Tiếng kẹt cửa phòng giam nữ tử tù

Trong đầu nữ tử tù ấy chỉ lặp đi lặp lại một ý nghĩ đầy tiếc nuối: Giá như… giá như…

Lúc cuộc sống chỉ còn tính bằng ngày, Phạm Thị Ngà mới hiểu, dù có ngồi trên đống tiền thì cái giá phải trả cho việc buôn bán “tử thần trắng” lúc nào cũng quá đắt. Và trong đầu nữ tử tù ấy chỉ lặp đi lặp lại một ý nghĩ đầy tiếc nuối: Giá như… giá như… Lóa mắt vì tiền Ngồi với tôi trong căn phòng khách của trại giam Xuân Nguyên (Hải Phòng), Nguyễn Thị Ngà (SN 1973, quê Ý Yên, Nam Định) hồi tưởng quãng thời gian trong buồng giam đặc biệt dành cho các tử tù chờ ngày ra pháp trường. “Giá như em cứ yên phận với cuộc sống như bao người khác thì có lẽ đời cũng không đến nỗi này” - Ký ức như một cuộn phim quay chậm lướt qua mắt của nữ phạm nhân đã gần 40 tuổi. Ngày Thẩm phán của TAND tỉnh Quảng Ninh tuyên án: Tử hình đối với mình, Ngà thấy đất dưới chân mình như sụp đổ. Thế là hết! Hơn 10 năm trước, Ngà được một người quen là Phạm Thị H gần nhà rủ đi cùng qua cửa khẩu Móng Cái, Quảng Ninh gặp một đối tượng người Trung Quốc lấy một loại hàng “tân dược” đặc biệt. Tin lời bạn, Ngà đi cùng và chuyến hàng đó được vận chuyển trót lọt qua đường tiểu ngạch. Lóa mắt khi thấy H được trả công bằng một cục tiền lớn, Ngà liền xin H cho tham gia cùng. Nhưng ngay trong lần vận chuyển đầu tiên, Ngà đã bị bắt giữ. “Em bị tuyên mức án tử hình vì đã mua bán ma túy với số lượng đặc biệt lớn” - Ngà rùng mình khi nhắc lại phán quyết của Tòa án tỉnh Quảng Ninh. Trong phiên tòa hôm ấy, quay xuống nhìn 2 đứa con còn nhỏ, Ngà đã khóc hết nước mắt. Thời điểm đó, đứa con gái lớn của Ngà mới 9 tuổi, còn đứa con trai nhỏ mới chỉ 6 tuổi nên chưa ý thức về tai họa sắp xảy đến. Giằng tay khỏi ông bà ngoại, chúng khóc ngất khi thấy mẹ bị dẫn giải lên xe đặc chủng. “Mấy mẹ con em chỉ cách nhau cánh cửa xe nhưng lại bị một bức tường vô hình ngăn cách. Em không dám gọi vì day dứt về tội lỗi mình đã gây ra...”. Dù câu chuyện đã xảy ra cách đây gần 12 năm nhưng nữ phạm nhân này vẫn đỏ hoe mắt khi nhắc lại chuyện cũ. Sống trong giày vò Ngà được chuyển sang phòng giam riêng biệt dành cho các tử tù trong trại tạm giam Hà Lầm, tỉnh Quảng Ninh. Mỗi buổi sáng sớm, nghe tiếng cửa phòng giam bên cạnh rít lên, những tử tù như Ngà đều biết thêm một phạm nhân sắp sửa đền tội. “Những phạm nhân mang án tử hình dù gây ra những tội ác khiến người đời khiếp sợ nhưng họ cũng chỉ là một con người mềm yếu trước cái chết đang đến gần. Họ khóc lóc, van lạy, đến ngây dại. Những khoảnh khắc ấy khiến tôi và những tử tù còn lại luôn bị nỗi ám ảnh giày vò”. Mỗi ngày trôi qua, Ngà đau đáu suy nghĩ về tội lỗi mình đã gây ra để giờ đây khiến