Tiến Minh: Trưởng thành từ nghề diễn đến nhạc sĩ

(Toquoc)-Bén duyên với nghệ thuật thứ 7 trước, cũng đã có nhiều vai diễn, nhưng nhắc tới Tiến Minh, người ta vẫn nhớ đến anh ở một vai trò khác- một nhạc sĩ sáng tác các ca khúc cho phim. Tiến Minh chia sẻ, âu đó cũng là cái duyên trời định, chứ ban đầu, anh cũng không nghĩ mình sẽ trở thành một nhạc sĩ và gắn bó lâu dài với nghề này.

Vốn là diễn viên Nhà hát kịch Hà Nội, Tiến Minh có khuôn mặt hiền lành, đủ để người đối diện cảm thấy “đáng tin cậy”. Có lẽ cũng bởi vậy mà anh được các đạo diễn giao cho nhiều vai chính diện như trong “Tình thắm Sapa”, “Nhọc nhằn cửu vạn”, “Hoa cúc trắng”. Nhưng rồi vài năm trở lại đây, ngoại hình có đôi chút thay đổi do béo hơn nên anh được “chuyển vai” sang các vai phản diện như trong “Con đường hạnh phúc”, “Đi qua bóng tối”... Nhưng có lẽ, bước chuyển ý nghĩa và lớn nhất với anh chính là chuyển từ nghề diễn sang sáng tác ca khúc. Đến nay, anh đã sở hữu trong tay hơn 20 ca khúc nhạc phim. Trong đó có thể kể các ca khúc trong các phim được nhiều khán giả yêu thích như Con đường hạnh phúc, Đi qua bóng tối, Để mãi có nhau… và đặc biệt là Vệt nắng cuối trời. Với ca khúc này, thực sự tên tuổi Tiến Minh đã vụt sáng trên lĩnh vực mới- âm nhạc.

- Không ít khán giả bất ngờ khi Tiến Minh vốn dấn thân ở điện ảnh lại ghi danh ở lĩnh vực âm nhạc khi vừa hát vừa sáng tác nhạc phim. Vậy ai là người đã "khai quật" tài năng âm nhạc của anh?

Người đầu tiên phát hiện ra khả năng của tôi là đạo diễn Hoàng Thanh Du. Anh trước cũng là diễn viên của Nhà hát kịch Hà Nội, sau đó học đạo diễn, hiện giờ là trưởng phòng phim truyện HD của VTC. Đó là vào năm 1999, tôi cùng anh Du và đoàn làm phim lên Sa Pa để thực hiện bộ phim Nhọc nhằn cửu vạn. Bộ phim được đầu tư rất hoành tráng khi mời riêng một nhạc sĩ đi cùng đoàn để sáng tác nhạc cho phim. Khi nghe bản nhạc của anh nhạc sĩ đó, anh Du loay hoay, trằn trọc mãi. Trong bài hát có một trường đoạn diễn viên (đó cũng là vai diễn của tôi) phải hát trực tiếp trong phim song dường như đạo diễn chưa ưng ý lắm.

Diễn viên Tiến Minh giờ đây được nhiều khán giả nhớ đến với vai trò sáng tác ca khúc trong phim

Thấy anh Du loay hoay gác trường đoạn chưa quay, đêm về tự nhiên tôi tức cảnh sinh tình, cứ thế cầm bút viết. Bản thân lúc ấy đang ở giữa rừng, nhạc cụ không có, nên chỉ hình dung giai điệu và tự nhớ vậy thôi. Hôm sau quay xong, trong lúc ăn cơm, tôi gợi ý với anh Du, nhưng cũng còn xấu hổ nên không dám nói thật mà chỉ nói: "Em có nghe bài này âm hưởng cũng gần giống với phim, anh xem có được không?" Nghe tôi hát xong, anh Du bảo: "Đúng là bài hát này rồi". Khi ấy, anh Du mới hỏi tôi nhạc sĩ là ai, xin tác quyền ra sao, phối khí như thế nào? Lúc ấy tôi mới mạnh dạn thú nhận, đó là sáng tác của mình, bản phối chưa có mà do tôi vừa viết. Anh Du khoái lắm, lấy luôn bài hát đó làm nhạc phim.

- Sau buổi đầu ‘chạm ngõ’ âm nhạc ấy, anh ngày càng trở thành “địa chỉ tin cậy” cho các đạo diễn muốn tìm ca khúc hay cho phim của mình?

Thực ra mọi chuyện cũng rất tình cờ. Tôi chơi với đạo diễn Vũ Minh Trí, chơi cũng khá lâu nhưng chính anh lại không biết tôi viết nhạc. Một hôm tình cờ ngồi “chém gió” với diễn viên Công Lý, lúc ấy đang đợt làm phim hài Tết. Anh Lý có nói với đạo diễn Vũ Minh Trí về chuyện để tôi viết nhạc cho phim. Lúc đầu mọi người không tin nhưng cũng để tôi thử sức xem sao. Ca khúc Xuân cười ra đời, sau này được Thùy Chi hát nên càng nhiều người biết đến hơn. Đạo diễn Vũ Minh Trí rất vui nên về sau này, tôi trở thành nhạc sĩ ruột của anh luôn.

- Thời gian gần đây, tên tuổi Tiến Minh gắn liền với các ca khúc nhạc phim như: Con đường hạnh phúc, Vệt nắng cuối trời, Yêu, Vòng đời... Cảm giác của anh như thế nào khi được công chúng nhắc đến nhiều như vậy?

