Tiềm năng của Việt Nam hướng tới Cộng đồng Kinh tế ASEAN

Đối với các nhà đầu tư, Việt Nam là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất ở Châu Á, nhưng hiện nay có rất nhiều “ngôi sao” mới xuất hiện như Myanmar và Indonesia. Việt Nam sẽ chỉ là sự lựa chọn thứ hai hoặc thứ ba nếu ngành công nghiệp phụ trợ kém phát triển.

Nhìn lại tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI vào Việt Nam cách đây một vài năm thì 2008 là năm cao điểm khi Việt Nam giành được 1,171 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 64 tỷ USD, tăng gấp ba lần so với năm 2007. Tuy nhiên, con số này đã suy giảm trong những năm gần đây, với con số đăng ký 21,48 tỷ USD trong năm 2009, 18,1 tỷ USD trong năm 2010 và 14,69 tỷ USD trong năm 2011. Trong hai tháng đầu năm 2012, tổng vốn FDI đổ vào Việt Nam đạt 1,23 tỷ USD, chiếm 45,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đánh giá tình hình thu hút FDI của Việt Nam, Tổng Giám đốc Reed Tradex - Chainarong Limpkittisin cho biết: "Đối với các nhà đầu tư, Việt Nam là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất ở Châu Á, nhưng hiện nay có rất nhiều “ngôi sao” mới xuất hiện như Myanmar và Indonesia. Bởi vậy, nếu muốn đẩy mạnh sức hấp dẫn đầu tư, Việt Nam cần tạo ra một môi trường đầu tư cạnh tranh, tập trung vào việc ban hành các chính sách ưu đãi về thuế và đất đai, nâng cấp mạng lưới cơ sở hạ tầng và đào tạo lực lượng lao động chất lượng cao. Những giải pháp này sẽ mất rất nhiều thời gian và nếu Việt Nam không bắt đầu thực hiện ngay từ bây giờ, các nhà đầu tư sẽ chỉ coi Việt Nam là sự lựa chọn thứ hai hoặc thứ ba để tiến hành đầu tư. Một trong những cản trở đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong thời gian gần đây là các ngành công nghiệp phụ trợ kém phát triển, gây ra cho các nhà đầu tư nhiều lo ngại khi họ phải nhập khẩu quá nhiều phụ kiện từ nước ngoài để phục vụ sản xuất tại Việt Nam. "

Để dẫn chứng cho những quan điểm của mình, ông Chainarong nói thêm: "Honda Việt Nam sản xuất 1,5 triệu sản phẩm mỗi năm và thị trường xe máy tại Việt Nam khá phát triển. Tuy nhiên, xe máy Việt Nam bán được nhiều thì số phụ kiện Thái Lan xuất khẩu sang Việt Nam cũng càng tăng lên. Vì vậy, Việt Nam đã phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ để thu hút đầu tư nước ngoài trong tương lai. Ngoài ra, Việt Nam cần xác định lợi thế của mình và các ngành, đơn vị công nghiệp tiềm năng có thể thu hút đầu tư nước ngoài, thay vì trải rộng các điểm thu hút đầu tư."

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là một thị trường tiềm năng đối với các nhà đầu tư nước ngoài vì đạt tỷ lệ cao trong xếp hạng Mở rộng công nghiệp. Để phát triển khả năng này, các nhà sản xuất Việt Nam cần phải tìm hiểu xu hướng công nghệ để có thể bắt kịp với tiến bộ thời đại.

Nhằm phục vụ mục đích này, Reed Tradex sẽ tổ chức chương trình “Khảo sát thị trường Hà Nội" với một chuỗi các hoạt động giao lưu kết nối doanh nghiệp trong khoảng thời gian từ ngày 23 - 24/5/2012 với chủ đề "Bước tiếp cận trực tiếp của bạn để Phát triển Cơ hội và Quan hệ Kinh doanh".

Ngoài ra, thông qua tiếp xúc trực tiếp với các khách hàng tiềm năng và cơ quan chức năng, tiếp xúc trực tiếp với giám đốc điều hành của ngành sản xuất công nghiệp và các ngành công nghiệp liên quan đang tìm kiếm các nhà cung cấp công nghệ, nhà sản xuất, nhà sản xuất phụ tùng, chế tạo máy là thành viên của Hiệp hội các đơn vị và đại diện Chính phủ, tham gia chuyến đi thăm nhà máy, có cơ hội tham dự tọa đàm tại diễn đàn đặc biệt với trên 500 nhà công nghiệp tại Việt Nam... các nhà đầu tư sẽ có thể khám phá các cơ hội đầu tư, thương mại.

(T.Hương)

Nguồn eFinance: http://www.taichinhdientu.vn/home/tiem-nang-cua-viet-nam-huong-toi-cong-dong-kinh-te-asean/20124/122175.dfis