Cuộc “cách mạng” trong điều trị HIV - AIDS

Các nhà khoa học cho biết việc chữa trị HIV có thể sẽ tạo nên một cuộc cách mạng mới khi thuốc viên sử dụng hàng ngày có thể được thay thế bằng việc tiêm 6 liều một năm. Vào ngày 24/7, một bé gái Nam Phi 9 tuổi, là người thứ ba trên thế giới vừa được chữa khỏi HIV-AIDS.

Tiêm, có khả năng truyền thuốc chữa HIV vào cơ thể từ từ và liên tục, đang được thử nghiệm. Đài BBC News đưa tin lần hai vào chiều 2/8, dữ liệu thử nghiệm trên 309 bệnh nhân cho thấy việc tiêm thuốc kháng HIV vào mỗi một hoặc hai tháng, có tác dụng tương đương với sử dụng thuốc uống ARV hàng ngày.

Tử vong vì AIDS giảm một nửa nhờ nhiều người sử dụng thuốc hơn

Các kết quả thử nghiệm đã được báo cáo tại Hội nghị Quốc tế IAS về HIV. Thuốc viên kháng HIV (ARV) hàng ngày có tác dụng kìm hãm virus, ngăn chặn HIV phá hủy hệ miễn dịch và ngưng sự phát triển của AIDS. Sự thành công của liệu pháp này đã giúp số lượng người tử vong do các bệnh liên quan đến AIDS giảm một nửa từ năm 2005 xuống mức khoảng một triệu người một năm.

Tuy nhiên, thuốc men cũng là một gánh nặng. Với một người nhiễm bệnh từ tuổi 20, có thể sẽ uống khoảng hơn 20.000 viên thuốc HIV trong cả cuộc đời - và đây không phải là điều dễ dàng mà ai cũng làm được, dẫn đến việc họ bị nhiễm HIV trở lại và virus sẽ kháng lại tác dụng của liệu pháp điều trị này.

Việc thử nghiệm phương pháp mới được thực hiện tại 50 trung tâm ở Mỹ, Canada, Đức, Pháp và Tây Ban Nha. Sau khi được chẩn đoán bị nhiễm HIV, bệnh nhân ban đầu sẽ được cho uống thuốc ARV để có thể kiểm soát sự phát triển của virus trong cơ thể. Sau đó, các bệnh nhân sẽ qua 96 tuần uống thuốc hàng ngày hoặc tiêm hàng tháng, hay tiêm hai tháng một lần.

Kết quả được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet cho thấy sau khi kết thúc đợt thử nghiệm: 84% bệnh nhân dùng thuốc ARV hàng ngày có thể kìm hãm sự phát triển của virus. Tỷ lệ này là 87% đối với những người tiêm bốn tuần một lần. Và 94% đối với những người tiêm tám tuần một lần.

Các tác dụng phụ bao gồm: Tiêu chảy và nhức đầu - là tương đương giữa các nhóm. Tuy nhiên, quy mô thử nghiệm này còn khá nhỏ và những thử nghiệm dài hơi hơn với số lượng người lớn hơn đang được thực hiện nhằm khẳng định các kết quả này.

Cuộc thử nghiệm này được các công ty sản xuất thuốc: ViiV Healthcare, chủ yếu thuộc sở hữu của GSK, và Janssen, công ty con của Johnson & Johnson, tài trợ. Tiến sĩ David Margolis, một trong các nhà nghiên cứu tại ViiV Healthcare, cho biết:

"Tuân thủ uống thuốc vẫn là một thách thức lớn trong việc điều trị HIV. Việc đưa vào loại thuốc chỉ cần một viên duy nhất, là một bước tiến lớn trong liệu pháp uống kháng HIV. Phương pháp tiêm ARV dài hạn có thể là một cuộc cách mạng mới trong điều trị HIV, cung cấp cho bệnh nhân một lựa chọn để có thể giảm gánh nặng khi điều trị bằng thuốc viên hàng ngày".

“Cột mốc”

Các công ty dược phẩm đang sản xuất và đóng gói hai loại dược phẩm kháng virus (Cabotegravir và Rilpivirine) thành những hạt nano, để có thể tiêm vào cơ thể. Biện pháp này có thể bảo vệ cơ thể trong thời gian dài khi các hạt nano này phân hủy và giải phóng thuốc vào cơ thể. Trên thế giới, hiện tại có khoảng 36,7 triệu người đang chung sống với HIV và chỉ 53% được tiếp cận với liệu pháp hiện tại.

Trong một đánh giá về nghiên cứu trên, các giáo sư Mark Boyd và David Cooper từ hai trường đại học Adelaide và New South Wales của Úc bình luận: "Nghiên cứu này đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong sự phát triển các liệu pháp chữa HIV".

"Chắc chắn sẽ có một sự đánh đổi giữa việc không bị ràng buộc với thuốc viên hàng ngày và sự không thoải mái liên quan đến phương pháp tiêm ARV dài hạn. Có khả năng phương pháp tiêm ARV sẽ hấp dẫn hơn nếu số lần tiêm giảm đi”.

Nỗ lực không ngừng của những khoa học gia trên thế giới để chữa “căn bệnh thế kỷ” HIV-AIDS bước đầu đã có kết quả. Hãy thắp sáng lên hy vọng, hỡi những bệnh nhân HIV-AIDS!

Kim Thoa (Theo BBC News, 8/2017)

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/tiem-thuoc-la-cach-mang-trong-dieu-tri-hiv-d60018.html