Tiến sĩ muốn hành nghề phải học thêm

Cục Khoa học công nghệ và đào tạo - Bộ Y tế vừa đưa ra đề xuất thay đổi phương thức đào tạo và cấp chứng chỉ hành nghề bác sĩ theo hướng một người phải trải qua thời gian đào tạo, thực hành tối thiểu 7 năm mới được cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc siết chặt điều kiện hành nghề bác sĩ là cần thiết nhưng cần lộ trình và phải dựa trên thực tiễn.

Siết chặt điều kiện được cấp phép hành nghề khám chữa bệnh là cần thiết để hạn chế sai sót chuyên môn

Siết chặt điều kiện được cấp phép hành nghề khám chữa bệnh là cần thiết để hạn chế sai sót chuyên môn

Đặc thù đào tạo y khoa

Cục Khoa học công nghệ và đào tạo - Bộ Y tế cho biết, mô hình đào tạo ngành y tế hiện nay đã bộc lộ nhiều bất cập. Nếu như trước năm 2000, cả nước chỉ có 8 trường đại học đào tạo bác sĩ thì nay đã là 24 trường tham gia đào tạo ngành y.

Tiêu chí mở ngành rất đơn giản và chưa tiếp cận vai trò của cơ sở thực hành trong đào tạo y khoa. Mặt khác, đào tạo sau đại học ngành y hiện có 2 hệ thống song song.

Hệ nghiên cứu có các chương trình đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ do Bộ GD-ĐT quản lý. Hệ hành nghề khám và chữa bệnh có các chương trình đào tạo bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa 1, chuyên khoa 2 do Bộ Y tế quản lý. Vì thế, mới đây Bộ Y tế đã đề xuất lên Chính phủ một mô hình đào tạo mới theo mô hình 4 + 2. Trong đó 4 năm đầu là đào tạo cử nhân y khoa, sau đó phân luồng thành 2 nhánh.

Nhánh một được cấp bằng cử nhân và có thể đi làm ngay nhưng không được khám chữa bệnh, nhánh hai học thêm 2 năm để thành bác sĩ đa khoa và sau đó phải mất thêm 1 năm thực hành tại các bệnh viện mới được cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh.

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo cho biết, ở phương thức đào tạo mới kể trên, không phải Bộ Y tế sẽ rút ngắn thời gian đào tạo đại học hệ chính quy tại các trường Đại học Y xuống còn 4 năm (kể cả đối với ngành y đa khoa hiện đào tạo 6 năm) mà chỉ là sắp xếp lại theo 3 giai đoạn đào tạo.

Tức đào tạo cử nhân y khoa, sau đó nếu muốn trở thành bác sĩ bắt buộc cử nhân y khoa phải học thêm 2 năm (tức có thời gian đào tạo tối thiểu 6 năm) và thêm 1 năm thực hành nghề nghiệp, sau đó thi quốc gia thì mới được cấp chứng chỉ hành nghề.

Theo ông Nguyễn Minh Lợi, việc đề xuất thay đổi hình thức đào tạo này nhằm xây dựng được hình thức đào tạo y khoa phù hợp và hài hòa chung trong hệ thống giáo dục Việt Nam, vừa đảm bảo tính đặc thù trong đào tạo y khoa (hướng nghiên cứu và hướng hành nghề khám bệnh, chữa bệnh).

Ông Nguyễn Minh Lợi cho biết thêm, với phương thức đào tạo mới này, những người có bằng Thạc sĩ y học hay Tiến sĩ y học nếu muốn hành nghề khám bệnh, chữa bệnh bắt buộc phải học thêm chương trình bác sĩ y khoa và bác sĩ chuyên khoa, cũng như phải thi chứng chỉ hành nghề. Do đó, chất lượng khám chữa bệnh sẽ siết chặt hơn nhiều so với trước, người bệnh sẽ hưởng lợi. Nếu đề án đổi mới này được phê duyệt, dự kiến đến năm 2020 sẽ áp dụng.

Phải căn cứ vào bối cảnh thực tiễn

Trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội - ĐBQH đoàn Hà Nội cho rằng, việc Bộ Y tế đổi mới phương thức đào tạo bác sĩ và siết chặt điều kiện hành nghề khám chữa bệnh là cần thiết trước yêu cầu cũng như áp lực từ việc phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tránh sai sót chuyên môn, hạn chế xảy ra các sự cố y khoa.

Hiện ở các nước phát triển, chẳng hạn như Hoa Kỳ họ đào tạo một bác sĩ đa khoa giỏi phải mất 10-11 năm nên việc đào tạo một bác sĩ đủ điều kiện hành nghề mất 7 năm như đề xuất nói trên cũng không phải quá khắt khe.

Tuy nhiên, bác sĩ ở các nước phát triển sau khi trải qua quá trình đào tạo kéo dài được đãi ngộ rất tốt, được đảm bảo cả điều kiện sống và điều kiện hành nghề. Còn ở nước ta hiện nay, bác sĩ mới ra trường, mức đãi ngộ của Nhà nước còn khá hạn chế.

“Hơn nữa, với thực tế của Việt Nam chúng ta hiện nay, việc siết chặt quy định về đào tạo, cấp phép hành nghề khám chữa bệnh thế nào cũng phải cân nhắc có lộ trình cho phù hợp, nhất là phải chú ý đến việc làm sao đảm bảo được số bác sĩ trên đầu người để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Việc xây dựng lộ trình phù hợp cũng giúp đảm bảo đào tạo được bài bản hơn, chất lượng đào tạo được nâng cao, có vậy mới hạn chế được các sự cố y khoa, nâng cao sự hài lòng của người dân” - PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn phân tích.

Từ góc độ đó, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho rằng, việc chúng ta đưa ra lộ trình bác sĩ sau khi tốt nghiệp đại học phải được đào tạo thêm 18 tháng, 2 năm hay 3 năm cần phải tính toán trên cơ sở những nghiên cứu thực tế về nhu cầu đào tạo mà chúng ta phải đáp ứng trong thời gian tới.

“Phải thấy rằng bác sĩ ở bệnh viện tuyến trên đương nhiên đòi hỏi chất lượng cao hơn so với bác sĩ ở bệnh viện tuyến dưới, nhất là bác sĩ ở tuyến cơ sở cấp xã, phường thì trình độ chắc chắn hạn chế hơn và yêu cầu về chất lượng cũng có thể chấp nhận mức hạn chế hơn. Nếu chúng ta áp dụng quy định về cấp chứng chỉ hành nghề bác sĩ nói trên một cách đồng loạt, chung cho tất cả thì vô hình trung cản trở sự phát triển của y tế tuyến dưới, bởi đây là tuyến vốn có đội ngũ bác sĩ còn rất thiếu và yếu. Tôi cho rằng một mặt chúng ta vẫn yêu cầu chất lượng đào tạo cao hơn, điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề chặt chẽ hơn với các bác sĩ ở tuyến trên nhằm nâng cao chất lượng y học nước nhà, mặt khác, ở tuyến cơ sở mà chúng ta đã có bác sĩ rồi thì nên tiếp tục đào tạo bồi dưỡng liên tục, cấp chứng chỉ để từng bước nâng cao chất lượng chứ không vội siết chặt ngay” - PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn nêu quan điểm.

Nguyễn Phan

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/tien-si-muon-hanh-nghe-phai-hoc-them/705618.antd