Tiền lương phải tương xứng với “lao động đặc biệt”

QĐND Online - Cục Tài chính (Bộ Quốc phòng)-cơ quan thường trực Ban chỉ đạo tiền lương Bộ Quốc phòng vừa phối hợp với một số bộ, ngành Trung ương và các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng tiến hành nghiên cứu, khảo sát thực trạng chính sách tiền lương, thu nhập và đời sống của cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức quốc phòng nhằm hoàn chỉnh Đề án “Cải cách chính sách tiền lương quân đội giai đoạn 2010-2020”. Nhằm cung cấp thông tin tới bạn đọc xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Đại tá Nguyễn Ngọc Kiên, Trưởng phòng Chế độ chính sách, Cục Tài chính.

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, việc nghiên cứu, khảo sát chính sách tiền lương và thu nhập, đời sống của quân nhân được thực hiện như thế nào? Đại tá Nguyễn Ngọc Kiên: Từ ngày 13-6 đến ngày 8-7-2011, Cục Tài chính đã phối hợp với một số bộ, ngành Trung ương và các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng tiến hành nghiên cứu, khảo sát tại một số cơ quan, đơn vị đại diện cho các khu vực, các lĩnh vực hoạt động quân sự gồm: Quân khu 3; Quân đoàn 3; Tổng cục Kỹ thuật; Quân chủng Hải quân; Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng... nhằm đánh giá đúng thực trạng chính sách tiền lương, thu nhập và đời sống của cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức quốc phòng; đánh giá những mặt được cũng như chưa được của chính sách tiền lương hiện hành làm cơ sở cho việc cải cách chính sách tiền lương giai đoạn 2010-2020. Đoàn công tác đã làm việc theo đúng kế hoạch và đạt được mục đích đề ra. PV: Đồng chí cho biết một số nét khái quát về thực trạng chính sách tiền lương hiện hành và thu nhập, đời sống của quân nhân hiện nay? Đại tá Nguyễn Ngọc Kiên: Qua nghiên cứu, khảo sát thực trạng chính sách tiền lương, thu nhập và đời sống của cán bộ, chiến sĩ đang tại ngũ cho thấy, chính sách tiền lương hiện hành (được thực hiện từ năm 2004) đã cơ bản phù hợp với yêu cầu về tổ chức biên chế và hoạt động đặc thù của quân đội. Quá trình tổ chức thực hiện, các cơ quan chức năng đã xây dựng được hệ thống phụ cấp đặc thù quân sự tương đối hoàn chỉnh nên cơ bản đã duy trì và bảo đảm được tương quan tiền lương như đã xác lập... Tuy nhiên, thời gian qua tiền lương quân đội được điều chỉnh chưa tương ứng với mức tăng giá sinh hoạt và mức tăng trưởng của nền kinh tế nên đã ảnh hưởng lớn đến thu nhập thực tế và đời sống của các đối tượng trong quân đội. Đối tượng sĩ quan trẻ (Thiếu úy, Trung úy) hiện đang gặp rất nhiều khó khăn do tiền lương thấp. Hằng tháng, sau khi trừ các khoản (tiền ăn, bảo hiểm xã hội và chi cho các nhu cầu tối thiểu khác), sĩ quan cấp Thiếu úy, Trung úy chỉ nhận được khoảng 2 triệu đồng, hầu như không có tích lũy. Trong khi phần lớn sĩ quan phải sống xa nhà, chưa có nhà riêng, chi phí đi lại khá cao... Với đối tượng quân nhân chuyên nghiệp còn khó khăn hơn vì có mức lương thấp hơn. Với công nhân viên chức quốc phòng, mặc dù được hưởng phụ cấp quốc phòng-an ninh (30% hoặc 50%) nhưng chưa được hưởng phụ cấp đặc thù quân sự nên mức phụ cấp chỉ bằng, thậm chí thấp hơn cả phụ cấp ưu đãi đối với công chức, viên chức của một số ngành khác (ví dụ viên chức ngành giáo dục là 70%). Công chức quốc phòng cũng chưa được hưởng phụ cấp thâm niên nghề... Tóm lại, tiền lương thực tế của đa số sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp và công nhân viên chức quốc phòng còn thấp, ít có tích lũy và ít có điều kiện để giúp đỡ gia đình. PV: Vậy thời gian tới, chính sách tiền lương trong quân đội sẽ được thực hiện theo hướng nào, thưa đồng chí? Đại tá Nguyễn Ngọc Kiên: Lao động quân sự là lao động đặc biệt. Cán bộ, chiến sĩ phải làm việc không kể thời gian, môi trường làm việc độc hại, đồng thời luôn sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ Tổ quốc. Bởi vậy chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ, người lao động trong quân đội nhằm góp phần xây dựng quân đội vững mạnh, chính quy là chủ trương nhất quán của Đảng, nhà nước. Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Ban chỉ đạo tiền lương Bộ Quốc phòng đang nghiên cứu hoàn chỉnh Đề án cải cách tiền lương trong quân đội giai đoạn 2010-2020 theo hướng tiền lương sẽ tương xứng với tính chất đặc biệt của lao động quân sự. Trước mắt, Bộ Quốc phòng sẽ kiến nghị thực hiện một số vấn đề chính như sau: 1. Đề nghị Chính phủ ban hành nghị định riêng quy định về chế độ tiền lương trong quân đội, trong đó quy định các bảng lương (bảng lương cấp hàm sĩ quan; bảng lương quân nhân chuyên nghiệp; bảng phụ cấp quân hàm hạ sĩ quan, binh sĩ; bảng phụ cấp chức vụ lãnh đạo) và các loại phụ cấp, trợ cấp được hưởng (nhóm phụ cấp, trợ cấp của cán bộ, công chức nhà nước; nhóm phụ cấp, trợ cấp đặc thù quân sự); 2. Áp dụng hệ số điều chỉnh bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu chung để làm căn cứ tính các mức lương trong bảng lương và các khoản phụ cấp lương của các đối tượng trong quân đội; 3. Sửa đổi, bổ sung, thu gọn bảng lương quân nhân chuyên nghiệp theo hướng giảm bớt số bậc trong loại quân nhân chuyên nghiệp cao cấp và thực hiện chế độ thâm niên vượt khung; điều chỉnh nâng mức tiền lương trong loại, chế độ nâng lương thường xuyên hằng năm; 4. Ngoài phụ cấp quốc phòng-an ninh (mức 50%), đề nghị thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên nghề đối với công nhân viên chức quốc phòng (được tính đóng hưởng bảo hiểm xã hội); 5. Đề nghị cho hạ sĩ quan, binh sĩ được hưởng phụ cấp quân hàm và hưởng phụ cấp thêm theo quy định; 6. Quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng được hưởng các khoản phụ cấp, trợ cấp của cán bộ, công chức nhà nước có cùng điều kiện làm việc, được hưởng chế độ phụ cấp đặc thù quân sự và một số chế độ phụ cấp, trợ cấp như: Phụ cấp tăng cường cơ sở; phụ cấp xa gia đình; phụ cấp chiến đấu; chế độ trợ cấp nhà ở... Khi Chính phủ điều chỉnh tiền lương tối thiểu chung và quan hệ tiền lương tối thiểu-trung bình-tối đa thì tiền lương quân đội cũng được điều chỉnh tương ứng. Chúng tôi mong rằng, những kiến nghị nêu trên sẽ được các bộ, ngành chức năng ủng hộ và Đề án cải cách tiền lương trong quân đội giai đoạn 2010-2020 sẽ sớm được thực hiện. PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí! Trung Kiên (thực hiện)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/4/39/39/154951/Default.aspx