Tiến sĩ Đỗ Tấn Sĩ: Giữ lời hứa rằng mình yêu nước

Tham gia Mặt trận tới 4 khóa liền – là Ủy viên Ủy ban TƯMTTQ VN các khóa 4,5,6,7 – Tiến sĩ Đỗ Tấn Sĩ là một người gắn bó và tâm huyết với việc tham vấn chính sách dành cho kiều bào. Bất cứ ai đã từng gặp ông, đều có thiện cảm sâu sắc về cuộc đời một trí thức thành đạt ở nước ngoài nhưng luôn tận hiến cho đất nước, để rồi đã quyết định trở về.

Tiến sĩ Đỗ Tấn Sĩ trong lần tặng sách Toán học bằng tiếng Anh
và tiếng Pháp cho Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh, Đồng Nai. (Ảnh: Mỹ Ngôn).

Năm 1964, tốt nghiệp cử nhân toán ở Sài Gòn. Năm 1966, chàng trai Đỗ Tấn Sĩ được học bổng làm Tiến sĩ Vật lý tại Bỉ. Năm 1971, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ngành Vật lý tại Đại học Tự Do Bruxelles. Sau đó, ông tham gia trợ giảng tại Đại học Quốc gia Mons. Đó là những năm tháng không đơn thuần chỉ sống trong vai trò của một nghiên cứu sinh. Ông kể rằng dù học ở Sài Gòn rồi ra nước ngoài làm nghiên cứu, lòng ông nặng trĩu tâm tư khi nghĩ về thân phận của một đất nước nhược tiểu. Và như một lẽ tự nhiên, ông quyết định chọn con đường đứng bên những người Việt Nam đang dấn thân đấu tranh cho giải phóng ở quê nhà.

“Đó là năm 1968. Trong căn phòng ọp ẹp gần nhà ga Watermael ở Bruxelles, các anh Hồ Văn Thi Sĩ, Trần Quang Minh, Ngô Đức Chí, Trương Minh Hùng, từ thành phố Liege đến bắt liên lạc với tôi. Sau khi trao đổi nhanh, chúng tôi quyết định lập tờ báo với tên gọi Giải Phóng. Mục tiêu của báo là ủng hộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, tuyên truyền chống chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam. Báo được chuyển qua đường bưu điện đến các du học sinh ở Bỉ. Cho tới bây giờ, tôi vẫn còn nghẹn ngào nguyên cảm xúc của ngày trọng đại ấy" – ông Đỗ Tấn Sĩ xúc động kể.

Rất nhanh chóng, ông và những người Việt Nam yêu nước đã trở thành "địa chỉ đỏ” của Cách mạng ở bên ngoài Tổ quốc, góp phần quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ở trong nước thắng lợi. Suốt từ đó cho đến khi Hiệp định Paris được ký kết, phong trào chủ yếu là đấu tranh giải phóng. Ông trở thành Phó chủ tịch rồi Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Bỉ. Khi đất nước chưa giải phóng thì đấu tranh giải phóng, khi đất nước giải phóng rồi thì Hội có vai trò quảng bá cho quê hương mình và đóng góp xây dựng đất nước. Ông bảo rằng hầu như 10 năm đầu sau ngày thống nhất, khi chính sách kiều bào còn chưa được như sau này, Hội người Việt Nam tại Bỉ vẫn nỗ lực hỗ trợ cho việc tái thiết đất nước trong lĩnh vực y tế, giáo dục, xây dựng trường, bệnh xá ở quê nhà…

