Tiệm cắt tóc đặc biệt bên trong Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương

Tại hành lang tầng 7, Viện huyết học và Truyền máu Trung ương có một khoảng không gian đặc biệt. Khoảng không gian đó treo 2 chiếc gương, bày những đồ nghề đơn giản của nghề cắt tóc và đó là một tiệm cắt tóc miễn phí dành cho bệnh nhân. Đặc biệt, người cầm kéo trong tiệm cắt tóc này chính là những thiên thần áo trắng.

Bác sĩ Hưng cắt tóc cho bệnh nhân bằng cả tấm lòng, sự cảm thông của mình. ảnh: NVCC

Tiệm cắt tóc đặc biệt

Có mặt tại hành lang tầng 7, Viện huyết học và Truyền máu Trung ương, PV cảm nhận rõ được sự đối lập với thế giới bên ngoài. Nếu bên ngoài thời tiết lạnh se sắt thì trong này không khí vô cùng ấm áp. Sự ấm áp ở đây được tạo nên bởi sự cảm thông, chia sẻ giữa những bệnh nhân với nhau và đặc biệt là tình cảm, sự quan tâm, chăm sóc, tận tình của đội ngũ y bác sĩ đối với người bệnh.

Trong lúc những bệnh nhân khác đang được truyền máu, truyền tiểu cầu hay truyền nước thì tại hành lang tầng 7, đối diện khu làm việc hành chính của viện, nhiều bệnh nhân đã có mặt tại đây để được cắt tóc miễn phí. Nhiều người mới đến viện điều trị tỏ ra ngạc nhiên nhưng với những người đã điều trị nhiều đợt, xem bệnh viện như nhà thì không còn lạ lẫm với điều này. Điểm cắt tóc miễn phí này do chính các bác sĩ khoa Điều trị Hóa chất lập ra mà người đứng đầu là bác sĩ Vũ Quang Hưng - Phó khoa.

Các bác sĩ và bệnh nhân nơi đây cho biết, việc cắt tóc miễn phí cho bệnh nhân được thức hiện từ 14h30- 16h30 thứ năm hàng tuần. Muốn được cắt tóc, người bệnh đăng kí bằng cách ghi tên, tuổi của mình vào cuốn sổ ghi chép của khoa sau đó các bác sĩ, y tá sẽ gọi lần lượt. Theo quan sát của PV, 5 năm qua, đã có hơn 1.000 bệnh nhân được cắt tóc và mỗi tuần lại bổ sung thêm những cái tên mới. Buổi cắt tóc tuần này có khá đông bệnh nhân, cả nam lẫn nữ, người già, trẻ nhỏ. Nhiều khách hàng “nhí” được bố mẹ đưa đến đây cắt tóc. Các em không ý thức được tình trạng bệnh của mình, cũng không hiểu vì sao mình lại phải cắt ngắn, cạo trọc như thế. Chỉ biết rằng, khi bác sĩ cắt xong, bố mẹ các em ngậm ngùi lau nước mắt hoặc ôm chầm lấy con không nói được lời nào.

8 tuổi, mang trong mình căn bệnh ung thư máu, em Quỳnh (quê Nam Định) vẫn cười và nói chuyện vui vẻ với mẹ. Nhìn bác sĩ cắt tóc cho bạn, em ngây thơ hỏi: “Lát nữa con cũng cạo trọc như thế phải không mẹ?”. Mẹ em chỉ cười trong chua xót và vuốt những sợi tóc thưa thớt của con. Thấy mẹ cười, Quỳnh cũng cười theo. Em đâu biết rằng, đằng sau nụ cười ấy của mẹ là những giọt nước mắt chực chờ. Sau 3 tháng kể từ ngày phát hiện ung thư, mái tóc dày, đen nhánh của Quỳnh chỉ còn lưa thưa mấy sợi. Cắt tóc, điều duy nhất mà Quỳnh sợ là đau. Em nhắm chặt hai mắt, không nói một câu nào. Còn mẹ em bần thần nhìn những sợi tóc cuối cùng của con rơi xuống rồi nghẹn ngào: “Cô sư của mẹ sắp xuất hiện rồi”. Phủi sạch những mẩu tóc còn sót lại trên người con, chị lau vội hai dòng nước mắt rồi động viên cô con gái bé nhỏ: “Cắt thế này cho sạch con nhỉ?". Trong khi đó, cô con gái nhỏ của chị vẫn vô tư, gương mặt không thoáng chút buồn lo, ngó nghiêng tìm người bạn cùng phòng trước đó vừa cắt ngắn 3 phân tóc.

Em Hoàng (5 tuổi, quê Hưng Yên) mắc bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu. Cậu bé nghịch ngợm liên tục xoay tròn trên chiếc ghế khiến mọi người phì cười. Các bác sĩ phải vừa cắt tóc, vừa dỗ dành cậu. Mẹ Hoàng nhìn con âu yếm, chốc chốc lại đến gần, nhặt nhạnh những mẩu tóc dính lại trên tấm vải choàng. Sau lượt cắt tóc của Hoàng đến lượt một cô gái trẻ. Cô không muốn chia sẻ về bản thân mình. Suốt buổi cắt tóc, cô chỉ nói một câu với bác sĩ cầm kéo: “Bác sĩ cắt ngắn cho em, đừng cạo trọc”. Sau câu trả lời là một thoáng im lặng, chẳng ai nói với ai câu nào…

Bác sĩ Hưng và vợ hiến máu trong ngày đầu xuân.

