Tiền tỷ được "giải ngân" thế nào?

Theo điều tra của PV Báo Giao thông, trong năm 2013, tháng cao điểm, đền Quán Thánh thu đến 750 triệu đồng tiền phí tham quan. Tuy nhiên, lãnh đạo Phòng Văn hóa và Thông tin quận Ba Đình (đơn vị được giao quản lý di tích này) cho biết, nguồn thu từ bán vé chỉ dùng để “bồi dưỡng” cho những người phục vụ ở đây và trả tiền điện, nước, vệ sinh, sửa chữa nhỏ...

TIN LIÊN QUAN
Hà Nội: Vào lễ đền Quán Thánh phải mất phí

Người dân bức xúc khi phải mua vé vào đền Quán Thánh

Đền được thu phí như danh lam thắng cảnh

Như đã đề cập ở số báo trước, qua tiếp xúc với những người trong Ban quản lý đền Quán Thánh cũng như làm việc với lãnh đạo Phòng Văn hóa và Thông tin quận Ba Đình, chúng tôi đều nhận được câu trả lời, việc thu phí là theo quy định của thành phố, cụ thể là Quyết định số 43/2011/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc thu phí tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử trên địa bàn TP Hà Nội. Tuy nhiên, tiếp cận quyết định này, chúng tôi thấy có nhiều cái “lạ”.

Cái “lạ” thứ nhất là trong “Tứ trấn Thăng Long” (đền Kim Liên, Bạch Mã, Voi Phục, Quán Thánh), chỉ duy nhất đền Quán Thánh được phép thu phí 10.000đồng/lượt (một số đối tượng được miễn và trừ 50%). Theo đó, đền Quán Thánh lại được phép thu phí như những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Hà Nội như khu di tích Cổ Loa, nhà tù Hỏa Lò, làng cổ Đường Lâm...

"Việc thu phí như vậy cũng góp phần hạn chế số lượng lớn những người ăn xin vào đền làm phiền khách hành lễ. Vì muốn vào trong đền, họ phải bỏ tiền mua vé “

Ông Võ Hồng Vinh
Phó trưởng Phòng
Văn hóa và Thông tin quận Ba Đình

Cái “lạ” thứ hai là tại Điều 4 của quyết định này ghi rõ: “Đối với các di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, khu di tích Cổ Loa, nhà tù Hỏa Lò, đền Ngọc Sơn và đền Quán Thánh, tiền phí thu được nộp vào ngân sách Nhà nước 10%; để lại cho đơn vị thu phí 90% trên tổng số phí thu được để ... phục vụ công tác thu phí. Trong khi đó, cũng là di tích, danh lam thắng cảnh, song các di tích Chùa Thầy, Chùa Tây Phương lại phải nộp vào ngân sách đến 90% và chỉ có 10% còn lại phục vụ công tác thu phí.

Điều bất ngờ nữa là để thực hiện quyết định này, đã có 10 người trong BQL di tích đền Quán Thánh được Phòng Văn hóa và Thông tin quận Ba Đình ký hợp đồng làm các công việc như: Bán, soát vé, vệ sinh, bảo vệ... Lãnh đạo Phòng Văn hóa và Thông tin quận Ba Đình khẳng định 10 người này làm việc với tinh thần thiện nguyện là chính nhưng lạ ở chỗ hàng tháng lại được nhận “lương” 2.350.000đồng/người. Và càng lạ hơn khi mức chi trả này được áp dụng theo mức lương tối thiểu vùng đối với... doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I. Khi chúng tôi thắc mắc về cách “trả lương” này, lãnh đạo Phòng Văn hóa và Thông tin quận Ba Đình cho biết, việc này đã được “tư vấn” của Phòng tài chính quận và cơ quan Thuế.

Có tháng thu 750 triệu đồng

Chiều 12/2, quan sát của PV cho thấy, việc thu phí tại đền Quán Thánh vẫn diễn ra bình thường. Khi biết có đến 90% nguồn tiền thu từ việc bán vé được dùng cho công tác... thu phí, chị Trần Thanh Hà (quận Thanh Xuân) tỏ ra bức xúc: “Chúng tôi cứ nghĩ tiền này được dùng để tu bổ, tôn tạo di tích nhưng nếu đến 90% nguồn thu lại để phục vụ việc... thu phí thì khó hiểu quá”, chị Hà nói.

Quá trình điều tra, chúng tôi được biết, năm 2013, tổng số tiền thu được từ việc bán vé vào đền là trên 1,8 tỷ đồng, trong đó cao điểm nhất là tháng 2 lên tới 750 triệu đồng. Thời điểm này đang là cao điểm đi lễ đầu năm của người dân và khách du lịch, chắc chắn số tiền thu được từ việc bán vé cũng không hề nhỏ.

Chiều 12/2, làm việc với PV Báo Giao thông, ông Võ Hồng Vinh - Phó trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận Ba Đình tiếp tục dẫn chứng về Quyết định 43 của thành phố và cho rằng, thành phố đã quy định như vậy, đơn vị chỉ thi hành mà thôi. “Việc thu phí vào đền Quán Thánh theo tôi được biết đã có từ hơn hai chục năm nay rồi. Trước đây, mức thu chỉ vài nghìn, từ năm 2012 có quy định mới nên có tăng lên. Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân tôi thì không nên thu phí đối với những người dân vào đền hành lễ, nhưng do đây là quy định của TP nên “bắt buộc” phải thực hiện”, ông Vinh nói.

Ông Vinh còn cung cấp thêm thông tin, nguồn thu từ việc bán vé hàng năm được “trích” 40% vào nguồn cải cách tiền lương. Số còn lại để “trả lương” cho 10 người trong Ban quản lý đền, cũng như trả tiền điện, nước, vệ sinh và sửa chữa nhỏ... “Năm 2013, sau khi trích và trừ những khoản này thì vẫn còn kết dư. Số kết dư này vẫn được để trong tài khoản”, ông Vinh cho hay.

Minh Thành - Đình Quang

Nguồn Giao Thông: http://giaothongvantai.com.vn/phap-luat/dieu-tra/201402/tiep-bai-vao-le-den-quan-thanh-phai-mat-phi-tien-ty-duoc-giai-ngan-the-nao-450763/