Tiến sĩ Oxford lập ứng dụng mua hàng cho trả giá

Là tiến sĩ cơ học đất của Đại học Oxford (Anh), nhưng Ngô Trần Công Luận lại yêu thích kinh doanh và vẫn tiếp tục khởi nghiệp với ứng dụng mua hàng trả giá khi đã ổn định với công ty về bất động sản.

Xuất thân từ một cậu bé nghèo ở Long An, Luận đỗ xuất sắc vào Đại học Bách khoa TP HCM và tự học ngoại ngữ để giành học bổng du học. Ra trường với tấm bằng tiến sĩ cơ học đất của Đại học Oxford (Anh), anh quyết định về nước dù có nhiều lời mời ở lại làm việc của các công ty sở tại.

Đến nay, đã tròn 20 năm kể từ ngày anh quyết định lập nghiệp trên quê hương. Thế nhưng, anh Luận đã có những ngày khởi đầu không mấy suôn sẻ. Cầm tấm bằng tiến sĩ đi tìm việc, anh không ít lần bị các công ty từ chối. Những năm đầu trở về, anh tự nhận mình “làm công không ngơi nghỉ”, từ bán hàng cho một công ty sơn đến gia công phần mềm với bạn bè.

Sau 4 năm làm thuê và bén duyên với công nghệ thông tin, anh quyết định khởi nghiệp bằng một trang thương mại điện tử về giao dịch nhà đất, một ý tưởng còn “tươi mới” vào đầu những năm 2000. Thế nhưng, lợi thế đó không giúp sàn giao dịch phất lên mà còn suýt ”sập tiệm”. Anh phải định hướng lại công ty, phát triển thêm các mảng tiếp thị, tư vấn, nghiên cứu thị trường và cả đầu tư nhà đất để vượt qua giai đoạn đóng băng của thị trường.

Ở tuổi trung niên, khi thị trường nhà đất phục hồi và sự nghiệp đã ổn định, anh Luận vẫn lao vào khởi nghiệp và đang rất hào hứng với “đứa con" mới của mình sau 5 năm xây dựng. Đó là một ứng dụng “không giống ai”, một sàn thương mại điện tử cho phép người bán và người mua trò chuyện trực tuyến để trả giá.

Đối với anh Luận, mua hàng qua mạng cho trả giá là một hình thức giao dịch "văn minh".

“Việc buôn bán hiện giờ cứng nhắc lắm. Nó được giả định là tất cả các shop đều lấy một món hàng, đều có cơ sở giá, động lực giá như nhau. Trong khi đó, sự thật không như vậy. Anh có 5 nhân viên nhưng cả 5 rảnh hết thì anh có động lực bán khác cửa hàng bên cạnh với 10 nhân viên nhưng tất cả đều bận. Vì thế, tôi nghĩ ra ứng dụng trả giá này để tận dụng các động lực đó, giúp người mua hưởng lợi”, tiến sĩ Luận phân tích nguyên nhân.

Anh Luận nảy ra ý tưởng từ năm 2011 nhưng hàng loạt phiên bản đầu đều thất bại. Về sau, anh tinh gọn lại ý tưởng với trọng tâm là cho phép thương lượng giá ẩn danh trong 120 phút. Cụ thể, sau khi cài ứng dụng, khách hàng đăng tìm sản phẩm mình cần, các nhà cung cấp sẽ vào chào giá. Khách hàng có thể chọn nhà cung cấp và trò chuyện trực tuyến để thỏa thuận mức giá. Cả hai phía đều ẩn danh trước khi đơn hàng được chốt.

“Họ không biết người mua và đối thủ là ai nên họ sẵn sàng hạ giá mà không ngại. Nếu họ lên mạng công bố giảm giá thì đối thủ và nhà sản xuất sẽ thấy nên họ không dám làm. Kiểu này giống như, sáng ra bạn muốn bán giá thấp một món để chạy hàng đầu ngày vậy. Thực tế, cùng một sản phẩm nhưng với mỗi cửa hàng, mỗi người bán lại có cơ cấu thành giá đến tay người tiêu dùng khác nhau, trong những thời điểm khác nhau”, anh Luận cho biết.

Ứng dụng của anh Luận chỉ mới có mặt trên Apple Store đầu tháng này, hiện có 5.000 sản phẩm từ 500 cửa hàng. Dự kiến, trong tháng tới, số sản phẩm sẽ tăng gấp đôi, với các ngành hàng như điện thoại, điện tử - điện lạnh, đồ dùng nhà bếp, nhà đất và ôtô. Mục tiêu của anh là thu hút được 100.000 cuộc trả giá trong 3 tháng đầu. Với mỗi cuộc trả giá, người mua không mất khoản phí gì. Anh kiếm tiền bằng cách thu phí người bán khi muốn vào chào giá. Cùng với đó, anh nhận thêm một khoản hoa hồng nếu giao dịch thành công.

“Giờ anh mua cái máy lạnh hiệu D mới thì ai giao, ai bán với anh không quan trọng. Trong thị trường sẽ có một thành phần mà họ tự tin là mua cái máy lạnh mới thì miễn có nhãn đúng, có bảo hành của nhà sản xuất là họ cứ mua thôi”, anh Luận định vị đối tượng khách hàng của mình, đồng thời cho biết hàng hóa trên ứng dụng của mình có thể thấp hơn từ 5% đến 10% so với giá thị trường. Đôi khi, món hàng có thể hạ giá được 20% đến 30%. Trả lời câu hỏi vì sao lại đi ngược xu hướng niêm yết giá công khai mà chọn cách trả giá như kiểu “chợ”, anh Luận cho rằng cách làm của mình là kiểu "trả giá văn minh”.

“Tôi nghĩ thói quen trả giá này rất văn minh, hiện đại. Nó tiện vì không cần lang thang trên mạng để tìm hàng rồi đối chiếu giá. Cái này giống như bạn đi ra cửa hàng, bạn đối thoại trực tiếp với người bán. Nó là cách giao tiếp để mua hàng rất 'con người' dù trong không gian mạng, khác với việc bạn nói chuyện với Google, với máy móc, với các kệ hàng và giỏ hàng ảo…”, anh Luận nhấn mạnh và cho rằng mình may mắn vì nhiều nghiên cứu cho thấy, người dùng smartphone đang ngày càng thích trò chuyện (chat) trực tuyến với nhau.

Theo Viễn Thông/VnExpress

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/thi-truong/tien-si-oxford-lap-ung-dung-mua-hang-cho-tra-gia-154825/