những đứa con còn thơ dại thiếu vắng sự chăm sóc, yêu thương của mẹ. Thế nhưng số phận vẫn chưa buông tha Ngà, Ngà nhận tin chồng cũng vì ma túy “tiếp bước” vợ vào tù. Thế là 2 đứa con Ngà không còn nơi nương tựa phải đến ở với ông bà ngoại đã già yếu. Ngà viết đơn kháng án lên cấp phúc thẩm hy vọng được thoát án tử hình, có cơ hội được sống để trở về với gia đình. Hai lần hoãn phiên tòa phúc thẩm, Ngà gầy sọp đi vì không ăn không ngủ, chỉ có hy vọng đã giúp Ngà tồn tại sau cánh cửa phòng giam. Nhưng phán quyết cuối cùng của tòa phúc thẩm sau đó đối với Ngà vẫn không thay đổi. Quay lại căn buồng giam dành cho tử tù, Ngà nằm li bì. Thấy Ngà suy sụp, người quản giáo động viên Ngà rất nhiều. Cũng chính người cán bộ quản giáo đó đã khuyên Ngà viết đơn xin ân xá của Chủ tịch nước để có chút hy vọng nhỏ nhoi cuối cùng. Niềm vui vỡ òa Trong số những tử tù của trại giam Xuân Nguyên, Phạm Thị Ngà được coi như kẻ trúng số độc đắc bởi vào phút cuối cuộc đời, khi những hy vọng đã gần như tắt hẳn trong chị ta thì cũng là lúc, quyết định ân xá do Chủ tịch nước được công bố. Ngày nhận được quyết định ân xá, nữ phạm nhân này òa khóc như đứa trẻ. “Ai vào hoàn cảnh của tôi mới thấu hiểu và trân trọng từng giây phút được sống, được làm người trên cõi đời này….”. Được di lý về trại giam Xuân Nguyên, Hải Phòng để chấp hành án tù chung thân, Ngà đặt quyết tâm cố gắng cải tạo thật tốt để được mau chóng trở về xã hội. Luôn luôn chấp hành nghiêm túc các quy định và hoàn thành xuất sắc những việc được giao, một lần nữa, Ngà được quyết định giảm án xuống 20 năm. Tiếp tục cải tạo tốt thì chỉ còn vài năm nữa, nữ phạm nhân thoát án tử hình này sẽ được trở về đoàn tụ cùng gia đình. Câu chuyện của Ngà đã trở thành tấm gương của sự nỗ lực, phấn đấu đối với những phạm nhân khác đang chấp hành án tại trại giam Xuân Nguyên. “Bố mẹ tôi đã già, chỉ buôn bán rau cỏ nên các cháu không có điều kiện học lên cao, phải đi làm sớm kiếm tiền để phụ ông bà. Chúng ngoan lắm, mỗi lần lên thăm tôi, các con đều động viên mẹ khi về rồi 3 mẹ con cùng làm ăn chân chính, kiếm tiền nuôi ông bà ngoại đã già yếu. Đứa con gái lớn còn bảo tôi, từ giờ đến lúc mẹ về, con sẽ gom góp đủ tiền để mở tiệm cắt tóc riêng để 2 mẹ con cùng làm” - nữ phạm nhân gần 40 tuổi vui mừng chia sẻ. “Được như ngày hôm nay, tôi ngàn lần xin cảm ơn Ban Giám thị và quản giáo trong trại đã tạo điều kiện cho người từng lầm lỗi như tôi có cơ hội phục thiện. Tôi sẽ cải tạo thật tốt để trở về tạ tội với bố mẹ, với những đứa con của mình. Theo An ninh thủ đô

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/20110528041644788p0c1005/tieng-ket-cua-phong-giam-nu-tu-tu.htm