Tiền trong tài khoản bỗng dưng 'bốc hơi', vì sao?

Sau vụ một khách hàng (KH) gửi tiết kiệm tại một ngân hàng (NH) thương mại “bỗng dưng” mất gần chín tỷ đồng dù không giao dịch, các lãnh đạo NH khuyến cáo KH phải tự bảo vệ khi giao dịch bằng cách thực hiện đúng quy trình.

Chuyển sổ tiết kiệm sang chứng từ và… mất tiền

Liên quan đến vụ KH Nguyễn Bạch Mai (Q.Cầu Giấy, TP.Hà Nội) khiếu nại về việc tiền gửi tiết kiệm tại NH TMCP Quốc Dân (NCB) bỗng dưng không còn, đại diện NCB cho biết, hiện đang cùng các bên liên quan và cơ quan điều tra làm sáng tỏ vụ việc, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của KH.

Trước đó, theo khiếu nại của bà Mai, từ năm 2012 đến ngày 6/1/2016 bà có gửi tiết kiệm tại NCB chi nhánh Hà Nội, Phòng giao dịch số 14 tổng cộng cả gốc và lãi hơn 8,7 tỷ đồng. Lúc đầu, khoản tiền này được gửi dưới dạng sổ tiết kiệm. Khoảng năm 2015, bà Mai được bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng phòng giao dịch số 14 tư vấn chuyển khoản tiền gửi tiết kiệm thông thường sang sản phẩm bảo lãnh NH để hưởng lãi suất cao hơn 13%/năm.

Chương trình này dành riêng cho những KH có số tiền gửi từ một tỷ đồng trở lên hoặc KH VIP. Bà Hà giải thích, tiền vẫn nằm trong NH, chỉ thay sổ tiết kiệm bằng chứng từ, nên bà Mai đồng ý chuyển.

Mỗi tháng, bà Mai đều nhận được thông tin về khoản tiền gửi của mình gồm bảng kê tiền gửi và tiền lãi có chữ ký của trưởng phòng giao dịch, có đóng dấu NH nên rất yên tâm. Đến giữa năm 2016, khi muốn rút tiền, bà Mai nhiều lần liên lạc với bà Hà nhưng không rút được. Tháng 1/2017, bà Mai đến phòng giao dịch của NCB làm thủ tục rút tiền mới tá hỏa khi nhân viên NH cho biết số tiền gửi của bà đã không còn.

Theo đại diện NCB, nhận được đơn của KH, NH đã nhanh chóng rà soát lại sự việc và liên tục mời bà Nguyễn Thị Thu Hà (đã nộp đơn xin nghỉ việc từ tháng 9/2016) lên để làm rõ và tìm hướng khắc phục nhằm đảm bảo quyền lợi của KH. NCB cũng báo cáo NH Nhà nước và chuyển hồ sơ cho cơ quan công an để tiếp tục điều tra làm rõ.

Khách hàng nên làm đúng quy trình khi giao dịch

Trong văn bản trả lời khiếu nại, NCB cho biết, bà Mai có gửi tiền tiết kiệm tại NH nhưng đã tất toán toàn bộ số tiền này vào tháng 10/2015 và không còn khoản tiền nào gửi tại NCB cho đến khi khiếu nại. NCB cũng khẳng định, không có sản phẩm bảo lãnh nào như nội dung nêu trong đơn của bà Mai, các giao dịch giữa bà Mai và bà Hà chỉ là thỏa thuận cá nhân của hai bên (nếu có).

Từ thời điểm bà Mai chuyển sổ tiết kiệm sang chứng từ bảo lãnh NH với lãi suất 13%/năm, chứng từ, bảng kê tiền gửi là do bà Hà tự lập ra, không theo mẫu quy định và không được hạch toán vào hệ thống của NCB.

Thực tế, đây không phải lần đầu xảy ra trường hợp KH “bỗng dưng” mất tiền trong tài khoản, trong sổ tiết kiệm sau khi gửi NH. Tháng 8/2016, một KH là bà Trần Thị Thanh Xuân (huyện Củ Chi, TP.THCM) cũng báo mất 26 tỷ đồng trong tài khoản, khi toàn bộ số tiền KH mua bán nông sản với công ty qua tài khoản mở tại một NH cổ phần không còn.

Sau khi tra soát khiếu nại, nhận thấy vụ việc có dấu hiệu hình sự, NH này đã chuyển cơ quan điều tra để làm rõ các nghi vấn về chữ ký chủ tài khoản, con dấu của công ty bà Xuân sử dụng để đăng ký mở tài khoản và thực hiện giao dịch…

Hiện kết quả vụ việc vẫn chưa được cơ quan điều tra công bố. Tháng 9/2016, bà Trần Thị Thanh Phúc (ngụ TP.Hà Nội) cũng gửi đơn khiếu nại một NH thương mại cổ phần có hội sở tại TP.HCM về việc không thực hiện giao dịch rút, chuyển tiền nhưng bốn tỷ đồng trong tài khoản của bà lại “bỗng dưng” biến mất. Trong khi đó, vào ngày phát sinh giao dịch chuyển bốn tỷ đồng, nhân viên NH cho biết, đã gọi điện hai lần đến số của bà Phúc để thông báo về việc chuyển tiền và phí chuyển tiền, đều được KH xác nhận.

Dữ liệu hệ thống cũng cho thấy có tin nhắn SMS Banking thông báo tài khoản thanh toán thay đổi số dư đến số điện thoại KH đăng ký… Vụ việc cũng đã được chuyển cơ quan điều tra. Lãnh đạo một số NH nhìn nhận, những KH VIP thường yêu cầu giao dịch từ xa, giao dịch qua điện thoại, chỉ đến NH nhận tiền nên một số quy trình đã được giao cho nhân viên NH thực hiện. Đây chính là kẽ hở phát sinh những rủi ro, sự cố mất tiền trong tài khoản.

Để tránh những sự cố tương tự, chuyên gia tài chính, TS Bùi Quang Tín, cho rằng cả KH và NH đều cần làm đúng quy trình trong quá trình giao dịch rút, chuyển tiền, mở sổ tiết kiệm, để đảm bảo quyền lợi cho cả KH và NH. Dù có là khách hàng VIP thì cũng phải cẩn trọng khi giao dịch với NH, thường xuyên kiểm tra số dư khi phát sinh giao dịch, không thể “khoán” hết cho nhân viên NH. Đây cũng là một bài học cho các NH thương mại khác, cần xem xét lại quy trình khi giao dịch với KH, kể cả KH VIP.

Châu Anh

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://phunuonline.com.vn/mua-sam/tien-trong-tai-khoan-bong-dung-boc-hoi-vi-sao-96473/