Tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Dốc toàn lực để cán đích

Chỉ thị số 11 (17/5/2016) của UBND TP Hà Nội yêu cầu: Hết tháng 6/2017, các địa phương phải cơ bản hoàn thành công tác cấp Giấy chứng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn.

Ngày 1/9, Thành ủy có Chỉ thị số 09 - CT/TU, về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác này. Theo nhiều chuyên gia, đây là một bước đi quyết liệt, nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng cao từ phía người dân. Tuy nhiên trong thực tiễn triển khai vẫn còn đó nhiều khó khăn, trăn trở.

Vận dụng cơ chế, đẩy tiến độ

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, cải cách các thủ tục hành chính trong công nhận quyền sử dụng đất, cấp (GCN - còn gọi là sổ đỏ) GCN cho các tổ chức, đơn vị. Sở TN&MT chủ trì, rà soát, sửa đổi quy định của TP; bảo đảm cấp GCN nhanh gọn, đơn giản, đúng quy định. Với đất do cơ quan hành chính, tổ chức chính trị, xã hội, tổ chức sự nghiệp và UBND các cấp quản lý, sử dụng, Sở TN&MT đơn giản tối đa về hồ sơ, thủ tục để xét cấp GCN. Sử dụng ngay bản đồ địa chính và các bản đồ hiện có để xét cấp GCN… Đất do hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng, chưa được cấp GCN, Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã xác định số lượng cụ thể tại từng địa phương, thông báo đến các hộ dân và hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện dứt điểm... Số liệu (lũy tiến) của UBND TP ghi nhận, đến nay, đã cấp GCN quyền sở hữu nhà ở cho 1.458.150 thửa đất, căn hộ. Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trong các khu dân cư đã được cấp GCN là 1.313.921 thửa bằng 89,9% (đạt 100% các trường hợp sử dụng đất đủ điều kiện và đã kê khai đăng ký cấp GCN). Số thửa còn phải kê khai đăng ký cấp GCN là 146.189 thửa. Trong số 251 dự án chủ đầu tư đã bàn giao cho người mua (150.000 căn hộ); đến nay đã cấp được 132.969/150.000 căn, đạt 89%...

Làm thủ tục tại Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội (chi nhánh Hai Bà Trưng). Ảnh: Thanh Hải

Theo Sở TN&MT, đến ngày 22/9, đã cấp được 272.969/723.825 GCN đạt 37,7% kế hoạch (đất nông nghiệp). Một số huyện đạt tỷ lệ cao là Thanh Trì, Đông Anh và Thường Tín. Sơn Tây, Sóc Sơn, Hoài Đức, Chương Mỹ là những địa phương đạt tỷ lệ thấp. Số liệu của Văn phòng đăng ký đất đai TP (VP) cho thấy, từ tháng 1 - 7/2016, VP đã tiếp nhận và đang giải quyết 146.148 hồ sơ xin cấp GCN (đất ở)… Hiện tại, VP Trung tâm và các Chi nhánh đang dốc toàn lực (huy động tối thiểu 50% cán bộ, nhân viên) làm việc cả thứ Bảy và Chủ nhật để phục vụ công tác cấp GCN cho người dân…

Vẫn vướng ở cơ sở

Báo cáo của UBND huyện Quốc Oai cho thấy, hiện trên địa bàn có tới 4.300 trường hợp đất cấp trái thẩm quyền, 375 trường hợp đang có tranh chấp, 2.597 trường hợp lấn chiếm, các trường hợp khác là 4.793. Ngoài ra còn 4 xã chưa đo đạc bản đồ, 1 xã chưa được nghiệm thu, bàn giao bản đồ… (theo chương trình Vlap)… Với những tồn tại trên, UBND huyện đã đề nghị Sở TN&MT chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, nhà thầu chỉnh sửa và bổ sung vào dự án tổng thể của TP.

Huyện Chương Mỹ đã lập hồ sơ được 24.086/68.092 hộ phải cấp, đạt 35,4%. Các xã, thị trấn đã tiếp nhận 10.745 hồ sơ để hoàn thiện, thẩm định. Số GCN còn phải cấp đa số là đất có nguồn gốc sử dụng liên quan đến vi phạm đất đai từ ngày 1/7/2004 như lấn, chiếm, được giao trái thẩm quyền, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất… theo quy định phải thanh tra kết luận xử lý vi phạm mới xét công nhận cấp GCN, do vậy phải phụ thuộc vào thời gian, kết quả thanh tra…

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, ông Đỗ Minh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết: Sóc Sơn là huyện đầu tiên ở Hà Nội thực hiện thí điểm dồn điền đổi thửa (năm 2010). Nay tiến hành cấp lại sổ cho người dân, phải rà soát, đo đạc bằng máy móc cho chính xác, trên cơ sở đó mới thiết lập hồ sơ. Hiện tại chúng tôi đã cấp được 6.000/38.000 sổ (đất nông nghiệp) và khoảng 6.000/19.000 GCN (đất ở) cho người dân. Với đất ở, vướng mắc chủ yếu là do các cá nhân đã mua bán sang tên nhiều lần, hơn nữa tâm lý người dân lâu nay đã ăn ở yên ổn nên không muốn kê khai lại…

Theo ông Đinh Công Tuân - Chủ tịch UBND xã Yên Trung (huyện Thạch Thất): Khi còn thuộc tỉnh Hòa Bình, chính quyền đã cấp xong GCN cho người dân (gồm đất rừng, đất nông nghiệp và đất ở); nay chỉ việc đổi sổ và cấp lại là xong, các trường hợp phát sinh là không đáng kể. Khó khăn nhất với Yên Trung là phí trước bạ; bởi trước đây khi cấp GCN, tỉnh Hòa Bình không thu tiền. Nay dù TP đã miễn giảm tới 75% phí cho xã miền núi và đồng bào dân tộc, nhưng với đa số người dân nơi đây, việc phải đóng 25% phí (mức 1,1 triệu đồng/1m2 đất thổ cư) vẫn là câu chuyện khó.