Tự mình nhớ lại, ông khá tự hào: "Công tác kiều bào tại Bỉ đã thành công lớn về chất lượng. Năm 1982, chúng tôi cùng Hội Hữu Nghị Việt - Bỉ mua và xây dựng công trình Nhà Việt Nam bề thế tại Bruxelle.Từ năm 1982 đến 1992, đây là nơi đi về chính thức của Đại sứ Việt Nam ở Pháp (kiêm nhiệm Bỉ). Ngoài ra, là nơi kiều bào lui tới gặp gỡ hỏi thông tin...". Để giữ gìn bản sắc dân tộc, ngay từ năm 1975, Hội đã thành lập một đoàn văn nghệ tên là Trường Sơn. Tháng 3/1984, Hội đã tổ chức thành công đêm hát "Đời Cô Lựu" tại Bruxelles: "Đêm diễn hôm ấy có hàng trăm kiều bào Bỉ ngồi chật kín khán phòng. Đến bây giờ trong nước vẫn còn "nợ" phong trào chúng tôi bởi không ai còn nhớ đến đêm diễn ở Bruxelles, nơi khai sinh biệt danh “cô Bảy cán vá” của nghệ sĩ Ngọc Giàu, nơi bà con kiều bào đã đồng loạt đứng dậy vỗ tay thật lâu khiến màn nhung phải mở lại 2-3 lần cho nghệ sĩ cúi chào cảm ơn mà vẫn chưa dứt".

Gặp gỡ TS.Đỗ Tấn Sĩ, ấn tượng rất lâu về một trí thức chân thành. Ông nói chậm rãi, không một chút màu mè, giản dị, hồn hậu mà đầy nỗi tha thiết và trăn trở.

Cuộc sống ở Bỉ đầy đủ, có nhà cửa, vợ con. Nhưng năm 1996, khi con út vào đại học, ông để vợ con ở lại Bỉ và xin về nước. Nói về quyết định đột ngột vào thời điểm ấy, ông bảo: “Về nước phù hợp với nguyện vọng của tôi, đây là nơi sống phù hợp với mình nhất, hòa hợp với văn hóa xung quanh, có môi trường thích hợp với mình, có bà con, bạn bè. Hơn nữa, mình đã nói rằng mình yêu nước thì mình phải về nước!

Về nước phù hợp với nguyện vọng riêng, phù hợp với lời hứa của mình với đất nước là mình yêu nước, tôn trọng điều mình suy nghĩ rằng tôi thấy nước Việt Nam tốt đẹp thì tôi về Việt Nam sinh sống, không phải nói một đằng làm một nẻo! Tôi thấy tôi làm đúng.”

Năm 1996, ông viết đơn xin hồi hương và được phân công công tác trong Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài tại TP HCM cho đến khi về hưu năm 2002. Bây giờ thì cả vợ ông cũng về. Hai vợ chồng ông ở Việt Nam, còn con cái thì ở bên kia.

“Khi ông Nguyễn Cao Kỳ về nước, Chủ tịch Mặt trận Phạm Thế Duyệt lúc ấy đã tiếp đón nồng hậu. Tôi thấy càng ngày Mặt trận càng nói lên tiếng nói của kiều bào nhưng phải "tăng tốc” hơn nữa trong những vấn đề cấp bách hiện nay đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.” – TS Đỗ Tấn Sĩ, nguyên Ủy viên Ủy ban TƯMTTQ VN 4 khóa liền trăn trở vẫn với một vẻ rất chậm rãi và bình thản.

Tiến sĩ Đỗ Tấn Sĩ.

Ông bảo năm 1997, đánh dấu một mốc quan trọng trong chính sách kiều bào của chúng ta, có thể nói là cái mốc thay đổi hẳn cách nhìn. Từ năm 1997, người Việt Nam ở trong nước đều được đi ra nước ngoài bằng hộ chiếu, đồng thời cho tất cả người Việt Nam dù ra đi vì bất cứ hoàn cảnh nào thì đều có thể trở về đất nước. Tổng Bí thư Đỗ Mười lúc đó nói: Kiều bào là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc…

