Tiền trong két ngân hàng vẫn tiếp tục dồi dào?

Thanh khoản dư thừa của ngân hàng sẽ tiếp tục được duy trì trong quý 3 và NHNN phải tích cực sử dụng các công cụ chính sách để kiểm soát cung tiền.

“Nắn” dòng vốn tín dụng

Theo NHNN, tín dụng dành cho ngành sản xuất và xây dựng đã tăng mạnh vào đầu năm 2017. Chỉ trong 4 tháng đầu năm, tín dụng ở hai lĩnh vực này tăng lần lượt 10,53% và 17,15% so với cuối năm 2016.

Nếu trong những năm trước tín dụng vào lĩnh vực có liên quan đến bất động sản đóng góp hơn 50% vào tăng trưởng tín dụng thì sự chuyển dịch của dòng tín dụng trong những tháng đầu năm nay cho thấy dòng vốn đang được nắn đúng với mục tiêu của Chính phủ là đưa vốn vào sản xuất. Trong 6 tháng đầu năm 2017, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đã tăng trưởng đáng kể ở mức 10,52% so với cùng kỳ và đóng góp 1/3 vào tăng trưởng GDP.

Theo SBV, tăng trưởng tín dụng cho xây dựng đang có bước tiến nhanh hơn và đạt đến quy mô tương đương tổng giá trị xây dựng tại thời điểm cuối tháng 4/2017 (khoảng 595.000 tỷ đồng, tăng 27% so với năm trước). Đáng chú ý, tín dụng cho các lĩnh vực khác (bao gồm bất động sản, dịch vụ tài chính và các dịch vụ khác) lại ghi nhận mức tăng trưởng âm 0,24% so với cuối năm 2016.

Theo CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), việc tăng tỷ trọng rủi ro đối với các khoản vay liên quan đến bất động sản (ngoại trừ các khoản vay mua nhà và cho vay xây dựng) từ 150% lên 250%, có hiệu lực vào tháng 1/2017 đã làm giảm tốc độ mở rộng tín dụng trong các lĩnh vực khác. Ngoài ra, công ty này cho rằng vẫn đang có một nguồn tín dụng đáng kể được đổ trực tiếp vào lĩnh vực có liên quan đến bất động sản thông qua việc cho vay tiêu dùng và cho vay đối với lĩnh vực xây dựng. Do đó, VDSC nhận định rằng nỗ lực của Chính phủ nhằm hướng dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất chưa được như kỳ vọng.

Tuy vậy, những nỗ lực của Chính phủ trong công tác định hướng dòng vốn chảy vào lĩnh vực sản xuất nhằm đẩy mạnh tăng trưởng GDP đã được chứng tỏ trong thời gian qua.

Thanh khoản ngân hàng tiếp tục dư thừa

Đầu tháng 07/2017, NHNN đã cắt giảm lãi suất điều hành lần đầu tiên kể từ tháng 03/2014. Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6,5% xuống còn 6,25%, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5% xuống 4,25%. Mức lãi suất ngắn hạn hàng năm cho các khoản vay đối với một số ngành ưu tiên (nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ và các doanh nghiệp công nghệ cao) giảm 0,5 điểm phần trăm, xuống còn 6,5%. Những điều chỉnh này được cho là giúp các ngân hàng tăng tính thanh khoản để cho vay, sau đó có thể góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, NHNN vẫn tỏ ra khá cẩn trọng trong việc điều hành chính sách tiền tệ và phản ứng của thị trường vẫn chưa cho thấy dấu hiệu rõ ràng về tác động của việc cắt giảm lãi suất này.

Theo quan sát, sau khi tăng trưởng tín dụng nhanh chóng trong nửa đầu năm 2017, nhu cầu tín dụng đã chậm lại trong thời gian gần đây. Bằng chứng là lãi suất liên ngân hàng đang trong xu hướng giảm mạnh kể từ đầu quý 3. Diễn biến này tương đồng với cùng kỳ năm trước khi lãi suất liên ngân hàng cũng giảm xuống mức thấp và duy trì đến tháng 12/2016.

Một lý do khác là hầu hết các ngân hàng thương mại đang chờ đợi việc cho phép nới hạn mức tăng trưởng tín dụng từ NHNN. Tính đến cuối tháng 06/2017, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng là 9,06% so với đầu năm. Tuy nhiên, nhìn vào cụ thể thì hầu hết các ngân hàng gần như đã sử dụng hết mức tăng trưởng tín dụng được giao năm 2017 (VIB, MBB, HD Bank, SCB, Kien Long Bank) trong khi các ngân hàng hàng (BID, CTG, VCB, ACB) cũng đã sử dụng hơn một nửa hạn mức tăng trưởng tín dụng cả năm.

Theo định hướng hiện tại của Chính phủ đối với chính sách tiền tệ, NHNN sẽ có khả năng nới thêm lên đến 20%-22% tăng trưởng tín dụng so với mục tiêu 18% vào đầu năm, nhưng NHNN đồng thời cũng sẽ tích cực kiểm soát tình hình tín dụng để đảm bảo hiệu quả và an toàn trong hệ thống ngân hàng.

VDSC cho rằng việc thanh khoản dư thừa của ngân hàng sẽ tiếp tục được duy trì trong quý 3 và NHNN phải tích cực sử dụng các công cụ chính sách để kiểm soát cung tiền. Bởi vì: Thứ nhất, nhu cầu về huy động trái phiếu 6 tháng cuối năm thấp hơn nửa đầu năm (43 nghìn tỷ đồng so với 6 tháng đầu năm 2017 là 141 nghìn tỷ đồng). Thứ hai, mặc dù Chính phủ cũng muốn đẩy nhanh tiến độ giải ngân vào năm 2017, chúng tôi cho rằng số tiền gửi của Kho bạc Nhà nước trong các ngân hàng thương mại sẽ vẫn tiếp tục cao, và hỗ trợ thanh khoản ngân hàng. Thứ ba, do yếu tố mùa vụ, nhu cầu vốn thường chững lại trong quý này.

Theo Châu Huệ/DĐDN

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/thi-truong/tien-trong-ket-ngan-hang-van-tiep-tuc-doi-dao-214892/