Tiến hành thanh tra ngân hàng Vietcombank

Thanh tra Chính phủ (TTCP) đang tiến hành thanh tra ngân hàng TMCP ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã: VCB) về các hoạt động tín dụng, đầu tư tài chính, mua sắm tài sản trong giai đoạn 2014-2015. Liệu Vietcombank có tuân thủ đúng các quy định pháp luật, những vi phạm nào sẽ bị “điểm mặt”, đưa ra ánh sáng?

Ngày 12/4, TTCP đã công bố Quyết định số 635/QĐ-TTCP ngày 30/3/2016 về việc chấp hành pháp luật của ngân hàng Vietcombank, cụ thể là: hoạt động tín dụng, đầu tư tài chính, đầu tư mua sắm ở giai đoạn 2014-2015. Thời gian thanh tra là 60 ngày.

Đoàn thanh tra do ông Nguyễn Quang Thía, Vụ trưởng Vụ II, làm Trưởng đoàn cùng các tổ giám sát đoàn thanh tra, tổ thẩm định và xử lý sau thanh tra…

Tín dụng tăng trưởng “nóng”

Cuộc thanh tra Vietcombank nằm trong kế hoạch thanh tra năm 2016 đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, gồm nhiều doanh nghiệp nhà nước lớn như: Vietnam Airlines, Vinatex, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB)…

Quyết định thanh tra Vietcombank được công bố chỉ vài ngày trước cuộc họp ĐHCĐ thường niên của ngân hàng này, dự kiến vào ngày 15/4 tới. Từ khi cổ phần hóa (năm 2008) đến nay, Vietcombank liên tục gây ấn tượng về tốc độ tăng trưởng quy mô vốn, mạng lưới, tín dụng, cổ tức cao… và nhanh chóng vươn lên nhóm ngân hàng có lợi nhuận cao nhất hệ thống.

Dù vậy, trước cuộc thanh tra này, không ít cổ đông băn khoăn liệu những sai phạm nào của Vietcombank sẽ hé lộ, mức độ có nghiêm trọng, có gây thiệt hại mất vốn nhà nước?

Trước đó, TTCP cũng đã thanh tra Vietinbank và phát hiện nhiều sai phạm cả trong hoạt động huy động vốn, cho vay, thậm chí có một số vụ việc sai phạm nghiêm trọng phải chuyển cơ quan điều tra.

Được biết, trong giai đoạn 2014-2015, hoạt động tín dụng của Vietcombank bất ngờ tăng trưởng “thần tốc” sau thời gian chật vật bị “ế” vốn do thị trường khó khăn. Cụ thể, dư nợ cho vay năm 2014 chỉ tăng 13,74% (tương ứng tăng thêm 33.147 tỷ đồng) lên 274.314 tỷ đồng. Năm 2015, tín dụng tăng mạnh tới 19,73%, lên mức 387.151 tỷ đồng song xét số tuyệt đối, dư nợ tăng thêm 63.813 tỷ đồng, cao gấp đôi mức tăng trưởng của năm 2014.

Dư nợ cho vay tăng nhanh kéo theo quy mô nợ xấu cũng tăng vọt, cuối năm 2013, Vietcombank có khoảng 7.205 tỷ đồng, tăng lên 7.462 tỷ đồng (chiếm 2,74% dư nợ) vào cuối năm 2014, giảm còn 7.137 tỷ đồng (tỷ lệ 1,84%) cuối năm 2015.

Điều đáng lo là chất lượng nợ xấu kém hơn khi nợ nhóm 5 – có nguy cơ mất vốn tăng thêm hơn 2.000 tỷ đồng so với năm 2014, chiếm khoảng 5.590 tỷ đồng.

Giai đoạn 2014-2015, Vietcombank cũng phải mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro cho vay, lần lượt là 7.084 tỷ đồng và 8.609,8 tỷ đồng để đảm bảo nguồn xử lý nợ xấu. Nguồn dự phòng này đã được sử dụng để xử lý các khoản nợ khó đòi tổng cộng hơn 6.163 tỷ đồng, xử lý nợ bán cho Công ty VAMC là 2.259,8 tỷ đồng chỉ trong hai năm này.

Việc trích lập dự phòng và “tiêu” tới 8.423 tỷ đồng bù đắp mất vốn đã khiến cho lợi nhuận của Vietcombank bị hao hụt gần một nửa. Lợi nhuận trước thuế năm 2014-2015 chỉ còn lần lượt là 5.844 tỷ đồng và 6.827 tỷ đồng.

Cuộc thanh tra nằm trong kế hoạch thanh tra năm 2016 đã được Thủ tướng phê duyệt

Sai phạm nằm ở đâu?

Cơ quan TTCP sẽ tiến hành thanh tra, tìm ra những điểm được và chưa được, chỉ rõ sai phạm của Vietcombank (nếu có) trong hoạt động tín dụng, đầu tư tài chính, mua sắm tài chính…

Đây cũng là những hoạt động chính mà TTCP đã phanh phui hàng loạt sai phạm của Vietinbank trong cuộc thanh tra lớn vào năm 2014. Có thể nhắc lại, kết luận thanh tra công bố tháng 4/2015 cho thấy, một số chi nhánh của VietinBank đã huy động tiền gửi với lãi suất vượt trần 14% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), chi hoa hồng môi giới, chi tiếp thị bằng tiền mặt không đúng quy định nhằm “lách” trần lãi suất…

Đặc biệt, hoạt động cho vay của Vietinbank bộc lộ sai phạm ở hầu hết các khâu của quá trình cho vay: từ thẩm định, xác định thời hạn cho vay, đối tượng kinh doanh, điều kiện tài chính của dự án, thẩm định nguồn trả nợ, tài sản bảo đảm…

Ngân hàng cũng định giá tài sản chưa đúng quy định, nhận thế chấp tài sản chưa đủ điều kiện hay duyệt cho vay với khách hàng có tài chính khó khăn, không đủ khả năng trả nợ.

Công tác kiểm soát việc sử dụng vốn vay cũng rất “dễ dãi”, tạo cơ hội cho con nợ dùng vốn sai mục đích. Chưa kể các công ty con của Vietinbank cũng bộc lộ nhiều sai phạm… Đây là những yếu kém, tồn tại mà TTCP đã chỉ rõ tại Vietinbank, là nguyên nhân gây ra nợ xấu lớn, tiềm ẩn rủi ro cho hoạt động ngân hàng.

Với trường hợp Vietcombank – ngân hàng có quy mô vốn lớn, mạng lưới trải rộng, quy mô huy động và cho vay rất lớn nên cũng không loại trừ khả năng vấp phải những sai phạm như Vietinbank.

Được biết, Vietcombank từng là một trong số các chủ nợ lớn của Hoàng Anh Gia Lai – công ty đang gặp khó khăn tài chính, nợ nần chồng chất mà các chủ nợ đang phải tìm cách “giải cứu”. Theo báo cáo, cuối năm 2013, dư nợ vay ngắn hạn của Hoàng Anh Gia Lai tại Vietcombank- chi nhánh Gia Lai là hơn 1.034 tỷ đồng, sau đó giảm còn 548,8 tỷ đồng (cuối năm 2014) và trả hết nợ trong năm 2015.

Theo Thời báo Kinh doanh

Nguồn Tiêu Dùng Plus: http://tieudungplus.vn/tien-hanh-thanh-tra-ngan-hang-vietcombank-9391.html