“Từ đó cho tới bây giờ chúng ta cho phép kiều bào có thể giữ quốc tịch Việt Nam lâu dài, chính sách mua nhà cũng khá hơn xưa. Nhưng thực tế cũng còn rất nhiều khó khăn.Xin được một bộ hồ sơ, hộ chiếu cũng khá phức tạp. Ở thành phố lớn xin nhập hộ khẩu dễ nhưng ở địa phương không phải dễ, mặc dù chính sách đã cho rồi nhưng địa phương nhiều khi người ta không xét.” – ông Sĩ tâm sự. Và ông bảo ông muốn đặt ra một câu hỏi: Bây giờ chúng ta có hơn 4 triệu kiều bào, vậy chúng ta hình dung ra cộng đồng người Việt ở nước ngoài ngày một ít đi hay nhiều lên? Chúng ta đã bao giờ đặt vấn đề muốn cộng đồng ấy phát triển lên hay ngày một ít đi? Điều này liên quan đến một câu hỏi khác: Cộng đồng hiện nay có ích lợi gì cho đất nước?

Khi nghe hỏi cá nhân ông, từng lăn lộn trong cộng đồng ấy, sẽ trả lời thế nào. Ông không ngần ngại nói: Cá nhân tôi trả lời là cộng đồng mang nhiều thuận lợi cho đất nước hơn là bất lợi. Và chúng ta chưa khai thác được hết nguồn lực kiều bào. Nước Mỹ người ta mạnh vì thu hết chất xám các nơi về. Hàn Quốc và Nhật cũng đã làm như thế, còn chúng ta thì vẫn chưa làm được nhiều.

Ông Đỗ Tấn Sĩ khẳng định: Rõ ràng chúng ta thấy cộng đồng sẽ phải tồn tại lâu dài, và đó là một nguồn lực của đất nước. Vậy chính sách cho kiều bào phải thúc đẩy cộng đồng phát triển. Mặt trận cần phải có ý kiến để chính sách phải đi nhanh, khuyến khích và tận tình giúp kiều bào xin lại quốc tịch Việt Nam, và xin quốc tịch Việt Nam cho con cháu họ ở bên đó nữa. Sau khi có quốc tịch rồi thì để họ nhập hộ khẩu, cấp chứng minh nhân dân để họ có thể mua nhà cho chính mình và cho con cháu.

Có một vấn đề nữa là dạy tiếng Việt cho trẻ con người Việt Nam ở nước ngoài. Người trí thức kiều bào giờ về sống giữa lòng quê hương trăn trở: “Như thế hệ chúng tôi ngày xưa sống xa Tổ quốc mà lòng thì theo Bác Hồ, Bác Tôn, theo bác Phạm Văn Đồng, bác Giáp... Bây giờ thấy con cháu mình không hướng về Tổ quốc thì cũng rất thất vọng. Cháu ngoại tôi ở bên đấy đứa cả bố, cả mẹ người Việt thì nói được tiếng Việt rất rõ, còn đứa bố người Bỉ thì phải học cả hai thứ tiếng nhưng tiếng Việt thì chỉ biết một ít như con cua, con cá… Bởi thế tôi trăn trở nhất là việc dạy tiếng Việt cho những thế hệ sau. Nếu những thế hệ tiếp theo mà càng ngày càng không biết tiếng Việt, không có chút liên quan gì đến Việt Nam thì liệu 100 năm sau, kiều bào mình còn được 4 triệu như bây giờ không?”

Không tham gia MTTQ VN khóa VIII, ông Đỗ Tấn Sĩ trở về với công việc khoa học trong một nếp sống giản dị ở TP Biên Hòa bên bờ sông Đồng Nai. Mỗi năm vợ chồng ông sang Bỉ thăm con cháu vài tháng – nơi ngập tràn những kỷ niệm của một thời tuổi trẻ đầy nhiệt huyết mà mọi hoạt động của ông đều nhất nhất hướng về quê hương.

Thành Vĩnh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/tien-si-do-tan-si-giu-loi-hua-rang-minh-yeu-nuoc/110380