Tiền tệ tuần 28/11-2/12: Lãi suất tăng, thị trường ngoại hối diễn biến phức tạp

Báo cáo của SSI Retail Research cho thấy lãi suất liên ngân hàng tăng vọt, lãi suất huy động vốn cũng nhích ở kỳ hạn 1 tháng. Các đồng tiền trên thế giới diễn biến phức tạp, USD tự do tiếp tục nhảy múa dù USD tại ngân hàng đã "hãm" đà tăng.

Lãi suất liên ngân hàng tăng vọt, áp lực có thể còn duy trì đến quý I/2017

Lãi suất qua đêm đã tăng nhanh lên mức 2,85%/năm từ 1,6%/năm của tuần trước. Diễn biến tương tự đối với các khoản vay 1 tuần, 1 tháng và 3 tháng. Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 3 tháng đã tăng về mức của cùng kỳ năm ngoái là 4,53%/năm.

So với thời điểm ngày 4/11, lãi suất liên ngân hàng đều tăng vọt tại đồng loạt mọi kỳ hạn: lãi suất qua đêm gấp 4,75 lần; cao gấp 4,2 lần kỳ hạn 1 tuần; gấp 2,24 lần kỳ hạn 1 tháng và lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 3 tháng tăng 30%.

Trong khi đó, trên thị trường dân cư, sau 3 tuần dừng lại ở 5,2%/năm, lãi suất huy động thị trường 1 kỳ hạn 1 tháng nhích lên 5,3%/năm. Việc tăng lãi suất trong tháng cuối năm không phải là điều quá bất thường. Cùng kỳ năm 2015, lãi suất huy động 1 tháng đã tăng từ 4,7% lên 5,1% vào cuối tháng 12.

Theo đánh giá của SSI Retail Research, với nhu cầu thanh khoản cuối năm cộng hưởng sự lên giá của USD, áp lực tăng lãi suất VND sẽ còn duy trì cho đến ít nhất đầu năm 2017.

Giao dịch tín phiếu không mấy sôi động tuần qua. Theo số liệu của SSI Retail Research, giá trị phát hành và giá trị đáo hạn của tín phiếu NHNN trong tuần rất thấp. NHNN chỉ phát hành 100 tỷ đồng tín phiếu 14 ngày với lãi suất 1,5%/năm trong khi có khoảng 1,15 nghìn tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.

Giá trị tín phiếu đang lưu hành giảm nhẹ về 77,1 nghìn tỷ. Bộ phận phân tích của SSI nhận định việc hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống trong thời gian cuối năm hoàn toàn nằm trong tầm tay của NHNN. Thời điểm cuối 2015, NHNN đã bơm nhanh gần 250 nghìn tỷ qua OMO để hỗ trợ thanh khoản khi tín phiếu đã đáo hạn hết.

NĐTNN trở lại mua ròng hơn 300 tỷ đồng trái phiếu, thanh khoản thấp

Trong tuần, KBNN chào bán trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 và 7 năm với giá trị lần lượt là 3.900 tỷ đồng và 1.000 tỷ đồng. Nhu cầu với trái phiếu kỳ hạn ngắn 5 năm vẫn tương đối tốt giúp KBNN phát hành được 3.200 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ thành công 65%. Lãi suất trúng thầu TPCP tăng từ 5,2% lên 5,25%..

Trong khi đó, trái phiếu Chính phủ 7 năm không phát hành thành công do mức lãi suất kỳ vọng của NĐT cao hơn khá nhiều so với mức KBNN có thể chấp nhận. Đây cũng là lý do các đợt phát hành gần đây không thành công.

Mức lãi suất kỳ vọng là từ 5,7%-6,9%/năm trong khi lãi suất phát hành thành công gần nhất là 5,45%/nămTính đến hết tháng 11, KBNN đã phát hành được 98,9% kế hoạch năm, trong đó kỳ hạn 3, 5 và 30 năm đã vượt kế hoạch. Chỉ cần thêm 3,2 nghìn tỷ là KBNN hoàn thành kế hoạch nên rất có thể KBNN sẽ không tăng lãi suất các kỳ hạn ngắn mà chuyển sang phát hành các kỳ hạn dài với lãi suất ít thay đổi.

Ngân hàng chính sách xã hội (VBSP) phát hành thành công toàn bộ 424 tỷ trái phiếu kỳ hạn 5 năm với lãi suất trúng thầu là 5.5%, cao hơn 25bps so với TPCP cùng kỳ hạn.

Trên thị trường trái phiếu thứ cấp, thanh khoản đạt 37,7 nghìn tỷ đồng, giảm 14,1% so với tuần trước do cả hai kênh giao dịch Outrights và Repos giảm khá mạnh.

Sau 4 tuần liên tiếp bán ròng, NĐTNN mua ròng trái phiếu Chính phủ vói giá trị mua ròng khoảng 308 tỷ đồng. Dù vậy, giá trị giao dịch cả 2 chiều mua bán khá thấp. Kỳ hạn 3-5 năm và 5 năm được mua ròng lần lượt 106 tỷ đồng và 260 tỷ đồng sau nhiều tuần bị bán ròng mạnh.

Lợi tức trái phiếu sau khi tăng mạnh trong 2,5 tháng đã chững lại và đi ngang trong 2 tuần qua.


Trên thị trường ngoại hối, tỷ giá trung tâm cùng tỷ giá yết tại các ngân hàng có xu hướng giảm. Sau một thời gian tăng nóng, thậm chí có tin đồn "đổi tiền", NHNN đã can thiệp mạnh hơn vào thị trường ngoại hối.

Tuy vậy tỷ giá tự do không hạ nhiệt mà lại tăng nhanh vào hai phiên cuối tuần. So với cuối tuần trước chiều mua tăng 0,57%, thêm 130 đồng/USD, trong khi chiều bán tăng thêm 0,53%, thêm 120 đồng/USD. Giá mua và giá bán USD tại thị trường tự do đều vượt trần, chênh lần lượt 3,64% và 3,83% so với tỷ giá trung tâm.

Với diễn biến phức tạp của các đồng tiền trên thế giới, VND tăng giảm trái chiều với các đồng tiền mạnh. Cụ thể, theo Bloomberg, tỷ giá JPY/VND giảm tiếp 0,79% khiến đồng Yên so với VND chỉ còn tăng 6,66% so với thời điểm đầu năm. Trước đó, đã có thời điểm JPY tăng hơn 20% khiến nhiều doanh nghiệp vay Yên nhật gặp cảnh lao đao . Ngược lại đồng EUR và GBP tăng nhẹ lên 24.143đ/EUR và 199,4đ/GBP.

Chênh lệch giá vàng hiện đang ở mức cao nhất kể từ đầu năm. Một điều hiếm hoi khác là giá vàng trong nước và thế giới diễn biến trái chiều nhau. Giá vàng trong nước tăng nhẹ lên 36,18 triệu đồng/lượng (tăng 1,5% so với cuối tuần). Ngược lại giá vàng thế giới tiếp tục giảm ở tuần thứ tư liên tiếp về còn 1.173 USD/oz (giảm 0,9% so với cuối tuần).

Sau khi quy đổi ra VND, giá vàng thế giới đang thấp hơn vàng trong nước khoảng 4,02 triệu đồng/lượng (tương đương mức chênh lệch tương đối 11,1%).

Nguồn NDH: http://ndh.vn/tien-te-tuan-28-11-2-12-lai-suat-tang-thi-truong-ngoai-hoi-dien-bien-phuc-tap-20161205035333691p149c166.news