Tiền chảy

Sau nhiều tuần im ắng thị trường mở đã hoạt động trở lại vào tuần này và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bơm ròng tiền ra lưu thông. Ngay lập tức lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng rơi xuống 0,45%/năm - thấp nhất trong mười tháng qua. Bộ phận ngân quỹ của một số ngân hàng dự báo nếu tiền còn ra tiếp, khả năng lãi suất qua đêm sẽ còn giảm, thậm chí về mức 0,1-0,2%/năm như đã từng xảy ra trong năm 2016.

Tín dụng là con đường ngắn nhất để đạt tăng trưởng GDP 7,4% trong quí 3 và quí 4 nhằm “chiếm lĩnh” mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% cả năm. Ảnh: THÀNH HOA

Động thái tăng cường bơm tiền của cơ quan quản lý là hoàn toàn chủ động sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo nâng chỉ tiêu tín dụng lên 20% thay vì 18% như ấn định hồi đầu năm. Cho đến cuối tháng 7-2017, tăng trưởng tín dụng theo NHNN đã đạt khoảng 10%. Như vậy trong năm tháng cuối năm, tín dụng sẽ tăng 10% nữa, bình quân 2%/tháng. Hiện nay dư nợ tín dụng tính theo số tuyệt đối khoảng 5,5 triệu tỉ đồng. Ước 2% tăng trưởng tín dụng mỗi tháng, sẽ có 110.000 tỉ đồng được bơm vào nền kinh tế.

Đây là số tiền lớn và kéo dài trong năm tháng liền, một động thái điều hành mang dáng dấp của những năm trước 2010. Nên nhớ kể từ năm 2010, năm nay là năm đầu tiên tín dụng được nâng lên 20%. Điều khác là ở chỗ những năm trước ấy lạm phát khá cao, còn bảy tháng đầu năm nay CPI mới tăng 0,32% so với cuối năm ngoái. Dư địa của CPI năm nay dự kiến 4% xem ra còn rộng và việc đẩy tín dụng là có cơ sở. Hơn nữa tín dụng là con đường ngắn nhất để đạt tăng trưởng GDP 7,4% trong quí 3 và quí 4 nhằm “chiếm lĩnh” mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% cả năm.

Tuy nhiên vấn đề không phải chỉ là bơm tiền ra, tiền chảy và tiền rẻ, mà còn là khả năng tiêu tiền hiệu quả của nền kinh tế. Lĩnh vực nào có thể hấp thụ vốn nhanh nhất và tạo ra tăng trưởng GDP cao nếu không phải là xây dựng cơ sở hạ tầng và tiêu dùng? Cơ sở hạ tầng còn phụ thuộc vào đầu tư công và kích thích tiêu dùng phải chờ sự giảm giá mạnh mẽ của giá thành sản phẩm. Một chiếc áo có giá bán lẻ 300.000 đồng người tiêu dùng không mua, nhưng họ sẽ xem xét mua nếu giá của nó ở mức 200.000 đồng cho cùng chất lượng, mẫu mã. Sự giảm giá để kích cầu ấy một mình lãi suất không cáng đáng nổi bất chấp nhiều ngân hàng đã thông báo hạ lãi suất cho vay từ 0,5-1%/ năm tùy kỳ hạn. Cần sự đồng bộ của các biện pháp về thuế, cải thiện môi trường kinh doanh, giúp doanh nghiệp giảm các loại chi phí không tên.

Kích cầu bằng tín dụng và lãi suất như thế liệu đã đồng nghĩa với nới lỏng tiền tệ? Dẫu rằng cơ quan quản lý ngành ngân hàng vẫn nói tiền được khuyến khích cho vay các lĩnh vực ưu tiên cho sản xuất, dịch vụ, thương mại... nhưng một phần tiền sẽ vẫn chảy vào bất động sản và chứng khoán bởi đây là những kênh dễ hấp thụ vốn nhất. Không phải các ngân hàng không nhìn thấy rủi ro của hai lĩnh vực này, song họ tự tin với các kỳ hạn cho vay ngắn và kiểm soát chặt đường đi của đồng vốn cũng như đẩy lãi suất cho vay tại đây lên cao.

Nhìn từ góc độ đó, chứng khoán sẽ biến động mạnh trong thời gian tới đặc biệt trong chu kỳ đi lên của chỉ số thường diễn ra vào quí 4 cuối năm và quí 1 năm sau. Sự phân hóa được biểu hiện rõ hơn khi dòng tiền tiếp tục đổ vào sàn TPHCM, chứ không phân bổ đều vào ba sàn. Hầu hết các cổ phiếu ở sàn phía Nam đã nằm ở một mặt bằng giá mới kể cả các cổ phiếu bất động sản vốn dĩ chậm chân trong sóng đầu cơ nói chung. Tuy vậy chỉ số có đi xa được không và xa đến mức nào lại phụ thuộc vào các blue-chips thượng hạng như VNM, SAB, PLX, VIC, GAS và nhóm cổ phiếu ngân hàng. Trong năm nay sẽ có những tên tuổi ngân hàng mới xuất hiện trên Hose với khả năng hút tiền tương đối cao như VPBank. Ngoài ra việc thoái vốn Nhà nước ở VNM và BHN, SAB cũng như việc tăng vốn thông qua phát hành của một số “ông lớn” sẽ tạo ra những vùng trũng cho dòng tiền hướng đến.

Thành Nam

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/163474/tien-chay.html