Tiền Giang đầu tư, hỗ trợ nhà ở cho công nhân lao động

Tiền Giang là một trong số những địa phương khá thành công trong thu hút đầu tư, với tám khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Nhưng cùng với đó, việc giải quyết nhu cầu chỗ ở cho công nhân, lao động trở nên bức bách. Để tạo động lực phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực nhà ở cho công nhân, tỉnh đã có nhiều giải pháp khuyến khích đầu tư.

Người lao động rất hài lòng về căn hộ do Công ty cổ phần Hùng Vương đầu tư.

Chốn "an cư" cho công nhân

Vào khu nhà ở bốn tầng của Công ty cổ phần Hùng Vương, tại ấp Bình Tạo, xã Trung An, TP Mỹ Tho, ít ai nghĩ rằng, đây là "nơi ăn, chốn ở" dành cho người lao động của doanh nghiệp này, bởi sự khang trang và tiện nghi. Công ty Hùng Vương đã bỏ ra kinh phí 10 tỷ đồng để xây dựng khu nhà và đưa vào vận hành từ năm 2007. Trong căn hộ rộng 85 m2 lại có cả gác lửng, chị Nguyễn Thị Phước Vinh không giấu được vui mừng chia sẻ: "Được công ty xét duyệt về ở căn hộ này, chúng tôi cảm thấy rất thoải mái, vì thiết kế các phòng rất hợp lý và hiện đại. Do hằng tháng chỉ tốn vài trăm nghìn đồng trả tiền điện, nước, gia đình tôi tiết kiệm được chi phí và có điều kiện chăm lo cho các con ăn học".

Xác định việc chăm lo chốn "an cư" là trách nhiệm của doanh nghiệp nhằm giúp công nhân yên tâm lao động, sản xuất, Công ty cổ phần Gò Đàng (Godaco) đã mua nhiều lô đất ở xã Trung An để xây nhà ở cho công nhân. Đến năm 2012, trên tổng diện tích đất hơn 4.800 m2, công ty đã xây dựng 161 phòng trọ cho người lao động, với tổng kinh phí 15,6 tỷ đồng, giải quyết được gần 800 chỗ ở cho công nhân.

Vợ chồng anh Trần Thanh Phong (31 tuổi), quê ở tỉnh Bình Phước, vừa được Công ty Godaco bố trí cho ở trong căn phòng tại khu nhà ở công nhân của công ty tại TP Mỹ Tho. Đây là niềm mơ ước của anh Phong bấy lâu, vì trước đây anh phải ở nhờ nhà bố mẹ vợ ở huyện Cai Lậy, cách công ty khá xa và đi lại rất bất tiện. Theo tâm sự của anh Phong, điều khiến anh cảm thấy hài lòng nhất là khu nhà ở này vừa gần chỗ làm việc, vừa bảo đảm an ninh. Hằng tháng, gia đình anh chỉ tốn hơn 100 nghìn đồng tiền điện, nước và thuận tiện hơn rất nhiều so với thuê phòng trọ bên ngoài.

Ngoài hai doanh nghiệp nêu trên, Tiền Giang còn một số doanh nghiệp đã xây dựng các khu nhà ở cho công nhân của đơn vị mình như: Công ty Vạn Đức Tiền Giang, Công ty TNHH Tân Phước, Công ty TNHH Long Uyên... Trong đó, đáng kể nhất là dự án nhà ở xã hội của Công ty cổ phần Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân, đang triển khai tại khu tái định cư của Khu công nghiệp Tân Hương (huyện Châu Thành). Dự án nằm trong khuôn viên rộng 6 ha, gồm 18 dãy chung cư cao 10 tầng, với hơn 3.050 căn hộ, tổng vốn đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng. Các dự án này đã phần nào giải quyết nhu cầu thiết thực về nhà ở của công nhân lao động đang làm việc trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Khuyến khích đầu tư dự án nhà ở

Tiền Giang hiện có tám khu công nghiệp và cụm công nghiệp đang hoạt động, giải quyết việc làm cho hơn 90 nghìn lao động. Theo quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp của tỉnh thời gian tới, số lượng công nhân sẽ còn tiếp tục tăng, gây áp lực cho công tác giải quyết chỗ ở.

Qua khảo sát ý kiến 16.780 công nhân lao động làm việc trong 40 doanh nghiệp, do Liên đoàn Lao động tỉnh Tiền Giang tiến hành, cho thấy: có 2.976 (chiếm 17,74%) công nhân đang ở nhà thuê, số công nhân có nhu cầu mua nhà ở là 3.470 người (20,67%) số công nhân có nhu cầu thuê nhà là 2.678 người (15,96%). Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã quan tâm xây dựng nhà ở cho công nhân lao động thuê và mua, góp phần ổn định cuộc sống cho người lao động. Tuy nhiên, số lượng nhà ở như vậy còn khá khiêm tốn so với nhu cầu của hàng chục nghìn công nhân. Nhiều công nhân phải thuê mướn nhà trọ tạm bợ, không bảo đảm về các yếu tố vệ sinh, an ninh trật tự.

