Tiền Giang: Tranh chấp đất, cán bộ xã chấp nhận hồ sơ giả?

Dù người chủ sở hữu hợp pháp phần đất 337m2 bà Phạm Thị Hoa không chuyển nhượng đất cho bất kỳ ai nhưng tại hồ sơ vẫn có đơn xin chuyển nhượng QSDĐ?

Chuyện tưởng như đùa nhưng lại có thật xảy ra ở xã Phú An, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Dù người chủ sở hữu hợp pháp phần đất 337m2 không chuyển nhượng đất cho bất kỳ người nào, nhưng tại hồ sơ cấp GCN Quyền sử dụng đất đối với phần đất 337m2 của bà Phạm Thị Hoa (SN: 1957), ngụ ở: Tổ 3, Ấp 6 xã Phú An, huyện Cai Lậy vẫn có đơn xin chuyển nhượng quyền sử dụng đất có chữ ký và tên của bà Phạm Thị Hoa.

Bà Phạm Thị Hoa cung cấp hồ sơ cho PV.

Cụ thể tại “Đơn xin chuyển nhượng thành quả lao động và chuyển nhượng quyền sử dụng đất” ghi ngày 13.4.1993, nêu rõ bà Phạm Thị Hoa cùng chồng và các con đồng ý chuyển nhượng phần đất nói trên cho ông Nguyễn Thanh Châu.

Tuy nhiên, chữ ký trên tờ đơn kể trên lại không phải của vợ chồng bà Phạm Thị Hoa và các con… Vì sao lại có “chuyện lạ” như thế? Khiến không ít người biết chuyện chột dạ, vì tài sản là nhà đất, vườn cây ăn trái có thể dễ dàng chuyển quyền sở hữu sang cho người khác, chỉ cần làm đơn xin chuyển quyền sử dụng đất, tài sản có trên đất,… với sự xác nhận của cán bộ địa phương, dù phần đất, tài sản đó đã có chủ sở hữu hợp pháp (?).

Bà Phạm Thị Hoa bức xúc nói: “Lợi dụng lúc vợ chồng tôi đi làm xa xứ, các con thì đi học ở TP.HCM, họ đã đứng ra thực hiện các giấy tờ giả mạo chữ ký của vợ chồng tôi và các con tôi để nhằm chiếm đất của tôi. Hơn một năm qua, tôi đã gõ cửa rất nhiều cơ quan chức năng, nhưng họ cứ hẹn lần hẹn lữa mà không chịu giải quyết trả phần đất 337m2 lại cho tôi…”.

Như PV đã phản ảnh, bà Phạm Thị Hoa đứng tên chủ quyền phần đất 6.018m2 ở Ấp 6 xã Phú An, huyện Cai Lậy. Đến tháng 7/1992, bà Phạm Thị Hoa chuyển nhượng 3.000m2 (trong tổng số diện tích là 6.018m2 đất) cho ông Nguyễn Văn Châu, là một người dân sinh sống ở địa phương. Sau khi chuyển nhượng phần đất trên, bà Phạm Thị Hoa còn lại 3.018m2 đất, được UBND huyện Cai Lậy cấp GCN Quyền sử dụng đất vào ngày 10/8/1992.

Theo đó, diện tích 3.018m2 đất được chia ra làm 3 thửa: Thửa 2462 có diện tích 337m2, thửa 2442 có diện tích 2335m2 và thửa 2441 có diện tích 346m2… Về sau, ông Nguyễn Văn Châu chuyển nhượng lại phần diện tích 3.000m2 đất cho ông Nguyễn Văn Ẩn- là người bà con họ hàng với bà Phạm Thị Hoa… Do phải cùng chồng đi làm ở thị xã Hà Tiên, bà Phạm Thị Hoa thường xuyên vắng nhà. Vì nghĩ là chỗ bà con họ hàng nên vợ chồng bà Phạm Thị Hoa gửi ông Nguyễn Văn Ẩn trông coi dùm nhà cửa, vườn cây ăn trái, đất đai của gia đình,…

Tuy nhiên, khi có nhu cầu cấp đổi GCN Quyền sử dụng đất theo mẫu mới, bà Phạm Thị Hoa mới phát hiện phần đất 337m2 thuộc thửa 2462 bị mất không rõ lý do, nên bà Hoa đã phản ảnh đến UBND xã Phú An. Tiến hành xác minh lại hồ sơ của bà Phạm Thị Hoa, chính quyền địa phương mới phát hiện thửa đất 2462 của bà Hoa được đưa vào diện tích đất của… ông Nguyễn Văn Ẩn, nhưng chính quyền khỏa lấp bằng cách cho rằng có sự “trùng lắp”???

Văn bản thể hiện chữ ký không phải của vợ chồng bà Hoa.

Việc “trùng lặp” nêu trên không thể xảy ra khi nội dung trong “Đơn xin chuyển nhượng thành quả lao động và chuyển nhượng quyền sử dụng đất” ghi ngày 13/4/1993 có sự xác nhận của lãnh đạo Ấp 6 và ông Nguyễn Văn Tròn- cán bộ địa chính xã Phú An, “chấp bút” phê như sau: “Bà Phạm Thị Hoa có thửa đất số 3475 DT 2799… Nay bà chuyển nhượng TQLĐ cho hộ Nguyễn Thanh Châu… vậy chuyển đến cơ quan các cấp giúp đỡ cho đ/s…”- ngày “chấp bút” phê được ghi là ngày 14/4/1993 (có dấu sửa ngày tháng).

Xác nhận của cán bộ Ấp 6 và cán bộ địa chính xã Phú An.

Từ phần “chấp bút” theo “Đơn xin chuyển nhượng thành quả lao động và chuyển nhượng quyền sử dụng đất” của cán bộ ấp 6 và cán bộ địa chính có thể thấy rõ thời điểm “chấp bút” được ấn định là trước ngày 15/10/1993 (thời điểm Luật Đất đai có hiệu lực), tuy nhiên việc thực hiện cũng không được tiến hành theo quy định. Bởi vì cán bộ ấp 6 ghi ngày xác nhận là ngày 19/4/1993, còn ông Nguyễn Văn Tròn thì lại là ngày 14/4/1993.

Trong khi đó, theo quy định về việc xác nhận nguồn gốc đất, kể cả một số giấy tờ tùy thân như: CMND, Hộ khẩu,… đều được thực hiện ở ấp trước rồi mới đến UBND cấp xã… Đằng này, cán bộ địa chính lại xác nhận trước đến 5 ngày. Chẳng lẽ ở Phú An, việc xác nhận nguồn gốc đất được tiến hành theo quy trình ngược lại?

Với vụ việc xảy ra nêu trên, đề nghị UBND huyện Cai Lậy sớm xác minh, giải quyết nội dung khiếu nại của bà Phạm Thị Hoa, giao trả 337m2 đất cho bà Phạm Thị Hoa đã bị cho là “trùng lắp”. Cần thiết chuyển vụ việc đến cơ quan điều tra làm rõ hành vi giả mạo chữ ký, hồ sơ trong quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Văn Ẩn, cũng ngụ tại ấp 6 xã Phú An, huyện Cai Lậy.

NHÓM PV ĐIỀU TRA/KD&PL

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/tien-giang-tranh-chap-dat-can-bo-xa-chap-nhan-ho-so-gia-p42193.html