thì đương nhiên chưa thể sớm thể hiện nhuần nhuyễn lối đá đẹp mắt đó.

Điểm tích cực là họ đã và đang cố gắng hướng đến lối đá đó vì tương lai của bóng đá Việt Nam!

Còn quá sớm để nói rằng tuyển Việt Nam dưới thời HLV Hữu Thắng cũng đang áp dụng chiến thuật Tiqui Taca. Ảnh: Nhật Minh.

Nhưng hãy khoan phấn khích quá sau trận đấu đầu tay của thầy trò Nguyễn Hữu Thắng với Đài Bắc Trung Hoa vừa rồi. Hãy khoan gọi những gì họ đã thể hiện trong trận thắng 4-1 trước Đài Bắc Trung Hoa là “dùng Tiqui-Taca đè bẹp đối phương”!

So với lối đá của tập thể Hoàng Anh Gia Lai hiện tại thì lối đá của đội tuyển Việt Nam hiện tại thua kém hẳn về tốc độ phối hợp - đồng nghĩa với việc thua hẳn về yếu tố bất ngờ! Đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV trưởng Nguyễn Hữu Thắng vẫn còn rất nhiều điều cần làm.

Hãy giúp các tuyển thủ luôn giữ được đôi chân ở trên mặt đất trên con đường phấn đấu đi đến những mục tiêu đã đặt ra!

Những “khái niệm” mới…

Dư luận thường dễ dãi sớm đưa các cầu thủ lên mây và cũng sẵn sàng nhấn chìm họ xuống bùn ngay khi có thể!

Từ khi Công Phượng và các học viên khóa 1 HAGL Arsenal JMG bắt đầu tỏa sáng đến nay thì vẫn còn không ít ý kiến chê bai họ “đá dở”! Thế thì màn thể hiện của đội tuyển Việt Nam trong trận thắng Đài Bắc Trung Hoa vừa qua chỉ mới dừng ở mức “đáng xem” chứ chưa thể tuyệt vời đến mức nhiều cầu thủ được các chuyện gia bóng đá chấm từ 7 đến 9 điểm.

Đài Bắc Trung Hoa hoàn toàn lép vế trước đội tuyển Việt Nam. Ảnh: Nhật Minh.

Với người viết, chúng ta thắng Đài Bắc Trung Hoa là nhiệm vụ bắt buộc và những cầu thủ chơi tốt nhất trong trận đó chỉ đạt 7 điểm là cao nhất. Còn những cầu thủ “hoàn thành nhiệm vụ” thì chỉ nên chấm 5 điểm vì những gì Đài Bắc Trung Hoa thể hiện chứng tỏ rằng đội tuyển này chưa phải là đối thủ xứng tầm của đội tuyển Việt Nam.

Với những nhà chuyên môn, phóng viên và bình luận viên, người viết không hiểu từ lúc nào, từ ai mà những cụm từ như “căng ngang”, “ban bật”, “sục”… đã trở thành câu cửa miệng của họ.

Những tình huống các cầu thủ từ hai biên chuyền bóng vào giữa, bóng đi nhẹ và nẩy tưng tưng nhưng vẫn được bình luận viên mô tả là những cầu thủ đó “căng ngang”!

Nếu như “căng ngang” còn có thể hiểu là nói tắt từ cụm từ “tạt bóng căng cắt ngang mặt khung thành” thì cụm từ “bật tường” rất dễ hiểu đã gần như bị khai tử và bị thay thế bởi cụm từ “ban bật”! Lối chơi “ban bật” nghĩa là gì?

Ngay cả những cầu thủ có kỹ thuật siêu hạng như Lionel Messi hay Cristiano Ronaldo cũng đều phải chuyền bóng cho đồng đội nhiều lần trong mọi trận đấu mà họ tham gia. Họ không thể cứ có bóng là dẫn bóng đột phá từ sân nhà đến khung thành đối phương trong suốt cả trận được.

Vấn đề chỉ là họ và đồng đội chuyền cho nhau ra sao, phối hợp như thế nào để đưa được bóng vào khung thành của đối phương càng nhiều càng tốt.

Vậy thì có đội bóng nào mà lại không chơi theo kiểu “ban bật”?

Một đường chuyền vô thưởng vô phạt, một đường chuyền ngược về làm chậm nhịp tấn công, một đường chuyền khó đưa đồng đội vào thế “bị chém giò” có phải là một đường chuyền “ban bật” không? “Ban” nghĩa là gì?

