Tiến thoái lưỡng nan

(ĐTCK) Bán vốn đầu tư ngoài ngành, thoái vốn để tái cấu trúc doanh nghiệp và được phép bán dưới mệnh giá, đó là đề nghị của rất nhiều lãnh đạo doanh nghiệp lớn, song họ không nhận được câu trả lời trực tiếp cho những đề nghị trên.

Ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy (Vinashin) nói với ĐTCK rằng, trong cả năm qua tập đoàn này hầu như không thoái được vốn, không bán được tài sản tại các doanh nghiệp thành viên để cơ cấu lại tài chính. Nguyên nhân do thị trường quá xấu, không có nhà đầu tư quan tâm, trong khi, quy định hiện nay không cho phép hạ giá mạnh, bán rẻ các tài sản.

Không chỉ Vinashin, rất nhiều tập đoàn, tổng công ty khác đã kể “nỗi khổ” thoái vốn của họ trong cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ đầu tuần qua. Ông Thân Đức Nam, Chủ tịch HĐQT Cienco 5 kể một trường hợp cho thấy, thị trường và khẩu vị nhà đầu tư đã thay đổi và muốn tái cấu trúc lại doanh nghiệp, buộc phải chấp nhận thực tế thua lỗ. Một nhà máy inox vốn đầu tư 30 tỷ đồng, trong đó vốn vay ngân hàng 19 tỷ đồng, giờ bán 5 tỷ đồng, rao hơn 1 năm, không ai mua. Ngân hàng chấp nhận bán lỗ còn như vậy, nếu doanh nghiệp nhà nước cứ khư khư phải bán hòa vốn thì bán làm sao? Ông nói rằng, một công ty thành viên là Cienco 529 có 2 máy xây dựng được định giá 29 tỷ đồng, nhưng nếu bán trên thị trường chỉ được có 2 tỷ đồng, nên rất nhiều năm qua, dù hô quyết tâm lớn, Cienco 5 vẫn không thể cổ phần hóa được doanh nghiệp.

Tổng công ty Vinaconex có 80 đơn vị thành viên, đang giảm xuống 50 và theo kế hoạch sẽ giữ lại 25 đơn vị. Ông Nguyễn Thành Phương, Chủ tịch HĐQT Vinaconex cho biết, họ đang như “gà mắc tóc”, vì hầu như ở đơn vị nào thuộc diện tái cơ cấu, giá cổ phiếu theo sổ sách cũng cao, nhưng giá thị trường thấp. Ông Phương đề nghị trao quyền cho HĐQT được phép quyết định bán cổ phiếu theo giá thị trường cộng thêm biên độ nào đó để đấy nhanh quá trình tái cơ cấu.

Bán vốn đầu tư ngoài ngành, thoái vốn để tái cấu trúc doanh nghiệp và được phép bán dưới mệnh giá, đó là đề nghị của rất nhiều lãnh đạo doanh nghiệp lớn, song họ không nhận được câu trả lời trực tiếp cho những đề nghị trên. Thủ tướng Chính phủ trong phần kết luận Hội nghị nói rằng: “Doanh nghiệp rút lui phải có phương án, lui mà để xảy ra tiêu cực, mất mát sẽ nguy hiểm. Phải xác định khoản nào nên bán, khoản nào nên cắt lỗ cụ thể rồi mới làm”. Đây là thông điệp cần thiết, bởi thực tế trước đây đã xảy ra không ít trường hợp lợi dụng cổ phần hóa để bán rẻ, trục lợi vốn nhà nước. Nhưng ở góc độ lãnh đạo doanh nghiệp, ai sẽ đặt bút ký quyết định một khoản vốn góp nào đó phải cắt lỗ? Quá trình thoái vốn ngoài ngành và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước chắc hẳn sẽ còn nhiều gian nan.

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/GL/N/DJJGCA/tien-thoai-luong-nan.html