Để tạo động lực phát triển mạnh mẽ nhà ở trong lĩnh vực này, tỉnh Tiền Giang đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến nhà ở xã hội nói chung và nhà ở cho công nhân nói riêng. Trong "Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030", tỉnh đề ra mục tiêu, sẽ xây dựng khoảng 8.195 căn nhà ở cho công nhân, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho khoảng 40% số công nhân; giai đoạn 2021- 2030 sẽ xây dựng khoảng 17.639 căn nhà ở cho công nhân, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho khoảng 60% số công nhân.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Anh Tuấn cho biết: "Để đạt được mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, tỉnh Tiền Giang đã quy hoạch một số khu đất và kêu gọi đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh ban hành chính sách miễn giảm phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất, các loại thuế cùng các chính sách ưu đãi khác, giúp doanh nghiệp giảm chi phí. Nhờ đó, nhiều nhà đầu tư quan tâm và triển khai các dự án. Ngoài ra, UBND tỉnh Tiền Giang đang làm thủ tục xét duyệt 1,1 ha đất cho Công ty TNHH sản xuất chế biến nông thủy sản xuất khẩu Thuận Phong để thực hiện dự án nhà ở cho công nhân của doanh nghiệp này. Trong bối cảnh quỹ đất đô thị còn hạn hẹp, tỉnh tính toán cân đối, hài hòa nhằm tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp cùng tham gia xây nhà ở công nhân".

Mô hình kiểu mẫu nhà ở công nhân

Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án "Đầu tư xây dựng các thiết chế của Công đoàn tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp", trong đó có đầu tư nhà ở cho công nhân, tỉnh Tiền Giang cùng tỉnh Hà Nam và tỉnh Quảng Nam là những địa phương đầu tiên được Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam chọn thí điểm triển khai đề án này ngay trong năm 2017. Việc xây dựng thiết chế của Công đoàn không chỉ đáp ứng nhu cầu về nhà ở, mà còn xây dựng nên một thiết chế hoàn chỉnh vừa phục vụ, chăm lo đời sống mọi mặt cho công đoàn viên, vừa giúp công nhân yên tâm công tác, đồng thời còn giúp cho doanh nghiệp trên địa bàn tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất.

Tại cuộc làm việc mới đây, lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam và lãnh đạo tỉnh Tiền Giang khẳng định, đề án phục vụ công nhân này sẽ được khởi công trong tháng 8-2017, trên diện tích đất hơn 3 ha, nhằm phục vụ công nhân tại Khu công nghiệp Mỹ Tho và Cụm công nghiệp Trung An (TP Mỹ Tho). Đề án bao gồm các hạng mục: Nhà ở xã hội cho công nhân gồm 952 căn hộ (mỗi căn có diện tích từ 31 đến 52,7 m2); nhà làm việc của Công đoàn các khu công nghiệp; nhà giữ trẻ; siêu thị; nhà thuốc; phòng sinh hoạt văn hóa văn nghệ - thể dục thể thao; nhà giữ xe...

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Tiền Giang Trương Văn Hiền cho biết: "Dự án này sẽ được triển khai xây dựng trong hai năm (2017 - 2018). Trong đó, khu nhà ở công nhân sẽ đáp ứng về nhà ở cho khoảng 3.500 công nhân trong tỉnh theo hình thức bán và cho thuê. Những công nhân trong tỉnh gặp khó khăn về nhà ở, thật sự có nhu cầu về nhà ở và đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chí đưa ra đều được xét để mua căn hộ. Theo tính toán sơ bộ, bình quân giá bán căn hộ cho công nhân chỉ khoảng bốn triệu đồng/m2. Nếu công nhân mua căn hộ theo hình thức trả góp, sẽ được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 10 năm và lãi suất chỉ khoảng 4,8%/năm".

Đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhấn mạnh: "Đây là một trong những dự án cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho công nhân. Vì thế, các bên liên quan phải vào cuộc đầy trách nhiện, để làm sao các công trình đưa vào sử dụng có chất lượng tốt; các vấn đề kỹ thuật phải đạt yêu cầu mong muốn để biến thiết chế công đoàn trở thành nơi đáng sống cho công nhân".

Chính quyền tỉnh Tiền Giang đang tuyên truyền rộng rãi thông tin về ý nghĩa, mục đích của dự án và những lợi ích mà công nhân được thụ hưởng khi mua nhà để đông đảo được biết; đồng thời, tỉnh cam kết sẽ hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho dự án trước khi công trình hoàn thành. Công trình được chờ đợi này sẽ giúp địa phương giải tỏa những áp lực đang tồn tại về công tác chăm lo nhà ở cho người lao động, góp phần tôn thêm vẻ đẹp đô thị cho TP Mỹ Tho.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/33497302-tien-giang-dau-tu-ho-tro-nha-o-cho-cong-nhan-lao-dong.html