Tiềm năng khí đá phiến

Trang 1 / 2

Trong khi chờ đợi sự phát triển của các năng lượng tái tạo, khí đá phiến (shale gas) dường như là giải pháp tối ưu cho nhiều quốc gia nhằm giảm sự lệ thuộc vào dầu mỏ và khí hóa lỏng (LNG). Bùng nổ tại Mỹ 21 tỉ USD, 35.000 tỉ cubic feet (gần 1.000 tỉ m3) khí là trị giá và khối lượng khí đá phiến được giao dịch trong nửa đầu năm 2010 tại Mỹ. Xu hướng mua bán và sáp nhập (M&A) các công ty, tài sản khí đá phiến đang sôi động hơn bao giờ hết. Nhiều công ty đang cố gắng nhanh chóng tìm chỗ đứng tại thị trường có nhu cầu tiêu thụ dầu khí lớn nhất thế giới này. Giá trị giao dịch của các thương vụ M&A nói trên trong nửa đầu năm đã vượt tổng giá trị giao dịch của 2 năm 2008 và 2009 cộng lại. Khí đá phiến hiện chiếm khoảng 15-20% sản lượng khí khai thác tại Mỹ và dự kiến sẽ tăng lên gấp 4 lần trong những năm tới. Và quan trọng hơn, thị trường khí đá phiến Mỹ không còn là sân chơi riêng của các đại gia dầu khí như Statoil, Exxon Mobil, Mitsui & Co. và Royal Dutch/Shell Group. Ngày 11.10, trong nỗ lực tìm đường trở lại nước Mỹ sau thất bại của thương vụ Unocal năm 2005, CNOOC, công ty dầu khí lớn thứ 3 Trung Quốc, đã đồng ý chi 1,1 tỉ USD để nắm một phần quyền sở hữu mỏ khí và dầu đá phiến. Một ngày trước đó, Statoil của Na Uy và Talisman của Canada đã bắt tay nhau trong thương vụ trị giá 1,33 tỉ USD để cùng khai thác trữ lượng khí đá phiến tương đương 550 triệu thùng dầu thô tại Texas, Mỹ. Không giấu tham vọng của mình, Phó Giám đốc Cao cấp phụ trách mảng phát triển và kinh doanh các loại khí mới của Statoil cho biết: “Chúng tôi hy vọng có thể nhanh chóng ứng dụng kinh nghiệm của mình trên đất Mỹ để lấn sân sang Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác”. Đầu tháng 6.2010, công ty dầu khí lớn nhất Ấn Độ là Reliance tuyên bố sẵn sàng đầu tư 1,36 tỉ USD vào tài sản khí đá phiến của Công ty Pioneer Natural Resources (Mỹ). Xa hơn, vào tháng 12.2009, Exxon Mobil đã đặt cược hơn 31 tỉ USD vào thương vụ mua lại XTO Energy nhằm sở hữu khối tài sản tương đương 45.000 tỉ cubic feet (1.274 tỉ m3) khí và dầu đá phiến của công ty này. Nhận định về triển vọng của khí đá phiến trong tương lai, chuyên gia kinh tế trưởng Fatih Birol của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, “cuộc cách mạng thầm lặng” của khí đá phiến ở Mỹ có thể được lặp lại ở châu Âu. Nếu thành công tiếp tục đến với châu Âu thì vai trò của khí đá phiến ngày nay cũng giống như vai trò của điện hạt nhân trong thập niên 1970, thật sự mang lại tính cạnh tranh cho ngành năng lượng thế giới. Tháo dỡ rào cản Năm 2002, Devon Energy là công ty đầu tiên ở Mỹ sử dụng công nghệ khoan ngang. Thông thường, mũi khoan đầu tiên sẽ được khoan thẳng đứng xuống một độ sâu khoảng 7.000 feet (tương đương 2,1 km). Sau đó, mũi khoan sẽ được điều khiển đi theo phương ngang, ăn sâu vào lớp đá phiến khoảng 1.000 feet (hơn 300 m). Trong quá trình khoan, một dung dịch gồm nước, hóa chất và cát sẽ được bơm dưới áp suất cao vào trong lớp đá phiến, làm nứt đá để khí thoát ra ngoài. Nhờ sở hữu kỹ thuật này, từ một công ty ít người biết đến, Devon Energy đã phất lên nhanh chóng và lọt vào danh sách Fortune 500 với giá trị thị trường 29,09 tỉ USD.

Nguồn NCĐT: http://nhipcaudautu.vn/article.aspx?id=6838