Bản thân tôi trước thường không để ý lắm, vì nhiều năm trong lĩnh vực điện ảnh, tôi thấy rằng, khâu hậu kỳ âm nhạc trong phim thường không được để ý, hay nói khác đi là rất nhạt nhòa, không có chỗ đứng trong khán giả. Thế nhưng tình hình đã thay đổi. Khi mọi người bảo tôi rằng, các ca khúc nhạc phim của tôi đang rất được yêu thích, tôi thậm chí vẫn còn tưởng rằng mọi người trêu đùa nên cũng không quan tâm lắm. Nhưng rồi thấy báo chí viết, đi ra đường thấy mọi người cũng tới hỏi han rất nhiều, tôi cũng thấy "lên được vài chân kính" (Cười). Thực sự thì thấy hơi bất ngờ và cũng rất vui!

- Trong đĩa hài Tết 2012 của Công ty nghe nhìn Thăng Long vừa qua, anh cũng được mời viết nhạc. Đây có phải là lần đầu tiên anh thử sức với nhạc hài?

Thực ra trước đây tôi cũng làm nhiều, nhưng chủ yếu làm cho các phim hài Tết của Trung tâm sản xuất phim truyền hình (VFC). Thế nhưng đó thường là những phim 1 tập, có độ dài khoảng 70 phút, còn làm nhạc cho đĩa hài Tết thì đúng là lần đầu tiên. Cũng phải đắn đo suy nghĩ khi nhận lời vì chưa có kinh nghiệm làm nhạc để phát hành đĩa, bản thân cũng chưa hình dung đĩa dạng gì. Hơn nữa tính tôi thường đòi hỏi cao, yêu cầu cao mà không phải nhà sản xuất nào cũng đáp ứng. Nghệ sĩ Xuân Hinh, một người anh thân thiết của tôi đã giới thiệu tôi viết nhạc cho đĩa của anh ấy và động viên tôi tham gia. Thực chất, trước đó, đạo diễn Phạm Đông Hồng cũng đã mời tôi hợp tác trong đĩa hài Tết này.

- Cái khó của viết nhạc hài so với nhạc phim chính luận, phim tâm lý xã hội là gì, thưa anh?

Phim hình sự hay phim tâm lý viết nhạc đơn giản hơn nhiều. Chủ đề thường xuyên suốt các tập phim nên cứ dựa vào chủ đề là viết được nhạc phù hợp. Còn đĩa hài tập hợp 2, 3 tiểu phẩm, mỗi tiểu phẩm là một tông nhạc riêng.

Khi viết 2 bản nhạc cho 2 đĩa hài: Tết Văn Lang cả làng nói phét và Xuân Hinh kén chồng, tôi mất khá nhiều thời gian so với những lần sáng tác trước, có khi lâu gấp 2, gấp 3 thời gian. Đôi khi những bộ phim tâm lý xã hội bình thường có thể vuốt mềm nhưng nhạc hài phải tính từng khung hình, từng giai điệu phải phù hợp hành động của diễn viên. Với hài, âm nhạc như tiếng nói của diễn viên, nên bắt buộc anh phải làm rất tỉ mỉ, kỹ càng từng khung hình. Dẫu khó nhưng tôi cũng cố gắng để âm nhạc phù hợp với màu sắc từng đĩa hài.

- Anh có nhận lời chê nào về nhạc hài không?

Lúc tôi làm xong, đạo diễn Phạm Đông Hồng nghe và chỉ tủm tỉm cười, anh chỉ bảo, tôi sẽ cắt bớt nhạc đi. Thực ra không cứ âm nhạc mà bất cứ vấn đề nào cũng thế, mỗi người có quan điểm riêng, khen chê là điều đương nhiên. Tất nhiên tôi không bao giờ muốn bị chê. Tôi đã cố gắng hết sức với bản năng của mình, hiểu biết và cả vốn liếng của mình. Có khi tôi làm dở mọi người chê nhưng làm hay cũng chưa chắc mọi người đã khen. Nói vậy tôi cũng rất tự tin, chắc cũng không đến nỗi quá tệ để bị chê.

- Bỏ túi hơn 20 ca khúc nhạc phim, đã bao giờ anh sáng tác riêng cho mình hay chưa?

Cái đó với mình quả là xa xỉ! Nhiều khi cũng tự nhủ sẽ viết bài nào đó để làm kỷ niệm nhưng không hiểu sao cứ cầm bút lên mà không viết được chữ nào. (Cười)

- Sắp tới anh đã có kế hoạch gì chưa?

Năm nay tôi cũng rất bận rộn. Hiện đang làm dự án viết nhạc cho một vở nhạc kịch của Mỹ, do Nhà hát kịch Hà Nội, đạo diễn NSƯT Trung Hiếu dàn dựng. Cốt truyện, nội dung, nhân vật, bối cảnh lịch sử và không gian, thời gian đều là ở Mỹ nhưng âm nhạc lại phải là ca trù của Việt Nam. Làm dự án này, tôi đã vật vã suốt 4 tháng trời, giờ cũng đã hòm hòm. Nhưng chưa biết được mọi người có thích hay không?

- Vâng, xin cảm ơn anh!

Minh Anh

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/Sites/vi-vn/details/12/nghe-thuat-bieu-dien/107078/tien-minh-truong-thanh-tu-nghe-dien-den-nhac-si.aspx