Hay “ban bật” được định nghĩa riêng cho lối đá “Tiqui-Taca”?

Bình loạn!

Nếu bạn xem tường thuật giải bóng chuyền quốc tế VTV Bình Điền 2016 mới đây, bạn sẽ được thưởng thức kiểu tường thuật bóng chuyền bóng chuyền theo phong cách bóng đá!

Đặc thù của môn bóng chuyền là khi vận động viên đã phát bóng thì quả bóng sẽ không thể ngừng bay nên sẽ không thể có chuyện “giữ bóng làm giảm nhịp độ trận đấu” (hay “câu giờ”) như kiểu bóng đá. Và tốc độ phối hợp tấn công, chiến thuật tấn công của bóng chuyền cũng khác hẳn những thuật ngữ của chiến thuật trong bóng đá.

Khi các “Bình luận viên” gọi những pha đập nhú, đập chồng hoặc giả chồng, đập lao là “phối hợp nhỏ”, “phối hợp nhanh” thì những pha phối hợp nào sẽ không phải là phối hợp nhỏ? Ngay cả những pha đánh “lao ngắn”, “lao dài” cũng có thể được thực hiện với tốc độ cao và trong khoảng cách gần, chứ không hẳn “lao dài” sẽ đồng nghĩa với “phối hợp rộng” hay “phối hợp chậm”!

Ngày trước, có thời gian trọng tài bóng chuyền quốc tế Trần Văn Nghĩa được mời tham gia bình luận và tường thuật trực tiếp nghe rất hay, ngắn gọn và đậm chất chuyên môn. Còn bình luận viên mà người viết vừa đề cập thì dù cũng thuộc dạng kỳ cựu của nhà đài nhưng dường như ngay cả luật bóng chuyền thì người này cũng chưa nắm rõ!

Khi tiếng còi của trọng tài (bất kỳ bộ môn nào) cất lên, nhiệm vụ của bình luận viên là phải biết ngay lập tức điều gì vừa xảy ra.

Nhiều bình luận viên khiến khán giả bật cười vì những phát ngôn "thảm họa". Ảnh: Internet.

Trong các trận bóng đá, rất nhiều lần bình luận viên nhầm tưởng pha bóng gần trọng tài nhất là nguyên nhân khiến trọng tài thổi còi phạt mà bỏ qua tình huống ở rìa màn hình vừa bị khuất dần… Cho dù họ ngồi trong studio của đài truyền hình (nghĩa là góc quan sát của họ cũng chỉ bằng khán giả) thì họ cũng phải quan sát nhạy bén hơn khán giả và nhận định đúng tình huống phạm lỗi đó.

Nhiều khi bình luận viên bóng đá còn đang ậm ừ tìm lời hoa mỹ để nói thì pha quay chậm đã cho thấy tình huống diễn ra hoàn toàn khác với những gì anh ta đang nói… nhưng sau mấy giây ngẫm nghĩ anh ta vẫn tiếp tục nói cho hết câu bình luận chệch hướng của anh ta, bất chấp sự thật đã diễn ra khác hẳn! Thật khôi hài!

Còn trong bóng chuyền, các bình luận viên chỉ biết nói là cầu thủ đã “phạm lỗi kỹ thuật” nhưng chính họ còn chẳng biết lỗi đó là lỗi kỹ thuật gì, ví dụ như lỗi “dính bóng” hay lỗi “đánh bóng hai chạm”!

Trong môn bóng bàn, với một số bình luận viên thì những cú giật (lip) hay bạt đều giống nhau (?!) và họ gọi chung đó là cú “tạt”! Giống như tạt bóng trong bóng đá vậy!

Bình luận viên thể thao nhưng không nắm vững thuật ngữ chuyên môn của các môn thể thao mà mình bình luận! Bó tay!

Trừ một số ít bình luận viên như Vũ Quang Huy, Ngô Quang Tùng…, thì người viết để tiếng, còn lại thì nhiều khi người viết phải tắt tiếng khi xem thể thao trên sóng của các đài truyền hình trong nước vì quá “nhức nách” với những “thánh bình loạn” như thế!

(Bạn đọc: Phan Thể Công)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn . Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây .

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

Nguồn Tin Thể Thao: http://www.tinthethao365.com.vn/news/201/332D29/Tieng-noi-ban-doc-Nhung-ngon-tu