Tiềm năng của vũ khí Trung Quốc tại Đông Nam Á

Trong thời gian gần đây, thông tin về những thương vụ vũ khí mà Trung Quốc bán cho các nước Đông Nam Á rất nhiều, từ Malaysia với hệ thống pháo phản lực và radar, tàu cận chiến duyên hải, đến Thái Lan với 3 chiếc tàu ngầm quy ước, chưa kể đến hàng chục nghìn khẩu súng trường mà Bắc Kinh tặng cho Philippines.

Vũ khí Trung Quốc hấp dẫn khu vực Đông Nam Á bởi giá rẻ

Câu hỏi đặt ra là vì sao các nước Đông Nam Á có vẻ mặn mà với vũ khí Trung Quốc như vậy và hệ quả của việc nhập vũ khí Trung Quốc có thể ra sao, đặc biệt với một số nước vốn đang bị Bắc Kinh tranh chấp biển đảo?

Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia kỳ cựu về châu Á tại Học viện Quốc phòng Australia cho rằng, sức hút của vũ khí Trung Quốc là giá rẻ. Theo ông, vũ khí của Trung Quốc chắc chắn, giá phải chăng trên thị trường; có thể được chuyển nhượng công nghệ và/hay được cấp tín dụng mà không cần theo thủ tục rườm rà mà Mỹ áp dụng cho việc bán vũ khí. Trong một số trường hợp như với Indonesia sau vấn đề Đông Timor hay Thái Lan sau cuộc đảo chính năm 2014, Mỹ có thể từ chối không bán những phụ tùng hay thiết bị cần thiết khác.

Ông Thayer nhận định vũ khí Trung Quốc chưa thể giành được ưu thế của vũ khí Mỹ, song nhìn xa hơn, Trung Quốc sẽ là một nhà cung cấp vũ khí cho khu vực. Trung Quốc đã có thị trường ổn định ở 7/11 quốc gia Đông Nam Á: Indonesia, Myanmar và Thái Lan, và ở mức độ thấp hơn là Malaysia, Campuchia, Lào và Timor Leste. Indonesia, Malaysia và Thái Lan cũng đồng thời mua vũ khí Mỹ, do đó Trung Quốc sẽ đối mặt với cạnh tranh gay gắt. Mỹ hiện bán thiết bị và vũ khí phòng thủ cho 6 quốc gia Đông Nam Á: Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan. Trung Quốc sẽ không có khả năng thâm nhập sâu vào Brunei, Singapore hay Việt Nam. Điểm mấu chốt là Trung Quốc sẽ tiếp tục là nhà cung cấp vũ khí lớn cho khu vực Đông Nam Á, nhưng sẽ không chiếm được ưu thế. Các thị trường lớn trong khu vực dường như đang phòng ngừa rủi ro bằng cách đặt mua vũ khí từ cả Trung Quốc lẫn Mỹ. Nga cũng đang khẩn trương mở rộng thị trường trong khu vực, tương tự như Hàn Quốc và một số nước châu Âu.

Sự cạnh tranh giữa vũ khí Mỹ và Trung Quốc tại Đông Nam Á giúp các nước trong khu vực có thêm nhiều hệ thống vũ khí sát thương hiện đại, cho phép họ tung lực lượng đi xa, tập trung giám sát hải phận và không phận, cũng như tăng cường khả năng tự vệ. Tuy nhiên, bản thân việc Trung Quốc bán thêm vũ khí sẽ không tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang theo kiểu truyền thống, có nghĩa là các nước đổ dồn nguồn lực của mình để đuổi kịp hay vượt qua một quốc gia bị coi là mối đe dọa.

Đặng Ánh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/tiem-nang-cua-vu-khi-trung-quoc-tai-dong-nam-a.aspx