Tiền mất, tật mang vì... làm đẹp

Tiêm chất silicon lỏng, chất làm đầy vào cơ thể khiến không ít phụ nữ bị biến chứng hoại tử, xơ hóa vùng tiêm phải vào bệnh viện phẫu thuật. Họ không chỉ bị đau đớn về thể xác mà còn gánh chịu chi phí khổng lồ để khắc phục lỗi thẩm mỹ, nhưng tiền mất mà vẫn không thể tái tạo 100% hình dạng cơ thể như ban đầu.

Làm đẹp thiếu hiểu biết

Tuần qua, Bệnh viện Trưng Vương - TP Hồ Chí Minh đã phải tiến hành 3 ca phẫu thuật lấy silicon lỏng được tiêm vào vùng mặt, mũi, ngực gây ra biến chứng nặng nề cho 3 phụ nữ. Bệnh nhân đầu tiên là chị N.T.A, 47 tuổi, đến từ An Giang, phải phẫu thuật kéo dài 3 giờ đồng hồ để khắc phục hậu quả từ việc thẩm mỹ. Tỉnh dậy sau ca phẫu thuật, chị A bàng hoàng khi 2 ngực của mình đã bị cắt bỏ toàn bộ vì khối silicon năm xưa đã vôi hóa và gây nhiễm trùng các mô mỡ. Bác sĩ thông báo chị sẽ phải trải qua một ca phẫu thuật nữa mới có thể tái tạo ngực. Trên giường bệnh, chị N.T.A kể: “Năm 2007, tôi đã tiêm 6 mũi silicon lỏng giá 30 triệu đồng tại vùng má và ngực. Được chừng 5-6 năm sau thì ngực tôi đau triền miên, đi khám qua nhiều bệnh viện nhưng không chữa khỏi. Khi đến Bệnh viện Trưng Vương các bác sĩ mới phát hiện nguyên nhân gây đau của tôi là do khối silicon lỏng tiêm vào...".

Nằm điều trị cùng chị A là bà N.T.X - một Việt kiều Mỹ đã ngoài 60 tuổi vừa vượt hơn nửa vòng trái đất về Việt Nam để chữa trị khuôn mặt sần sùi do silicon. Cách đây 20 năm, lúc bà X đang sinh sống tại Sài Gòn, đã nhờ một thầy lang dạo tiêm silicon vào má để có khuôn mặt căng mọng. Nhưng theo thời gian, khuôn mặt tiêm silicon của bà bị biến dạng, má xập xệ và mặt cứng đờ như tượng sáp. Vài năm trở lại đây, vùng mặt bà bị đau, nhưng vì điều kiện kinh tế bên Mỹ hạn hẹp nên phải về TP Hồ Chí Minh để phẫu thuật lấy silicon ra.

Bệnh nhân thứ 3 chúng tôi tiếp xúc là bà L.N.T, 60 tuổi, ngụ tại TP Hồ Chí Minh. Cách đây gần 10 năm, bà T đã tiêm một lượng lớn silicon lỏng vào mũi. Hai năm trở lại đây, mũi của bà đã nhiễm trùng nặng và hoại tử toàn bộ. Chạy chữa qua nhiều bệnh viện với 12 lần mổ nhưng bà vẫn chưa lấy hết được silicon. Toàn bộ vùng mũi biến dạng hoàn toàn, da mũi chỉ một màu đen kịt, bà T phải trải qua thêm 3 ca phẫu thuật gồm: Cắt lọc vùng mũi bị hoại tử, lấy da từ trán để ghép vào mũi và tạo hình lại mũi.

Bác sĩ Phạm Trịnh Quốc Khanh - Trưởng khoa Phẫu thuật - Tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Trưng Vương nói: “Thời gian qua, bệnh viện chúng tôi tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân tiêm silicon lỏng vào cơ thể đã bị biến chứng. Đây là silicon công nghiệp đã được Mỹ cấm sử dụng trực tiếp để làm đẹp từ năm 1990, nhưng không hiểu vì sao vẫn được tiêm lậu tràn lan ở Việt Nam. Các bệnh nhân tiêm silicon làm đẹp nhẹ thì bị viêm nhiễm, nặng thì bị hoại tử toàn bộ vùng da được tiêm, cũng có người tử vong ngay sau tiêm vì biến chứng tắc mạch".

Nhiều nỗi lo khác

Khi các bác sĩ Bệnh viện Trưng Vương phẫu thuật cắt bỏ ngực cho chị N.T.A, cũng phát hiện trong ngực chị A ngoài silicon còn có 2 khối u kích thước 5mm và đang làm xét nghiệm để tìm hiểu đây là u gì. Biết được chuyện này, chị N.T.A rất sợ hãi, vì người tiêm silicon cho chị cũng đã tự mình tiêm silicon vào ngực, hiện đã bị ung thư vú giai đoạn cuối. Không chỉ mình chị A, nhiều phụ nữ lỡ tiêm silicon vào ngực và các bộ phận khác trên cơ thể đã tìm đến các bệnh viện lớn TP Hồ Chí Minh để phẫu thuật, khắc phục hậu quả do lo sợ nguy cơ ung thư.

Bác sĩ Phạm Trịnh Quốc Khanh - Trưởng khoa Phẫu thuật - Tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Trưng Vương cho biết: “Chưa có bằng chứng khoa học nào khẳng định việc tiêm silicon là nguyên nhân dẫn đến ung thư. Tuy nhiên, bệnh nhân đã bơm silicon vào vùng ngực thì vùng mô mỡ bị xơ hóa sẽ không tầm soát được ung thư vú, đó là điều nguy hiểm làm tăng khả năng bị ung thư cho bệnh nhân. Ngoài ra silicon lỏng xâm lấn cơ thể, gây viêm nhiễm các mô mỡ cũng có thể là điều kiện gây ra ung thư”.

Nhân cơ hội này nhiều thẩm mỹ viện, spa tại TP Hồ Chí Minh đã tung ra dịch vụ hút bỏ 90-100% silicon ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, theo bác sĩ Khanh, đây chỉ là chiêu thức quảng cáo. Trên thực tế, silicon lỏng bơm vào cơ thể sẽ di chuyển khắp nơi, nằm lẫn lộn với các mô mỡ nên không thể hút bỏ, chỉ có cách phẫu thuật lấy ra, nhưng cũng không thể hết. Bác sĩ Trần Lê Hồng Ngọc - Khoa Phẫu thuật - Tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Trưng Vương cho biết: “Nhiều lần phẫu thuật cho bệnh nhân tiêm silicon vào mũi, tôi phát hiện silicon đã di chuyển lên vùng mắt của bệnh nhân, rất nguy hiểm và không dám lấy ra”.

Thống kê trên thế giới cho thấy, khoảng 5% khách hàng sử dụng phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ gặp biến chứng, nhưng tại Việt Nam hiện nay tỷ lệ này đang ở mức 15%. Trước thực trạng này, các bác sĩ khuyến cáo phụ nữ cần hết sức thận trọng khi làm đẹp, kẻo tiền mất tật mang.

Tuệ Diễm

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Lam-dep/850175/tien-mat-tat-mang-vi-lam-dep-