“Tiến về Khe Sanh” - Khúc hoan ca chiến thắng

Văn Dung nổi tiếng là một nhạc sĩ hào hoa, có những dấu vết chắc nịch trong sáng tác âm nhạc, nhất là trong thời kỳ chống Mỹ. Ông đã đi thực tế sáng tác trong chiến dịch đường 9 - Khe Sanh và cho ra đời những tác phẩm không thể nào quên.

Nhạc sĩ Văn Dung.

Lần đầu tiên Văn Dung đặt chân đến đất Vĩnh Linh (Quảng Trị) là tháng 4.1964. Lúc đó, mọi con đường từ Thanh Hóa đến Quảng Bình, Vĩnh Linh là trọng điểm của chiến tranh bằng không quân của Mỹ trên miền Bắc nước ta. Sau nhiều đêm đi trên những con đường đầy bom đạn, đoàn nhạc sĩ vào thực tế sáng tác ở chiến trường đã đến Nông trường Quyết Thắng và địa đạo Vịnh Mốc. Họ đã được tắm mình trong không khí chiến trường bom đạn ác liệt, cảm nhận được sự hy sinh gian khổ của người chiến sĩ nơi tuyến đầu, có buổi gặp gỡ ngắn ngủi và thầm lặng với các chiến sĩ giải phóng quân bên dòng Bến Hải, khi các anh chuẩn bị vượt sông vào trận chiến bên Cồn Tiên, Dốc Miếu, Cửa Việt...

Hình tượng người chiến sĩ giải phóng quân đã được Văn Dung và Triều Dâng khắc họa thật sống động: “Xuyên màn đêm ta đi vượt núi băng rừng/ Qua dốc cao suối sâu đoàn ta mau dồn bước/ Vì quê hương yêu dấu chờ ta bao năm tháng...”. Nhạc phẩm “Giải phóng quân ta ra đi” viết chung với Triều Dâng năm 1965 đánh dấu bước chuyển biến đáng kể trong sáng tác của Văn Dung. Từ đó, đề tài người lính đã được ông phát triển trong nhiều ca khúc cách mạng.

Ba năm sau, tháng 5.1968, quân ta chuẩn bị đánh lớn ở Khe Sanh. Tin lan truyền như một Điện Biên Phủ của thời chống Mỹ, nhạc sĩ trong và ngoài quân đội cùng hướng về Khe Sanh với những suy nghĩ sáng tạo. Ở thời điểm này, Văn Dung đã viết bài hát “Tiến về Khe Sanh” với một nhịp điệu hào sảng, giai điệu lạc quan, phơi phới: “Núi chắn trùng trùng, chim bay mỏi cánh (hơ)/ Quân băng ngàn núi, đêm vượt rừng sâu (hơ)/ Rừng Trường Sơn đêm đêm xôn xao nghe đoàn quân đi/ Về Khe Sanh quê hương bấy lâu mong chờ hôm nay”.

Với tiết nhịp 1/4, Văn Dung đã tạo cho “Tiến về Khe Sanh” một không khí khẩn trương, nhưng cũng không kém phần hồ hởi, phóng khoáng. Văn Dung có biệt tài cảm tác nhanh. Ông đi nhiều và sáng tác kịp thời, nhưng luôn giữ được chất tài hoa trong những âm hưởng giàu sức biểu cảm. Âm hưởng hùng ca trữ tình trong những sáng tác của Văn Dung đã đem lại cho người nghe một cảm giác lạc quan trong cuộc sống cam go, gian khổ ở chiến trường.

Giai điệu của “Tiến về Khe Sanh” ngay trong đoạn mở đầu đã là một lời hoan ca chiến thắng. Cứ thế, giai điệu cuồn cuộn trào dâng, người nghe như đang tắm mình trong ngày chiến thắng năm ấy, như đang say trong một chiến thắng được cho là “Điện Biên Phủ thứ hai”: “Đồn Làng Vây hôm nao nơi đây quân giặc phơi thây/ Trời Tà Cơn reo vui khắp nơi bóng cờ sao bay/ Vững bước ta đi lên, biển Đông đã sáng/ Tiếng súng ta vang vang, rền trời Khe Sanh”. Thực tế Trường Sơn ngày ấy đã cho các nhạc sĩ hiểu hơn về con người, về tuổi trẻ Việt Nam, về cuộc chiến đấu được bắt nguồn từ những con người bình dị, từ tình yêu vùng đất Khe Sanh và niềm tự hào dân tộc.

45 năm đã đi qua. Chiến dịch lớn đã đi vào lịch sử. Gian khổ một thời đã lùi xa, nhưng âm hưởng chiến thắng vẫn không hề tan biến. Vẫn còn đó hiện thực sống động và hào hùng ngày ấy được ghi lại trong từng cung bậc thanh âm và lời ca của “Tiến về Khe Sanh” - khúc hoan ca chiến thắng của nhạc sĩ Văn Dung.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/am-nhac/tien-ve-khe-sanh-khuc-hoan-ca-chien-thang/111477.bld