Tất cả vì bệnh nhân

Hôm PV đến Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cũng vào dịp cả nước kỉ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27.2. Tuy là ngày của mình nhưng các bác sĩ ở đây vẫn tất bật làm việc, chỉ nghỉ ngơi chốc lát khi tình hình bệnh nhân đã ổn hơn. Trò chuyện với PV, bác sĩ Vũ Quang Hưng cho biết, tất cả những gì các y, bác sĩ nơi đây làm là vì bệnh nhân và việc mở điểm cắt tóc miễn phí phục vụ bệnh nhân hàng tuần này cũng vậy.

Hàng ngày, phải chứng kiến bệnh nhân rụng tóc từng đám, ra tiệm nhiều thợ sợ không dám cắt, bác sĩ Hưng đã nảy ra ý tưởng tự cắt cho mọi người. Anh đề xuất lên ban giám đốc viện và được sự ủng hộ ngay lập tức. Đã 5 năm qua, vào chiều thứ 5 hàng tuần các bệnh nhân ở viện lại xếp hàng cắt tóc. Đến nay, tất cả y bác sĩ ở khoa đều có thể cắt được tóc. “Tôi chỉ áp dụng kinh nghiệm thủa sinh viên không có tiền phải tự cắt cho nhau, nay vừa giúp bệnh nhân giữ được vệ sinh, giảm chi phí và quan trọng nhất là tình cảm giữa bệnh nhân và thầy thuốc càng thêm gần gũi nhau hơn”, bác sĩ cười nói.

Bác sĩ Hưng cũng cho biết thêm, đặc thù của bệnh ung thư máu, da rất dễ trầy xước, khi đó rất khó cầm máu và dễ bị nhiễm trùng. Vì vậy, để vừa thuận tiện cho bệnh nhân, giảm chi phí, đỡ mất thời gian đi lại và quan trọng nhất là đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, bệnh nhân trong viện nên đến điểm cắt tóc tại tầng 7 để được các bác sĩ phục vụ. Đối với bác sĩ Hưng, cắt tóc cho bệnh nhân như một đam mê. Anh vui khi giúp cho những bệnh nhân tóc không bị rụng mà vẫn muốn cắt. Anh lại xót xa, áy náy khi phải cầm kéo cắt đi mái tóc dài của những cô thiếu nữ hay cắt trọc mái đầu các em nhỏ. "Hơn 5 năm cắt tóc tại đây, chúng tôi đã gặp rất nhiều bệnh nhân khóc khi mái tóc bị cạo đi", giọng anh chùng xuống.

Điều dưỡng Trần Thu Hằng - làm việc tại khoa Điều trị hóa chất - chia sẻ, trước kia cô chưa từng cắt tóc cho ai bao giờ, và cũng không tưởng tượng được là mình sẽ làm được việc này. "Ngày đầu tiên cầm tôngđơ, tay tôi run cầm cập, cả nửa tiếng mới cắt xong tóc cho bệnh nhân vì chỉ sợ nhỡ tay cạo phạm vào da đầu của họ. Nhưng giờ thì tôi quen rồi, có thể tạo được nhiều kiểu tóc, chứ không phải chỉ cắt ngắn hay cạo trọc đâu. Tuy nhiên, đa phần các bệnh nhân ở đây chọn 1 trong 3 kiểu tóc là trọc, cắt ngắn và cắt 3 phân", nữ điều dưỡng trẻ tâm sự.

Khi được hỏi về kỉ niệm cắt tóc khó quên, bác sĩ Hưng tâm sự: "Mỗi bệnh nhân cắt tóc có hoàn cảnh gia đình khác nhau nhưng điểm chung ở họ là phải cắt đi mái tóc của mình chứng tỏ bệnh tật mỗi ngày một nặng thêm. Với bệnh nhân, chúng tôi đối xử, chăm sóc tận tình như nhau nên nếu nói kỉ niệm cắt tóc nào tôi nhớ nhất thì rất nhiều, nhiều không kể hết được nhưng có một trường hợp mà tôi nhớ lâu hơn cả và đến nay gương mặt bệnh nhân đó vẫn in hằn trong tâm trí tôi. Đó là một nữ bệnh nhân, năm ấy cô nhập viện khi đang là sinh viên.

Những năm tháng sinh viên được coi là đẹp nhất của cuộc đời thì một lần đến viện, cô chết đứng người khi bác sĩ nói mắc bệnh ung thư. Cô gái gầy rộc đi trông thấy, việc học tập dĩ nhiên đành gác lại. Mỗi lần điều trị hóa chất là mỗi lần mái tóc dài đen óng rụng thêm từng mảng. Cuối cùng, để thuận lợi cho việc điều trị, vệ sinh, chúng tôi khuyên cô gái nên cắt tóc. Cô ấy từ từ đi đến ghế ngồi cho bệnh nhân, chân bước thật chậm như muốn quãng đường đến cái ghế xa mãi. Nước mắt cô gái rơi, mắt thất thần. Ngoài hành lang, bố mẹ cô ấy ôm nhau khóc. Bạn trai cô ấy cũng khóc, quay mặt vào tường. Là đàn ông, tôi có thể hiểu rằng, chắc lúc ấy cậu bạn trai đau đớn lắm, phải quay mặt vào tường, có lẽ cậu ấy muốn hét to lên, giận ông trời cớ sao lại gọi tên người bạn gái cậu ấy yêu 5 năm và chắc chắn sẽ chọn lấy làm vợ".

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-doi-song/tiem-cat-toc-dac-biet-ben-trong-vien-huyet-hoc-va-truyen-mau-trung-uong-524067.bld