Tiếng loa nơi góc phố...

Công việc hàng ngày của anh Lộc là tuyên truyền các chủ trương, chính sách bằng loa phóng thanh. KTNT - Không quản nắng mưa, người đàn ông nhỏ bé có nước da đen sạm, bước chân thoăn thoắt cùng chiếc loa phóng thanh đi khắp mọi ngõ ngách, góc phố để chuyển tải chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân. Anh là Mai Quang Lộc ở khu phố 5, phường 5 (TP.Đông Hà - Quảng Trị), người đã có 30 năm làm nghề “vác tù và hàng tổng”.

Công việc hàng ngày của anh Lộc là tuyên truyền các chủ trương, chính sách bằng loa phóng thanh.

KTNT - Không quản nắng mưa, người đàn ông nhỏ bé có nước da đen sạm, bước chân thoăn thoắt cùng chiếc loa phóng thanh đi khắp mọi ngõ ngách, góc phố để chuyển tải chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân. Anh là Mai Quang Lộc ở khu phố 5, phường 5 (TP.Đông Hà - Quảng Trị), người đã có 30 năm làm nghề “vác tù và hàng tổng”.

Bén duyên cùng tiếng loa

Tôi vẫn nhớ như in những năm tháng khi còn là đứa trẻ ham chơi cùng bạn đồng trang lứa trong xóm, cứ chiều chiều nghe tiếng loa của anh Lộc là ùa nhau đi theo mọi ngõ ngách trong khối phố. Ngày đó, tôi chỉ tò mò vì chiếc loa nhỏ bé phát ra tiếng nói lớn hơn bình thường chứ chẳng biết chút gì về nội dung mà anh Lộc thông báo. Vậy mà đã 30 năm trôi qua, tiếng loa của anh Lộc vẫn tồn tại với thời gian.

Anh Lộc kể, công việc đọc thông báo “bén duyên” với anh từ những năm 1978-1979, khi anh cùng nhiều thanh niên hăng hái tham gia công tác đoàn ở địa phương. Với tính cách nhanh nhẹn, không nề hà việc khó, anh thường xuyên được ban cán sự khóm nhờ giúp các công việc như chuẩn bị hội trường để họp dân hoặc đi mời bà con đến họp. “Ngày đó mình cũng tự hào, hãnh diện lắm, bởi việc chi khóm phố cũng nhờ”, anh Lộc cười nói.

Trong một lần thử giọng trên loa phóng thanh, thấy chất giọng của anh tốt, lời đọc trôi chảy nên mọi người trong ban cán sự khóm nhất trí giao cho anh nhiệm vụ đi thông báo với bà con trong các khóm phố bằng loa phóng thanh di động. Nội dung của các bản thông báo thường là họp dân, treo cờ Tổ quốc trong các ngày lễ, Tết, thông báo đi làm thủy lợi, nhận sắn... Mỗi khi có chủ trương mới, anh Lộc lại sốt sắng cùng chiếc loa phóng thanh đi khắp mọi ngõ phố để truyền tin.

Có một kỷ niệm trong lần đi thông báo bão khiến anh không bao giờ quên. Đó là vào năm 1985, khi cơn bão số 8 sắp đổ bộ vào tỉnh Bình Trị Thiên (cũ), Lộc và anh em cán bộ cùng lực lượng công an phường đi thông báo để người dân chủ động chằng chống nhà cửa, tìm nơi tránh bão an toàn. Suốt từ chiều đến tối mịt, anh phải đi hết mọi ngõ phố đọc liên tục nội dung thông báo bão.

Cho đến nửa đêm, bão đổ bộ vào đất liền, không thể quay về nhà cùng gia đình, anh và những thành viên trong đoàn đành phải trú tạm tại trụ sở UBND phường. Khi cơn bão đi qua, nhà anh đã bị bão đánh sập. Đau đớn hơn, bố anh là ông Mai Quang Kỉnh bị thương phải đưa đi cấp cứu tại trạm y tế phường. “Lúc đó người tui như rụng rời và buồn lắm. Buồn vì không có mặt ở nhà để giúp bố mẹ trong lúc gió bão!”, anh Lộc bùi ngùi kể.

Nhưng rồi nỗi buồn cũng dần nguôi ngoai nhờ sự quan tâm, động viên kịp thời của chính quyền địa phương, anh cũng cảm thấy mình có một phần đóng góp trong việc cùng chính quyền giúp người dân tránh bão an toàn. Điều đó như tiếp thêm nghị lực để anh bén duyên hơn với tiếng loa.

Ba mươi năm, một nỗi niềm

Anh Lộc cho biết, mục đích của việc rao thông báo là để người dân nắm bắt được chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng, Nhà nước một cách kịp thời, vì vậy việc đi rao không thể thực hiện qua loa, đại khái, đặc biệt trong điều kiện phố xá ngày một nhộn nhịp, nhà cửa san sát, kín cổng cao tường. Để làm được điều này, anh phải chọn thời điểm là buổi trưa hoặc tối khi mọi người trở về nhà sau một ngày làm việc và mỗi lần đi rao phải từ 2-3 giờ đồng hồ.

Rao xong, tối đến anh còn góp mặt tại các điểm họp dân xem mọi người có dự đông đủ không? “Đôi lúc thấy các buổi họp vắng vẻ, trong lòng mình day dứt lắm, vì thấy chưa hoàn thành nhiệm vụ…”, anh Lộc chia sẻ. Sau những lần ấy, anh thường để ý khu vực nào ít người dân đi họp để rút kinh nghiệm tập trung rao nhiều hơn.

Ám ảnh từ những cuộc họp ít người khiến anh luôn tích cực đi rao. Chính vì vậy, nhiều hôm anh rao đến khản giọng, đôi chân mệt mỏi rã rời, về đến nhà, trời đã tối sẫm, người mệt lả, mâm cơm chờ sẵn trên bàn nhưng anh không tài nào nuốt nổi. Có nhiều lần đi rao trong thời tiết giá rét khiến anh ngã bệnh mấy ngày liền.

Anh Lộc cho biết, trước đây anh đi rao không công, đến năm 1994 được phường, khu phố hỗ trợ một lần 15.000- 20.000 đồng. Từ năm 1996 đến nay, tiền phụ cấp được nâng lên mức 30.000 đồng/khu phố và 50.000 đồng/phường. Các đơn vị trường học, trạm y tế thấy anh vất vả đôi khi hỗ trợ cao hơn nhưng cũng không quá 100.000 đồng.

Anh tâm sự: “Nhiều lần ngã bệnh, tôi định kiếm công việc khác có thu nhập ổn định hơn để đỡ đần vợ con nhưng do không có người thay thế với lại mình đã gắn bó với công việc này suốt 30 năm nên bỏ khó lắm”.

Bây giờ phương tiện nghe nhìn ngày càng hiện đại với nhiều kênh thông tin phong phú nhưng không vì thế mà tiếng rao của anh Lộc kém phần hấp dẫn với người dân trên địa bàn. Mỗi khi có chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, hoặc địa phương, tiếng rao của anh lại văng vẳng xa gần khắp mọi ngõ ngách của phố xá ồn ào, nhộn nhịp.

Thiện Nguyễn

Nguồn KTNT: http://kinhtenongthon.com.vn/story/xahoi/2012/4/33699.html