Ba Đình có đặc thù là một trong những quận lõi của Thủ đô. Cả quận có trên 27.000 thửa đất thì 4.000 thửa đất chưa được cấp GCN quyền sử dụng đất. Các cấp chức năng của Ba Đình đang nỗ lực hết sức để thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị 09 - CT/TU của Thành ủy và Chỉ thị 11 - CT/UBND của UBND TP Hà Nội về việc sớm hoàn thành cấp GCN quyền sử dụng đất cho người dân. Cái khó của Ba Đình cũng như nhiều quận lõi khác là còn tồn tại nhiều thửa đất chưa phân định được quyền sở hữu giữa Nhà nước và cá nhân; nhiều nơi vướng vào các dự án “treo” hoặc đang bị thanh tra, chưa đủ điều kiện cấp. Thậm chí nhiều nơi người dân còn không muốn kê khai, đăng ký cấp GCN vì “ngại” phải nộp tiền sử dụng. Để tháo gỡ những khó khăn này, đề nghị UBND TP Hà Nội sớm có biện pháp với các dự án “treo”, có kết luận thanh tra, hướng dẫn quận thực hiện phân tách, rà soát, cấp GCN cho người dân. Đặc biệt, quận đề xuất Sở TN&MT xem xét áp dụng cơ chế đồng nhất, tương tự cho các quận lõi để rút ngắn thời gian thực hiện trên diện rộng.

Ông Nguyễn Phong Cầm - Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình

Đến nay, phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa cơ bản hoàn thành tiến độ cấp GCN cho dân, chỉ còn khoảng 2 - 3% số thửa đất chưa được cấp GCN quyền sử dụng. Hầu hết là đất xen kẹt và một số ít nhà đất tư nhân do chưa cung cấp được nguồn gốc đất, hay chưa rõ sự phân chia, thừa kế của các thành viên trong ngôi nhà. Bên cạnh đó, là một số nhà xây trên đất lưu không tại các khu tập thể cũ, từ thập niên 80 - 90 thế kỷ trước. Về phương án để lập được hồ sơ cấp GCN quyền sử dụng cho những trường hợp này thì đối với những mảnh đất xen kẹt, phường đã có báo cáo lên quận chờ giải quyết. Còn trường hợp hộ dân đang sinh sống ổn định trong những ngôi nhà xây trên đất lưu không khu tập thể thì theo quy định không được bán thanh lý do xây trên đất công cộng, không phù hợp với quy hoạch. Tuy nhiên, hầu hết đây là những thửa đất được người dân sinh sống ổn định trong thời gian dài không có tranh chấp, khiếu kiện. Do vậy, đối với nhóm nhà xây tại đất lưu không khu tập thể cũ này, TP nên có cơ chế, tạo điều kiện về giá nhà thanh lý phù hợp để người dân có thể chuyển đổi quyền sở hữu, sau đó được cấp GCN quyền sử dụng đất.

Ông Hoàng Mạnh Dũng - Phó Chủ tịch phường Ngã Tư Sở (Vũ Cúc ghi)

Việc UBND TP Hà Nội thống nhất với các sở, ngành và địa phương đến tháng 6/2017 sẽ cơ bản hoàn thành việc đăng ký, cấp GCN hoặc lập hồ sơ quản lý đối với các thửa đất còn tồn đọng thể hiện sự quyết liệt của TP trong vấn đề cấp sổ đỏ cho dân. Nó chứng tỏ đã đến lúc phải mạnh tay khắc phục tham nhũng, cản trở, gây khó dễ của những người có quyền trong việc cấp sổ đỏ. Cấp sổ đỏ là hoạt động của Nhà nước để bảo đảm quyền lợi về đất đai cho dân. Đáng lẽ ta phải làm tốt, nhưng lâu nay ta để tồn tại những tiêu cực. Việc TP tinh giảm về thời gian giải quyết thủ tục hành chính, hồ sơ chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế quyền sử dụng đất, các loại giấy tờ để đẩy tiến độ cấp sổ đỏ theo lộ trình đề ra là hợp lý. Thực tế thẩm quyền thuộc về cơ quan chức năng, nhưng trong các khâu đó thì phải có nhiều cá nhân tham gia, phải truy rõ trách nhiệm chậm khâu nào, do ai? Ví dụ, chậm do UBND cấp quận, phường, xã tiếp nhận hồ sơ nhưng để nằm tại chỗ đó thì là tại các cấp này. Tại cấp đó thì phải tìm ra là ai làm chậm, người cầm hồ sơ hay do lãnh đạo ở đó không làm tiếp. Cần phân định cơ chế quyền trách nhiệm thì mỗi cá nhân, đơn vị liên quan mới sợ và ý thức hơn trong quy trình làm việc, tiếp dân.

GS.TS Đặng Hùng Võ Nguyên Thứ trưởng Bộ TN &MT

Trần Thụ

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tien-do-cap-giay-chung-nhan-quyen-su-dung-dat-doc-toan-luc-de-can-dich-233144.html